Tính sổ V-League 2013

01/09/2013 11:00 GMT+7

Sau 6 tháng tranh tài, V-League 2013 đã chính thức khép lại vào chiều qua với ngôi vô địch của Hà Nội T&T. Giải đã xong nhưng vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục.

Sau 6 tháng tranh tài, V-League 2013 đã chính thức khép lại vào chiều qua với ngôi vô địch của Hà Nội T&T. Giải đã xong nhưng vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục.

Tiền nhiều hơn

Ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng giám đốc Công ty CP SLNA, nhận xét: “Sự ra đời và điều hành của VPF trong 2 năm qua giúp các CLB được làm chủ cuộc chơi và tạo ra một nguồn tài chính dồi dào hơn so với VFF trước kia. Giải thưởng hay tiền hỗ trợ cho các đội phong phú hơn, chế độ đãi ngộ cho trọng tài, giám sát cũng cao hơn.

Năm 2013, VPF còn chủ động mời Chủ tịch VFF ngồi ghế Trưởng ban chỉ đạo và tuy không phải lúc nào cũng đạt sự đồng thuận 100% giữa VFF và VPF nhưng công tác tổ chức cũng có nhiều nét mới như lịch thi đấu khoa học hơn, việc tuyên truyền cũng tốt hơn”.

 Tính sổ V-League 2013 1
V-League mùa giải năm nay gặp nhiều sự cố về trọng tài - Ảnh: Hải Đăng

Trong khi đó HLV Trần Bình Sự (Đồng Nai) nói: “Trước khi có sự cố Xi măng Xuân Thành Sài Gòn (XTSG) bỏ giải thì theo tôi V-League 2013 vẫn là một giải đấu có chất lượng. Mùa giải năm nay có rất nhiều trận đấu hay và nhiều đội bóng tạo ấn tượng. Đơn cử như Đồng Nai, không được đánh giá cao từ đầu mùa giải, nhưng đã liên tiếp tạo nên những bất ngờ. Hay các đội như Thanh Hóa, ĐTLA rất nỗ lực cũng tạo ra những trận đấu đẹp, kịch tính”.

 

Bạo lực sân cỏ và hành vi thiếu văn hóa, thi đấu không có tinh thần thể thao ở mùa giải này vẫn còn nhan nhản

Chuyên gia Vũ Tiến Thành

Với HLV Lại Hồng Vân của Kienlongbank Kiên Giang thì “V-League mùa này có rất nhiều bàn thắng. Đa số các đội đều chơi tấn công với thế trận mở nên khán giả luôn kéo đến sân rất đông vào cuối tuần. Trong tình cảnh kinh tế suy thoái, nhưng V-League vẫn mang lại món ăn tinh thần ngon và vẫn được người hâm mộ cổ vũ là rất đáng mừng”.

Ở góc nhìn của một nhà báo lâu năm, bình luận viên Đình Khải của VTC3 khẳng định: “Nét mới của mùa giải năm nay chính là việc ra đời của Ban Tư vấn đạo đức (TVĐĐ) và chính sự đóng góp tích cực và quyết liệt của ban này khiến BTC giải và VPF phải nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm. Chính những đấu tranh thẳng thắn và phát hiện kịp thời của Ban TVĐĐ đã góp phần lôi ra ánh sáng những trận cầu dưới sức, những cách làm “mũ ni che tai” của Ban Trọng tài, những hành vi thiếu văn hóa trên sân cỏ để giúp cho bóng đá VN phần nào “sạch” hơn”.

 Tính sổ V-League 2013 2
Niềm vui vô địch của Hà Nội T&T - Ảnh: Ngô Nguyễn

Nhưng thiếu chuyên nghiệp

Chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh thẳng thắn đánh giá: “Công tác tổ chức và điều hành giải của BTC VPF mùa này còn nhiều bất cập. Đã xuất hiện nhiều điểm yếu mà không phải đến khi XTSG bỏ cuộc hay những điều tiếng liên quan đến công tác trọng tài mới thấy BTC đã không thể hiện tốt vai trò của mình.

Cái chính là trong quá trình diễn ra giải BTC chưa có sự phối hợp tốt với các bộ phận liên quan trong VPF, chưa có những đánh giá đúng đắn về từng vòng đấu, đặc biệt là chưa có những hành xử chuyên nghiệp liên quan đến những vấn đề của giải như phát ngôn “tiền hậu bất nhất”, thiếu quyết liệt trong việc nhắc nhở các BTC sân, các đội bóng nghiêm túc với cuộc chơi và tôn trọng luật lệ, không giải quyết thấu đáo các đề xuất của Ban TVĐĐ, không mạnh dạn đấu tranh với tiêu cực. Lâu ngày thành “chai lì” nên dẫn đến sự thỏa hiệp và dung túng với cái xấu”.

Tính sổ V-League 2013 3
Khán giả leo rào vào ở sân Bình Dương, gây mất an ninh - Ảnh: Bạch Dương

 

Đội vô địch: Hà Nội T&T (Cúp + 4 tỉ đồng)
Đội hạng nhì: SHB Đà Nẵng (2 tỉ đồng)
Đội hạng ba: Hoàng Anh Gia Lai (1 tỉ đồng)
Vua phá lưới: Samson và Gonzalo (đều của Hà Nội T&T) cùng 14 bàn (20 triệu đồng chia đều cho 2 người)

Phó chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung cũng đồng tình rằng công tác tổ chức giải của VPF là chưa thành công. “Còn rất nhiều hạt sạn trong công tác tổ chức mà VPF cần tổng kết một cách nghiêm túc về bức tranh tổng thể mùa này và kiến nghị lên VFF về một chương trình tổng thể với những giải pháp, đề xuất về những đường hướng cụ thể cho mùa giải tới.

Cần phân tích thấu đáo những nguyên nhân dẫn đến sự chưa thành công. Nếu không tự tổng kết một cách nghiêm túc, đến nơi đến chốn thì khó lòng đi đến tận cùng của vấn đề.

Ví dụ như chuyện xem xét các điều kiện đảm bảo tính chuyên nghệp của từng CLB nếu làm nghiêm, làm chặt từ đầu thì đâu có chuyện XTSG tự ý bỏ giải. Một đội bóng không có nền tảng như thế mà VPF vẫn chấp nhận cho thi đấu thì cũng có nghĩa đã chấp nhận cho họ “lấn lướt qua mặt” và thiếu tôn trọng với mình”.

Tồn tại khác chính là sự yếu kém của một bộ phận trọng tài mà theo ông Trần Bình Sự: “Các đội bóng vẫn chưa có niềm tin tuyệt đối về công tác trọng tài, trong đó có những sai lầm ngoài chuyên môn là không thể chấp nhận được. VFF và VPF cần rà soát lại lực lượng trọng tài để chấn chỉnh. Những ai thường xuyên phạm lỗi một cách hệ thống thì nên mạnh dạn gạch hẳn tên của họ. Tôi nghe nói sau vài vòng đầu Ban TVĐĐ có đề xuất tạm dừng vài trọng tài mà theo họ có vấn đề, nhưng không hiểu sao vẫn không thấy động tĩnh từ Ban Trọng tài và BTC giải”.

Chuyên gia bóng đá Vũ Tiến Thành nhận xét trên HTV: “Bạo lực sân cỏ và hành vi thiếu văn hóa, thi đấu không có tinh thần thể thao ở mùa giải này vẫn còn nhan nhản khi các án kỷ luật mà Ban Kỷ luật và BTC đưa ra chưa có tác dụng răn đe. Trừ chuyện của XTSG là từ áp lực của dư luận, hầu hết các án kỷ luật còn lại đều lớt phớt, không thể hiện sự quyết liệt và nhất là chế tài chưa đủ mạnh nên các con bệnh trở nên “lờn thuốc”.

Ông Trần Văn Mui, nguyên Phó chủ tịch VFF, từng là giám sát AFC lưu ý: “Công tác đảm bảo an ninh và an toàn cho từng trận đấu, từng vòng đấu mùa này, VPF làm chưa chuyên nghiệp, chưa tốt, có vẻ dễ dãi với một số BTC sân. Lẽ ra phải có sự kiểm tra thường xuyên và nhắc nhở, đôn đốc với những sân bóng có những trận nhạy cảm, dự báo khán giả đông để ngăn ngừa các tình huống xấu. Nhưng sự cố ở sân Vinh hay sân Bình Dương đều cho thấy “mất bò rồi mới lo làm chuồng”. Ngay cả giám sát cũng ít thể hiện được chính kiến khi tôi được biết các báo cáo phần lớn rất chung chung, chưa mạnh dạn, thiếu cụ thể”.

Sông Lam Nghệ An mất 2 tỉ đồng

Đúng như dự báo của Thanh Niên, SLNA không thể đạt được mục tiêu giành huy chương (nếu thắng sẽ đoạt huy chương bạc) do gặp phải chủ nhà Đồng Nai chơi đầy quyết tâm. Dù Palza ghi bàn mở tỷ số trước ở phút thứ 3, nhưng niềm vui của SLNA ngắn chẳng tày gang khi ngay lập tức Ngọc Quốc đưa trận đấu về lại vạch xuất phát.

Thi đấu bế tắc vì thiếu cặp tiền vệ chủ chốt ở giữa sân là Quang Tình và Văn Bình khiến SLNA không thể tìm ra thêm cơ hội nào để nâng tỷ số. Ngược lại do nôn nóng dâng cao, họ đã để cho Van Bakel ghi bàn ấn định chiến thắng 2-1 cho Đồng Nai.

Cuối trận trung vệ Hoàng Thịnh của SLNA lãnh thẻ đỏ rời sân. Trận thắng đẹp của Đồng Nai được người hâm mộ tán dương nhiệt liệt vì dù hết động lực nhưng vẫn đã thể hiện thái độ thi đấu rất chuyên nghiệp.

Do SLNA không thắng nên SHB Đà Nẵng vượt qua Thanh Hóa 2-1 giành hạng nhì, Hoàng Anh Gia Lai cũng có huy chương đồng khi thắng chủ nhà Vissai Ninh Bình 1-0 (Evaldo ghi). Các trận còn lại: Becamex Bình Dương thắng đậm Kienlongbank Kiên Giang với tỷ số 6-0 do Anh Đức ghi 4 bàn và Huỳnh Kesley (2 bàn). Hà Nội T&T hòa Vicem Hải Phòng 3-3 (Gonzalo lập cú đúp, Ngọc Duy ghi cho T&T, Lê Văn Tân và cú đúp của Hoàng Đình Tùng gỡ cho Hải Phòng).

Xếp hạng toàn giải: 1/ Hà Nội T&T: 38 điểm, 2/ SHB Đà Nẵng: 35 điểm, 3/ HAGL: 35 điểm, 4/  SLNA: 33 điểm, 5/ Thanh Hóa: 33 điểm, 6/ V.Hải Phòng: 26 điểm, 7/ Đồng Nai: 25 điểm, 8/ B.Bình Dương: 23 điểm, 9/ ĐTLA: 22 điểm, 10/ V.Ninh Bình: 18 điểm, 11/ K.Kiên Giang: 14 điểm.

 Q.H - L.P - Đ.Nghi - T.K

Lan Phương - Quang Huy - Đăng Khoa

>> SLNA có thể trắng tay ?
>> SLNA chịu thiệt nặng nhất khi XMXT.Sài Gòn bỏ giải
>> SLNA - Hà Nội T&T: Trận chiến của cả mùa giải 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.