Tự truyện Lê Công Vinh phút 89: Nỗi đau Bacolod

27/05/2018 09:20 GMT+7

Tôi và các đồng đội dự SEA Games 23 (năm 2005) hoàn toàn không biết cơ quan điều tra theo sát nhất cử nhất động của đội bóng tại Philippines. Và tôi cũng hoàn toàn không biết gì về vụ mua bán độ tai tiếng nhất lịch sử bóng đá Việt Nam cho đến khi mọi thứ vỡ lở.

Sau khi sa thải Edson Tavares, VFF mời lại HLV Alfred Riedl. So với Tavares, Riedl hiểu bóng đá VN hơn nhiều. Hơn nữa, không ai hiểu lứa cầu thủ của Văn Quyến hơn Riedl. SEA Games 22 trên sân nhà, ông đã cùng chúng tôi giành HCB. Mục tiêu của SEA Games 23 là đổi màu huy chương. Riedl bao năm vẫn vậy, vẫn chọn những cầu thủ mình thích, vẫn trung thành với lối đá chồng biên. Lúc này, dù đã giành được Quả bóng vàng nhưng tôi vẫn chỉ là dự bị cho cặp tiền đạo ưa thích của ông Văn Quyến - Thanh Bình tại SEA Games 23.
Ông Riedl luôn thương Thanh Bình như con. Tôi không gặp vấn đề gì với sự ưu ái này, bởi mỗi HLV đều có những phương án nhân sự ưa thích cho lối chơi của mình. Nhưng mục tiêu của tôi là phải cạnh tranh vị trí, tôi muốn được ra sân. Nhưng dù tôi có tập bao nhiêu đi nữa, Riedl vẫn không xem tôi là tiền đạo chính thức. Từ chiến thuật đến nhân sự, ông thầy người Áo luôn bảo thủ với những lựa chọn của mình. Nếu cầu thủ chính thức không chấn thương hay đau ốm, ông không bao giờ tung cầu thủ dự bị vào sân dù anh ta có giỏi hay nỗ lực bao nhiêu.
Và ngày dự SEA Games đã tới. Đội hình đá chính vẫn không có gì thay đổi: Văn Quyến - Thanh Bình vẫn là cặp tiền đạo. Nhưng tôi biết cơ hội vẫn mở ra cho mình. Chỉ cần một trong hai người đá không tốt, Riedl buộc phải nghĩ đến tôi. Thanh Bình chơi không tốt trước Singapore và tôi được tung vào sân trong hiệp 2. Những ấn tượng mà tôi tạo ra là quá đủ để tôi lấy suất đá chính trận gặp Lào. Sứ mệnh chinh phục Riedl của tôi vậy là thành công. Được đá chính cạnh anh Văn Quyến, đối tác ăn ý tại SLNA, tôi như cá gặp nước. Chúng tôi đè bẹp Lào 8-2, và tôi là tác giả của một cú hat-trick. Suất đá chính vậy là đã thuộc về tôi.
Tôi không biết tại sao mình không được mời tham gia vào vụ việc ấy, có thể với họ tôi chỉ là đàn em, chưa đáng tin cậy. Nhưng nếu được rủ rê, tôi cũng sẽ làm điều mà Tài Em đã làm, là báo cáo lại cho BHL.
SEA Games 23 là một giải đấu đáng nhớ về mặt chuyên môn. Cảm giác đứng chung với một thế hệ tài năng thật dễ chịu. Đá cùng những người giỏi cho bạn cảm giác yên tâm. Và khi đã yên tâm, mình xử lý bóng cũng tự tin hơn. Đến trận đấu thứ 3 với Myanmar, chúng tôi giành chiến thắng 1-0, giành vé vào bán kết sớm một vòng đấu. Chiến thắng ấy có vẻ không mãn nhãn lắm, nhưng tôi vẫn không biết đấy chính là nguồn cơn của tai họa.
Lúc ấy, nhiều cầu thủ có thói quen đánh bài với nhau trong đội. Rất nhiều cầu thủ bật PlayStation lên, nhưng không chơi mà để cho 2 đội trong máy tự đá với nhau. Họ ngồi xem và cá độ. Nhưng tôi vẫn không xem đó là việc bất thường, có trách là trách BHL đã quản lý không chặt. Vả lại từ đánh bạc, chơi cá độ vui đến bán độ là chặng đường rất xa. Tôi không biết gì, Đức Cường cũng hoàn toàn không biết gì. Chúng tôi chỉ bàn về trận đấu tiếp theo và hy vọng giành HCV SEA Games. Sau này khi đã về đến VN, tôi mới biết thông tin bán độ qua… báo chí. Văn Quyến, Quốc Vượng, Văn Trương, Hải Lâm, Bật Hiếu, Phước Vĩnh, Quốc Anh là bảy cái tên dính vào một cuộc mua bán độ trong trận đấu với Myanmar. Họ nhận tiền để đá sao cho trận ấy chỉ thắng với tỷ số tối thiểu. Phan Văn Tài Em được mời vào “đường dây” này, nhưng anh không nhận lời và đi báo cáo lại với BHL.
Khác với Tavares kêu tôi vào chất vấn khi chưa rõ đầu cua tai nheo gì, Riedl đã không làm ầm lên. Ông cố gắng giữ mọi việc êm đẹp nhất có thể. Nhưng vụ việc như vết dầu loang, ai rồi cũng biết, chỉ có tôi và Đức Cường thì không. Sau khi các cầu thủ nhúng chàm bị bắt, HLV Riedl ngao ngán: “Các cầu thủ VN bán độ đã phạm phải một tội ác. Họ đã nhẫn tâm phản bội lại những giá trị tốt đẹp của bóng đá. Tệ hại hơn, họ phản bội lại hàng triệu triệu CĐV trung thành nhất. Vì quá yêu tiền, họ đã chà đạp lên tất cả”.
Như đã nói, tôi hoàn toàn không biết những chuyện động trời xảy ra chung quanh mình. Tôi chỉ biết buồn, biết đau khi chúng ta lại một lần nữa thua Thái Lan ở chung kết. Nỗi đau thất bại cắt sâu hơn đao kiếm. Trận đấu ấy kết thúc, chúng tôi lên máy bay trở về VN.
Về lại Nghệ An, nhìn vào tấm gương quen thuộc trong phòng, tôi có cảm giác như mình đã già đi chục tuổi. Mấy ngày trời sau thất bại, tôi như một thây ma. Tôi tự hỏi: Tại sao mình còn chơi bóng làm gì, chỉ để tàn phá tinh thần đến mức không còn chịu nổi nữa hay sao? Ấy vậy mà khi quả bóng lăn đi, tôi đuổi theo và phút chốc thấy mình sống lại.
Bóng đá tàn ác làm sao, mà cũng màu nhiệm làm sao!
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.