Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), có tổng cộng 9.473 nhà đầu tư (NĐT) đăng ký tham gia mua CP Vietcombank với số lượng đăng ký 122.217.200 CP. Trong đó 252 NĐT nước ngoài đăng ký mua 40.667.700 CP, phần còn lại là các NĐT trong nước. Ông Huy Nam - chuyên gia tài chính chứng khoán - nhận xét so với khối lượng chào bán là 97,5 triệu CP, khối lượng đăng ký mua không chênh lệch nhiều lắm. Do đó sẽ không có cạnh tranh lớn về giá giữa các NĐT. Tuy nhiên có điểm đáng chú ý là NĐT nước ngoài khá quan tâm đến IPO Vietcombank khi khối lượng NĐT có tổ chức lên đến 45 NĐT với khối lượng đặt mua 39.863.000 CP. Trong khi đó, lượng CP Vietcombank mà NĐT nước ngoài được phép mua trong đợt IPO lần này khoảng 29,25 triệu CP. Điều này cho thấy khả năng NĐT nước ngoài sẽ bỏ giá cao hơn so với NĐT trong nước. Tuy vậy, khả năng NĐT trong nước có thể sẽ bỏ giá thấp, nên nếu các NĐT nước ngoài bình tĩnh, không cạnh tranh quá mức thì cũng có thể bỏ giá mua Vietcombank ở mức thấp.
Trả lời câu hỏi giá Vietcombank ở mức nào là hợp lý, ông Huy Nam cho rằng tất cả những thông tin về Vietcombank đã được “phơi bày” ra cả nên dự đoán giá Vietcombank rất khó. Những NĐT tham gia đấu giá Vietcombank là tìm mua cơ hội sở hữu CP của một “đại gia” lớn. Giá CP Vietcombank sẽ xoay quanh mức 100.000 đồng/CP, không cao hơn 150.000 đồng/CP.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mức giá đấu của Vietcombank ở khoảng 103.000 - 113.000 đồng/CP là hợp lý. Quan điểm của VDSC cho rằng CP Vietcombank chỉ phù hợp cho các NĐT có chiến lược dài hạn bởi mức giá khởi điểm đưa ra khá sát với giá trị thực. Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu sau cổ phần hóa của Vietcombank khá lớn, khả năng tạo ra khoản lợi nhuận tương xứng với quy mô mới ngay trong năm 2008 là không phải dễ. Sau khi cổ phần hóa, hiệu quả kinh doanh của Vietcombank phụ thuộc rất lớn vào tính năng động của hệ thống trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Điều này đòi hỏi khá nhiều thời gian, công sức và quan trọng nhất là thay đổi về tư duy và phương thức làm việc. Theo VDSC, phương pháp P/E áp dụng để định giá đối với Vietcombank là không phù hợp vì có sự khác biệt quá lớn giữa Vietcombank và các ngân hàng khác về hoạt động, quy mô, thương hiệu... Đặc biệt là xét đến yếu tố hiệu quả kinh doanh của Vietcombank liệu có điều chỉnh tăng tương ứng với sự tăng trưởng gấp nhiều lần của quy mô vốn chủ sở hữu ngay trong năm 2008.
Chính vì vậy, khi định giá Vietcombank, VDSC đã dùng phương pháp P/BV với sự tham khảo từ 3 ngân hàng TMCP tiêu biểu là Á Châu, Sacombank và Techcombank. Giá trị của Vietcombank được xác định tương ứng với 30% thặng dư được giữ lại theo phương pháp P/BV nên giá của Vietcombank được VDSC xác định từ 103.000 đồng đến 113.000 đồng/CP. Dù vậy, VDSC cũng đưa ra một số điểm các NĐT cần lưu ý là giá trị thương mại của các bất động sản Vietcombank đang sở hữu và quản lý chưa xác định và phản ánh trong kết quả định giá. Có khả năng sau cổ phần hóa, Vietcombank sẽ chủ động chuyển đổi chức năng để khai thác có hiệu quả hơn các diện tích đất đang sử dụng. Ngoài ra, đối với các khoản đầu tư tài chính, ước tính giá trị thị trường hiện tại tối thiểu 4.500 tỉ đồng. Đó là chưa kể đến giá trị phần vốn tại các công ty liên doanh.
Thanh Xuân
Bình luận (0)