VPF học gì từ bóng đá Nhật Bản?

09/10/2011 23:47 GMT+7

Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) sẽ có “vóc dáng” của ban tổ chức thi đấu giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản (J-League) - mô hình đã giúp Nhật Bản trở thành cường quốc bóng đá của châu Á và thế giới!

Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) sẽ có “vóc dáng” của ban tổ chức thi đấu giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản (J-League) - mô hình đã giúp Nhật Bản trở thành cường quốc bóng đá của châu Á và thế giới!

Ban giám đốc có kiểm toán, luật sư

Trở về sau chuyến dẫn dắt tuyển VN thi đấu tại Nhật Bản và có cuộc làm việc với lãnh đạo cao cấp của BTC thi đấu Nhật Bản: Daisuke Nakanishi - Tổng thư ký kiêm Giám đốc điều hành J-League, Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn, thốt lên: “Đã từng tìm hiểu trực tiếp về mô hình này của Nhật Bản nhiều năm trước nhưng lần này quay lại, chúng tôi vẫn cảm thấy “ngợp” trước những thông số mà phía bạn cung cấp. Nếu VPF vận hành được thành công như họ thì bóng đá VN sẽ có tương lai rất tươi sáng”.


Bóng đá Nhật Bản (trái) đã có diện mạo mới nhờ sự phát triển của J-League - Ảnh: AFP

Không mang tên công ty như VPF, mô hình này của Nhật có “nick” khá giản dị là BTC J-League và bộ phận điều hành (ban giám đốc) với 18 thành viên mà Liên đoàn Bóng đá Nhật (JFF) chỉ đóng góp vỏn vẹn 3 người. Ngoài ra, còn có 3 ủy viên thường vụ, 6 đại diện CLB cùng 6 thành phần khác của xã hội như luật sư, kiểm toán... Vị trí kiểm toán được đảm trách bởi chủ tịch một công ty kiểm toán lớn tại Nhật Bản. Giám đốc điều hành (còn gọi là trưởng BTC) do Hội đồng quản trị bầu. Không giống với VPF, BTC J-League không có Ủy ban đạo đức nhưng có ban kiểm soát. BTC J-League có 8 ban, trong đó quan trọng nhất là ban tư vấn cho công tác quản lý, ban kỷ luật, ban kỹ thuật, ban tư pháp, ban giám sát các trận đấu... Theo ông Viễn, BTC J-League là một tổ chức của JFF, sắp tới VPF cũng trở thành một tổ chức thành viên của VFF và được quy định trong điều lệ sửa đổi.

VPF cũng sẽ học tập Nhật Bản khi tách bạch hai giải đấu lớn nhất nước: Một phó giám đốc điều hành J-League 1 (ở VN là giải Ngoại hạng), một phó giám đốc khác làm cho J-League 2 (ở VN là hạng nhất). Một điều rất đáng lưu ý nữa là, các quan chức của JFF không “dính líu” gì đến các chức vụ cao nhất của ban điều hành này. Vì nhiệm vụ quan trọng nhất của lãnh đạo JFF là xây dựng định hướng và kế hoạch phát triển của cả nền bóng đá Nhật, bao gồm “hằng hà sa số” những hoạt động phong phú khác nhau, mà tổ chức thi đấu chỉ là một trong số đó.

3.000 tỉ đồng và 51 tỉ đồng

Thật bất ngờ khi nghe ông Viễn kể về lợi nhuận khổng lồ mà BTC J-League thu về mỗi năm. Ví dụ như năm 2009, tổng thu lên tới 11,670 tỉ yen (tương đương 3.000 tỉ đồng), bao gồm: biển quảng cáo các nhà tài trợ trên sân: gần 5 tỉ yen, bản quyền truyền hình - hơn 5 tỉ yen, kinh doanh thương phẩm - 698 triệu yen, vé (các trận Siêu cúp, Cúp quốc gia) - 172 triệu yen, các nguồn khác - 874 triệu yen.

Vẫn biết so sánh là khập khiễng nhưng thiết nghĩ cũng nên liệt kê ra đây một vài con số của bóng đá VN để thấy rõ việc cho ra đời VPF là quy luật tất yếu. Năm 2011, V-League nhận 30 tỉ đồng từ nhà tài trợ chính (4 mùa trước là 8 tỉ đồng/năm), bản quyền phát sóng ký với AVG trong 20 năm chỉ được 6 tỉ đồng/năm (có lũy tiến). Tuyệt đối không thu được một “cắc” nào từ kinh doanh thương phẩm (hình ảnh giải chưa thể bán được vì chất lượng kém), vé... Cộng với giải hạng nhất vào khoảng 15 tỉ đồng nữa thì tổng thu hai giải đấu của VN được khoảng hơn 51 tỉ đồng. Như vậy, nếu đặt hai con số 3.000 tỉ đồng của J-League và 51 tỉ đồng của V-League thì quả là không thể... so sánh được!

Ngoài việc được chia lợi tức cực kỳ lớn từ Đại hội cổ đông hằng năm, mỗi CLB cũng có nguồn thu riêng lên tới hàng chục tỉ đồng. “Lượng khán giả đến sân tại J-League đứng đầu châu Á, thứ 7 thế giới, chỉ sau các nước châu Âu như Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ý..., nên riêng tiền bán vé đã chiếm gần một nửa tổng thu của họ”, ông Viễn nói. Tại VN, có rất ít CLB thu lãi từ bán vé, ngoại trừ Sông Lam Nghệ An, Hải Phòng.

Một điểm khác biệt lớn mà VN sẽ không áp dụng từ mô hình J-League là phần vốn điều lệ, JFF không đóng góp cổ phần; còn tại VPF, VFF góp 35,6%, các CLB đóng 64,4%. Theo ông Viễn, mỗi năm, mỗi CLB tại J-League 1 góp vốn 60 triệu yen và 40 triệu yen tiền lệ phí, còn J-League 2 là 40 triệu yen cho hai khoản. “Phía Nhật giải thích rằng sở dĩ JFF không phải góp vốn vì JFF đã phải chi rất nhiều tiền cho các đội tuyển trẻ, các đội tuyển quốc gia, còn với chúng ta, VFF không đủ tiền chu cấp cho tất cả các đội tuyển mà vẫn phải xin ngân sách. VFF đóng góp vốn vào VPF để nếu có lãi, sẽ lấy tiền đó tái đầu tư cho các đội tuyển”. Ngày 11.10, các quan chức VFF cùng các ông bầu sẽ có “hội nghị thượng đỉnh” để bàn về cơ cấu, chức năng VPF, thay vì ngày 15.10 như dự kiến trước đây.

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.