Huyền thoại Kim Chấn Bát: Một đời người, một nghiệp võ

18/04/2012 03:10 GMT+7

Sau khi Lý Tiểu Long qua đời, dòng phim võ thuật có chiều xuống dốc. Phong trào tập võ qua thời kỳ bộc phát cũng bắt đầu lắng lại. Người dân lo ngại tương lai Hồng Kông sau khi chuyển giao chủ quyền về Trung Quốc (1997). Vậy là một dòng di dân âm thầm diễn ra.

Sau khi Lý Tiểu Long qua đời, dòng phim võ thuật có chiều xuống dốc. Phong trào tập võ qua thời kỳ bộc phát cũng bắt đầu lắng lại. Người dân lo ngại tương lai Hồng Kông sau khi chuyển giao chủ quyền về Trung Quốc (1997). Vậy là một dòng di dân âm thầm diễn ra.

Gia đình nhỏ của Kim Chấn Bát cũng không ra khỏi lựa chọn đó. Ông đứng trước hai con đường, hoặc trở về Hàn Quốc, hoặc đi qua Mỹ. Dù ở đâu ông biết mình cũng phải làm lại từ đầu. Sau cùng vì sự học hành của hai đứa con còn nhỏ dại, ông chọn con đường sang Mỹ. “Như một định mệnh, đúng ngày 28.3.1982 tôi đặt chân tới San Francisco. Cũng ngày ấy, mười bảy năm trước tôi đến Sài Gòn, một bước ngoặt làm thay đổi cả cuộc đời tôi”, ông nhớ lại.

Lần đầu qua Mỹ, không quen biết ai, không có mối quan hệ nào để nhờ vả, cả gia đình phải thuê khách sạn ở trọ hơn một tháng để kiếm chỗ ở mới. Rồi cả nhà dắt díu nhau đến khu Garden Grove, thành phố Westminster. Đây là khu vực có đông người Việt sinh sống. Đến một xứ sở mà mọi người đều lao vào kinh doanh kiếm tiền, ông lại không có nghề nghiệp nào khác ngoại trừ nghề… dạy võ. Ở Mỹ, thủ tục xin phép thành lập võ đường rất dễ dàng nhưng kiếm cho được môn sinh lại không dễ chút nào. Rất thật lòng, ông kể: “Ngày khai trương võ đường mới, các anh biết có bao người đến ghi danh không? Đúng 5 võ sinh, đều ở tuổi thiếu niên”.

Cách dạy võ ở Mỹ cũng khác. Không được phép la mắng hay đánh võ sinh. Tập luyện cũng ở mức độ vừa sức, nếu khổ luyện quá thì võ sinh bỏ học. Vậy là phải thay đổi cách dạy và cách tập sao cho phù hợp để thích nghi với hoàn cảnh mới. Cũng trong thời gian này, một số học trò cũ nghe tin ông qua Mỹ liền đi tìm. Thông qua võ sư Bông Su Han, bác sĩ Phạm Gia Cổn tìm ra được địa chỉ của ông. Bác sĩ Cổn là người được ông ủy nhiệm điều hành Trung tâm Hapkido tại Sài Gòn từ năm 1971. Sau này qua Mỹ, Phạm Gia Cổn tiếp tục mở võ đường dạy hapkido, đồng thời học nâng cao, trở thành giảng viên của đại học danh tiếng UCLA (University California Los Angeles).

Hai thầy trò gặp nhau trong vui mừng tột độ. Thấm thoắt hơn mười năm trôi qua. Giờ gặp lại thầy và trò đều bước vào độ tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”. Sau một đêm hàn huyên tâm sự, cả hai quyết định gộp chung hai võ đường lại, cùng tập chung và dạy chung như thời gian còn ở Việt Nam. Chẳng mấy chốc võ đường Kim Chấn Bát trở nên nổi danh. Ông được mời huấn luyện cho Irvine Swat Team, thành lập một lớp hapkido tại căn cứ không quân El Toro Marine. Năm 1987, với uy tín to lớn Kim Chấn Bát được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật thế giới tại Mỹ.

Năm 1993, với ý định đưa kỹ thuật hapkido vào lực lượng an ninh, Kim Chấn Bát dời đến Washington DC. Tại đây ông huấn luyện đặc cách cho lực lượng chống ma túy DEA (Drug Enforcement Administration) và các bộ phận trực thuộc. Kim Chấn Bát cũng thành công khi huấn luyện hapkido cho đội tuyển bóng rổ của Đại học G.Washington, đội bóng bầu dục Redskin của tiểu bang Washington… Hapkido ngày nay có mặt ở khắp các tiểu bang Mỹ, và nhiều nước trên thế giới như Mexico, Hà Lan, Pháp, Hy Lạp… Liên đoàn Jin Pal Hapkido thế giới thành lập năm 1994, Kim Chấn Bát giữ vai trò chủ tịch.

Một đời người với chừng ấy năm tháng lại làm được một khối lượng công việc đồ sộ như ông là sự phấn đấu không ngừng. Nhưng ông vẫn chưa chịu nghỉ ngơi, và tin rằng mình còn thời gian và sức lực để hoàn thành nốt những tâm nguyện. Ngày 2.4 vừa qua, đại sư Kim Chấn Bát tổ chức sinh nhật tuổi 71 của mình tại TP.HCM. Đây có lẽ là một trong những ngày vui nhất đời ông. Ông đã đến gieo hạt giống hapkido tại Việt Nam khi mới 24 tuổi, và đã làm một chuyến đi kéo dài 41 năm mới có dịp quay trở lại đất nước mà ông vô cùng yêu mến.

Trong chuyến đi này, ngoài các đệ tử tháp tùng, ông còn đưa theo người vợ mà ông hết mực yêu thương. Qua câu chuyện mới biết con người tài hoa Kim Chấn Bát là mẫu người hết sức chung thủy trong tình yêu. Chuyện quen biết và lấy vợ của ông không giống ai. Lúc làm cho một công ty Mỹ tại Sài Gòn, một viên quản lý lớn tuổi cũng là người Hàn Quốc nhận thấy ông làm rất nhiều tiền, nhưng không đi vũ trường, không hút thuốc, bia rượu, chỉ chăm chăm luyện và dạy võ nên đem lòng mến mộ. Viên quản lý đã chủ động kết nối cô con gái cưng Sue Yun đang học đại học tại Seoul với Kim Chấn Bát.

Năm 1968, Kim bay về Hàn Quốc và làm lễ đính hôn chớp nhoáng, rồi quay lại Việt Nam. Cô gái xinh đẹp Sue Yun đã thấp thỏm chờ đợi suốt ba năm. Thời ấy thông tin liên lạc rất khó khăn. Nhiều tin đồn đến tai vị hôn thê, nào chàng ta đã có vợ bên Việt Nam, hoặc thế nào cũng có con rơi. Lại có mấy chàng trai không kém phần hào hoa thừa cơ tấn công. Nhưng Sue Yun luôn vững lòng tin. Khi Kim Chấn Bát đến Hồng Kông, cũng là lúc Sue Yun vừa tốt nghiệp. Cô đã bay đến Hồng Kông và cả hai làm lễ cưới tại đây. Sue Yun là mẫu phụ nữ phương Đông, luôn hy sinh cho chồng con. Hai người ăn ở với nhau có hai mặt con và bà luôn sát bước theo chồng, chăm chút, chia sẻ cùng ông mọi vui buồn.

Ngược lại lúc Kim Chấn Bát đang nổi danh, có biết bao cô gái đẹp hâm mộ và có cả những cô chủ động “tấn công”. Nhưng con người rất mực nghiêm túc như Kim Chấn Bát chưa bao giờ xiêu lòng. Những lời từ đáy lòng của ông nghe hết sức thành thật: “Cả đời tôi chưa làm gì có lỗi với vợ. Và tình yêu tôi dành cho cô ấy đến nay vẫn còn nguyên vẹn, đủ đầy”.

Cao Thụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.