Cú sút phạt nhớ đời của Roberto Carlos - Ảnh: getty images |
13 năm sau, kể từ khi Roberto Carlos tung cú sút phạt hình trái chuối - “Banana kick” vào lưới Les Bleus ở Cúp Tứ hùng 1997, các nhà khoa học Pháp mới có thể giải thích được pha ghi bàn hoàn hảo của cựu hậu vệ tuyển Brazil.
Cho đến thời điểm hiện tại, cú sút phạt của Carlos vào ngày 3.6.1997 vẫn được liệt vào danh sách những bàn thắng kinh điển của bóng đá thế giới. “Từ khoảng cách 40 yard (chừng 37m), cựu hậu vệ của Real Madrid lấy đà rồi từ từ tiến đến điểm đặt bóng để tung ra cú sút cực mạnh. Bóng đi liệng hình trái chuối trước khi chạm mép cột dọc bay vào lưới khiến thủ thành Fabien Barthez khi đó chỉ còn biết đứng im như trời trồng…”, tờ Daily Mail diễn tả lại.
“Những gì diễn ra quả thật rất đặc biệt”, nhà khoa học David Quere lý giải trên AP, “Trong quá trình hướng đến khung thành, tốc độ bay của trái bóng bắt đầu giảm dần nên độ xoáy vòng cung của nó cũng giảm một cách tương ứng. Nhưng điều quan trọng là sự kết hợp này vừa đủ để đưa bóng chạm mép cột dọc trước khi đi vào lưới. Nếu tốc độ bay của trái bóng mạnh hơn thì mọi chuyện đã khác. Đó không phải là một cú sút may mắn và Carlos hoàn toàn có thể thực hiện lại nó”.
David Quere là giáo sư của Trường đại học Bách khoa Paris. Ông Quere và các nghiên cứu sinh tại Trung tâm nghiên cứu nguyên tử và vật chất nhỏ đã dựng một mô hình cơ chế của cú “Banana kick” và cho phép nghiên cứu các tiến trình chuyển động chậm chạp xảy ra khi đó. Nhóm nhà khoa học này đã dùng một pistol có gắn đầu đạn bắn vào nước với tốc độ tương đương với cú sút đó (khoảng 110km/giờ) để đưa ra câu trả lời chính xác nhất.
“Michel Platini hay David Beckham khi thực hiện cú sút phạt từ cự ly 20 yard (gần 19m) bóng mới có thể đi theo hình vòng cung như vậy. Còn ở đây, khoảng cách của nó gấp đôi và Carlos đã sút rất mạnh vào phần trên của trái bóng và kéo lê nó 1 khoảng, khi đó bóng sẽ đi theo đường xoắn ốc. Rõ ràng đó không phải là bàn thắng may mắn”, ông Quere giải thích cặn kẽ hơn, “Người khác có thể thực hiện được cú sút đó. Với điều kiện quả bóng đi phải đủ mạnh và quan trọng người sút phải kiểm soát được điểm tiếp xúc giữa chân và trái bóng sao cho có độ chuẩn xác cao”. Và ông kết luận: “Vì quá hiểu rõ cơ chế hoạt động của cú sút và đường bay của bóng nên không lạ khi Carlos luôn nhận trách nhiệm thực hiện những cú sút phạt từ cự ly rất xa. Barthez là một thủ môn giỏi, nhưng nhìn cảnh anh ấy đứng như trời trồng thì rõ ràng cú sút ấy “khủng khiếp” đến nhường nào”.
Lĩnh Nam
(Theo AP, L’Equipe)
Bình luận (0)