Vụ Quế Ngọc Hải: VFF sẽ phải sửa lại luật

07/11/2015 16:06 GMT+7

(TNO) Trưởng Ban trọng tài Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), ông Nguyễn Văn Mùi khẳng định cần sớm điều chỉnh quy định kỷ luật sơ sài hiện tại, đồng thời nhắc nhở thực trạng 'thầy dạy hư trò' ở V-League khi một số CLB vẫn xua quân lên đá bậy để đe dọa đối phương.

(TNO) Trưởng Ban trọng tài Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), ông Nguyễn Văn Mùi khẳng định cần sớm điều chỉnh quy định kỷ luật sơ sài hiện tại, đồng thời nhắc nhở thực trạng 'thầy dạy hư trò' ở V-League khi một số CLB vẫn xua quân lên đá bậy để đe dọa đối phương.

Một pha va chạm nặng trong trận Đồng Nai gặp ĐTLA - Ảnh: Bạch Dương

"Hiện nay các quyết định xử phạt đều dựa trên quy định kỷ luật của VFF được thông qua bởi các CLB và VFF. Đến giờ phút này, đó vẫn là văn bản có tính pháp lý để thực hiện. Ban kỷ luật đã xử không sai. Tuy nhiên, điều khoản bắt cầu thủ trả mọi chi phí chữa chạy chấn thương như lúc này là không phù hợp.

Các CLB đã đồng tình thì phải chịu trách nhiệm, không đổ được. Nhưng điều nào bất hợp lý thì mình phải sửa thôi. 

Theo tôi, chúng ta phải quy định lại một cách rõ ràng và hợp lý hơn trách nhiệm các bên: CLB chủ quản chịu trách nhiệm gì, CLB có cầu thủ chịu chấn thương chịu trách nhiệm ra sao, cầu thủ vào bóng thô bạo sẽ bị xử lý thế nào... Phải dung hòa được trách nhiệm và quyền lợi của các bên chứ đổ hết cho cầu thủ là không khả thi.

Đồng thời, tôi nghĩ cũng cần quy định ra “mức trần”: Tối đa là bao nhiêu tiền, điều trị ở đâu… Chứ để như hiện tại là không rõ ràng, dễ gây tranh cãi. Chúng ta cần phải có một khung trần chi tiết với mức độ chấn thương nào thì chữa chạy ở trong nước hay nước ngoài, thời gian ra sao…", ông Mùi đánh giá và điều luật đã được Ban kỷ luật VFF áp vào án phạt của Quế Ngọc Hải mà ông cho là mơ hồ, sơ sài. 

Trưởng Ban trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi đề nghị sửa luật - Ảnh: Khả Hòa

Bên cạnh đó, ông Mùi nhấn mạnh sẽ không thể đòi hỏi cầu thủ có được ý thức bảo vệ cho đôi chân đồng nghiệp, khi tình trạng HLV hay lãnh đạo CLB vẫn thường xuyên làm hư họ bằng cách chỉ đạo quân mình nhao lên đá bậy, đá láo. 

Ông Mùi cho biết: “Ở một vài trận đấu cụ thể nào đấy, tôi thấy vẫn có tình trạng khi chơi bóng không đạt được mục đích, các CLB xua quân lên đá bậy, đá láo, dùng lối chơi bạo lực đe dọa đối phương. Bản thân các HLV, các nhà lãnh đạo trong đội bóng không gương mẫu, cầu thủ học đá theo thầy nói thì giáo dục, răn đe họ như thế nào đây?

Trong các lớp HLV bằng A, mới nhất là lớp đang mở tại Nha Trang lúc này, tôi thường xuyên nói rất rõ về hành vi bạo lực nghiêm trọng. Là HLV, chúng ta phải truyền đạt được tư tưởng nói không với bạo lực xuống cho các cầu thủ.

Nhưng rõ ràng bóng đá Việt Nam vẫn còn những tồn tại phải giải quyết khi hiện tượng thầy “xúi” trò đá bậy diễn ra không phải 1 mà đã nhiều năm. Điều đó chứng tỏ các CLB có những vấn đề chưa giải quyết thấu đáo, từ lãnh đạo đến cầu thủ.

Chúng ta phải chỉ rõ ra mới hạn chế được. Tại sao Sông Lam Nghệ An (SLNA) gặp Đồng Tháp không đá bậy, nhưng khi gặp SHB.Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội T&T, T.Quảng Ninh lại đá rắn như vậy.

Cũng như có một câu chuyện, nhiều người hay nói đến sự khúc mắc giữa cầu thủ SLNA và HAGL dựa trên trận đấu giao hữu cấp U.19 vài năm trước, nhưng thực tế thì có vẻ không phải vậy, nếu không muốn nói SLNA từng góp phần giúp HAGL ở 2 lần vô địch trước. Giữa họ vẫn có mối quan hệ được duy trì nhiều năm nay.

Điều này cho thấy các CLB đã lựa trận để đá thô bạo, xác định có những đối thủ cần phải đá xuất phát từ những mâu thuẫn không nắm bắt được. Như kiểu Chí Công khi gặp SHB.Đà Nẵng sẽ đá “tưng bừng”. Có thể là những mâu thuẫn nào đó giữa cầu thủ với cầu thủ, giữa các ban huấn luyện hay lãnh đạo”.

"Chúng ta không nên đánh đồng việc mua bảo hiểm cho cầu thủ với việc cầu thủ sẽ mặc sức đá bậy. Việc mua bảo hiểm cho cầu thủ là bước tiến chuyên nghiệp phải làm, giúp nâng cao nhận thức cho các cầu thủ.
Sẽ không thể có chuyện vì có bảo hiểm mà cầu thủ thoải mái đá bậy được. Để tránh những suy nghĩ như vậy, trọng tài và ban tổ chức giải phải có những mức độ xử lý quyết liệt và nghiêm khắc trên sân lẫn những hậu quả từ các pha va chạm”, Trưởng Ban trọng tài Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), ông Nguyễn Văn Mùi khẳng định. 

Dù nhiều người cho rằng V-League là giải đấu đậm chất bạo lực thì trên góc nhìn của mình, ông Mùi đánh giá ngược lại: “V-League 2015 là bình thường so với các mùa giải trước, chỉ rộ lên vụ Quế Ngọc Hải và Dương Thanh Hào.

Nhưng Dương Thanh Hào là tranh cướp bóng chẳng may gây chấn thương, chỉ có tình huống của Ngọc Hải là bạo lực. Không phải thẻ đỏ nào cũng là bạo lực. Tình trạng và lối chơi bạo lực, theo tôi thấy chỉ cá biệt ở một số cầu thủ. Số lượng những gương mặt này không nhiều. Mỗi đội bóng chỉ một vài cá biệt thôi dù không dễ thống kê chính xác".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.