VPF công bố có bản quyền truyền hình

21/04/2012 04:17 GMT+7

Kể từ vòng 15, quyền khai thác thương mại, trong đó có bản quyền truyền hình (BQTH) 3 giải đấu quan trọng nhất VN sẽ thuộc về Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF).

Kể từ vòng 15, quyền khai thác thương mại, trong đó có bản quyền truyền hình (BQTH) 3 giải đấu quan trọng nhất VN sẽ thuộc về Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF).

Ít nhất 50 tỉ đồng/năm

Thông tin bất ngờ trên được ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ tịch VPF cung cấp cho báo chí vào chiều qua 20.4, sau cuộc họp sơ kết lượt đi mùa giải 2012 với chủ tịch của 24/28 CLB vào sáng cùng ngày. Đây có thể coi như một cú đột phá ngoạn mục của VPF trong cuộc chiến tranh chấp BQTH, tất nhiên những thương quyền lớn khác liên quan đến các đội tuyển quốc gia hay các giải đấu khác vẫn thuộc về AVG.

Ông Kiên cho biết: “Chúng tôi đã có cuộc làm việc thẳng thắn với AVG, VPF đã không mất đồng nào để lấy được thương quyền này. Không có chuyện thắng thua và vấn đề đã được giải quyết triệt để. Những nội dung cơ bản nhất đã được VPF, AVG, VTC, VTV thống nhất sơ bộ ngày 19.4. Ngày 23.4, chủ tịch VFF, AVG và VPF sẽ có cuộc họp cuối cùng để bàn giao. Mặc dù mới chỉ là thỏa thuận nhưng tôi tin bản quyền đã thuộc về VPF và tôi đã nói với ông Phạm Nhật Vũ của AVG rằng trong kinh doanh, một lời nói quan trọng hơn một chữ ký”.

Cả ông Kiên và một phó chủ tịch khác - ông Đoàn Nguyên Đức đã cho rằng: “VPF kỳ vọng không phải thu được 6 tỉ đồng như AVG ký với VFF hay chỉ 10 tỉ, mà ít nhất 50 tỉ đồng/năm từ BQTH. Đích ngắm 100 tỉ hoặc 150 tỉ/năm ngay từ mùa 2013. Từ 6 tỉ lên 100 tỉ gấp bao nhiêu lần. Tương lai có thể lên tới 300 tỉ, 500 tỉ đồng. VPF sẽ bằng mọi giá kiếm nhiều tiền nhất cho bóng đá VN”.

Cũng theo các nhà sáng lập VPF, các đài địa phương được miễn phí, nhưng VTV, VTC hay AVG phải hỗ trợ sóng cho VPF phát quảng cáo 15, 20 phút trước, trong, giữa trận đấu và VPF sẽ cùng chịu một phần trong chi phí sản xuất 70 - 120 triệu đồng/trận. Ông Kiên cho biết thêm: “Hiện tại đã có 10 doanh nghiệp sẵn sàng trở thành thành viên Hội đồng bảo trợ cho bóng đá VN vô điều kiện. Chúng tôi nói thẳng với họ rằng, ai muốn ngồi vào ghế hội đồng này thì VPF chỉ xin “tí” lợi nhuận là 10 tỉ đồng/năm thôi”.

Có chủ tịch CLB dính đến tiêu cực

Không ngại va chạm, ông Nguyễn Đức Kiên tiết lộ thêm rằng ở cuộc họp sơ kết, ông đã chỉ đích danh một vài chủ tịch các CLB đã “làm” một số chuyện liên quan đến trọng tài (TT) và các chủ tịch này đã thừa nhận có dính đến tiêu cực. Cùng với các cơ quan chức năng của Bộ Công an, VPF đã tìm được một số trận đấu có mùi ở lượt đi và sang lượt về sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ để phòng ngừa, khống chế hiện tượng tiêu cực. Ông Kiên nhấn mạnh: “Chúng tôi không truy cứu trách nhiệm với những đối tượng đã nhúng chàm ở lượt đi nhưng kể từ nay về sau, cơ quan công an có quyền bắt giữ những cá nhân tiêu cực, kể từ chủ tịch CLB nếu còn cố tình vi phạm pháp luật”.

VPF cũng thừa nhận công tác điều hành giải còn nhiều điểm chưa được, trong đó có bạo lực sân cỏ. HĐQT VPF và các CLB không hài lòng với công tác phân công TT và chất lượng TT. VPF sẽ làm việc lại Ban TT và đề nghị trưởng giải V-League, hạng nhất Trần Duy Ly, Nguyễn Hữu Bàng có quyền từ chối việc phân công TT nếu thấy bất hợp lý. Từ vòng 15 sẽ lựa chọn tổ TT tốt nhất tháng để khen thưởng. Chủ tịch VFF đã đồng ý, khi nào được chuyển giao chính thức quyền điều hành giải, VPF sẽ thành lập các tiểu ban TT (dự kiến sang tuần sau, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và hợp đồng chuyển giao sẽ được hoàn tất). Quy chế hoạt động của Ban Đạo đức sẽ được các CLB đóng góp ý kiến và hạn vào ngày 23.4. Ban này có quyền kiến nghị trừ điểm đối với những trận đấu có biểu hiện tiêu cực.

Khác với thái độ chắc như đinh đóng cột của lãnh đạo VPF, cuối giờ chiều qua, trao đổi với một số báo chí, ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch AVG lại tỏ ra rất thận trọng. Ông Vũ nói rằng việc thỏa thuận mới chỉ là bước đầu và hai bên cần phải tiến hành đàm phán thêm nhiều lần nữa. AVG chưa sẵn sàng chuyển giao và nếu có cũng không có chuyện chuyển giao vô điều kiện vì với AVG, VPF phải cam kết và chứng minh được phương án đem lại nguồn lợi tối đa cho bóng đá VN.

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.