Nghe tiếng vuvuzela ở Joburg

14/06/2010 22:56 GMT+7

Johannesburg hay Joburg theo cách gọi của người dân bản địa đang hào hứng những ngày hội bóng đá hành tinh; luôn thấy sự náo nhiệt từ sân bay O.R.Tambo ra đường phố, từ những góc nhỏ cuộc sống ở đây.

Cổ động viên Việt, Mexico và Nam Phi cùng vui - Ảnh: Quang Thông

Johannesburg hay Joburg theo cách gọi của người dân bản địa đang hào hứng những ngày hội bóng đá hành tinh; luôn thấy sự náo nhiệt từ sân bay O.R.Tambo ra đường phố, từ những góc nhỏ cuộc sống ở đây.

1. Dãy đất cằn cỗi như hoang mạc chứa biết bao nhiêu vàng và kim cương từng thay da, đổi thịt bằng màu xanh với chín mươi phần trăm giống thực vật được đem về từ châu Âu, châu Úc. Cờ xí, các loại phướn, banderole đầy khắp, cổ vũ cho bóng đá và cuộc sống đáng yêu nhờ có bóng đá. Cả những câu mang sắc thái tình cảm “Share that loving feeling”, “Near and miss that paradise”, hay tự hào “Football brings the world to Africa” đến hô hào đoàn kết vừa trong bóng đá, vừa trong nội tình như “United we shall stand”. Dù fan hâm mộ và các nhà báo quốc tế luôn được cảnh báo về tình trạng an ninh ở những khu bình dân, vào ban đêm, song vẫn có thể cảm nhận được nụ cười thân thiện ở nhiều nơi. Sự phát triển kinh tế trong tay người da trắng đã đẩy người da màu vào khoảng cách giàu nghèo rất lớn, sự phân tầng xã hội rất rõ giữa những đường phố, khu nhà ở xinh đẹp và bề thế như  ở châu Âu và vùng ven ổ chuột Soweto mà có người mình sống bên này nói vui, còn tệ hơn quận 4 của mười năm trước. Gây ấn tượng đặc biệt vẫn là gương mặt hiền lành, nhẫn nhục của người da màu kiếm cơm lương thiện ngày ngày vẫn gặp ngoài phố. Trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn cả đời, họ nay đã có dịp bám víu vào niềm vui ngắn ngủi.

Vì bóng đá, có thể ai đó tạm quên bức xúc, mâu thuẫn trong cuộc sống; cũng có người nhân đó muốn cho thế giới thấy bộ mặt đa chiều của sự phát triển. Sự đan xen đó càng làm cho Joburg có lúc, có nơi chừng như quyến rũ hơn.

2. Từ sáng sớm đến tận sau nửa đêm, tiếng kèn vuvuzela vang lên ở mọi nơi của thành phố không bao giờ ngủ Joburg, nhưng khủng khiếp nhất vẫn là trong lòng chảo Soccer City thành tiếng ầm ầm không dứt, nghe điếc tai mà đọng lại trong đầu tiếng ong ong đặc sệt. Hoành tráng, dễ hớp hồn đội khách và cũng tạo ra áp lực không nhỏ đối với đội chủ nhà. Hôm khai mạc, hơn 84 ngàn người vào sân, chắc có tới gần vạn cái kèn cất tiếng. Các nhóm cổ động viên Mexico cũng có nhiều trò cổ động đầy màu sắc, có sóng tay, có những thanh âm gỗ xoay đặc trưng; nhưng số ít, họ không làm gì được trước tiếng kèn áp đảo. Từa tựa kèn corneta của các fan Brazil, cây vuvuzela (còn được gọi là lepatata) bằng nhôm đã du nhập và cất tiếng ở các sân cỏ Mexico từ những năm 1970. Có thể đó là một yếu tố quen thuộc giúp các cầu thủ Mexico vượt qua sức ép  tâm lý ban đầu trong trận đầu tiên. Theo khảo sát, cây kèn hiện bằng nhựa đơn giản và đang nhiều tranh cãi có thể phát ra thanh âm từ 127 decibel đến 144 decibel, tựa “tiếng rít cuồng nhiệt của một đàn voi” và ồn ào không thua gì tiếng động cơ máy bay chở khách. Trong lòng chảo Soccer City, tiếng vuvuzela muôn hồi rít lên và cộng hưởng âm như “sự giận dữ của một đàn ong khổng lồ”...


Kèn vuvuzela trong tay cổ động viên - Ảnh: AFP

Mặc dù hội các cổ động viên bóng đá ở cả Joburg và Cap Town đều đưa lên website của họ sự “thi vị”của cây vuvuzela nhiều màu sắc rằng ấy là “tiếng tù và báo hiệu trong sương mù”, khí cụ của dân tộc isiZulu cũng được thừa nhận cái tên nghĩa là “tạo tiếng ồn”. Kể từ Giải Confederations Cup 2009 , nhiều fan hâm mộ khắp thế giới đã biết đến “Âm thanh của Nam Phi” rồi, song ít ai hình dung được khuyến cáo về sự tổn thất tai nghe nếu phải ngồi hàng giờ trong tiếng rít của hàng ngàn chiếc vuvuzela chỉ mới dài không quá một mét, theo quy định.

3. Rất ít fan Việt đến được với World Cup 2010 để trực tiếp dự khán và cổ vũ cho những trận đấu do điều kiện không thuận lợi, nhất là khâu mua vé. Và nếu có, chỉ xem một trận là hạnh phúc lắm rồi. Đoàn khách mời của Công ty Dentsu Alpha, đơn vị cung cấp bản quyền sự kiện FIFA World Cup 2010 tại Việt Nam gồm 23 thành viên, chủ yếu thuộc các cơ quan truyền thông trong nước đã được bố trí chu đáo để dự khán trận khai mạc tại Soccer City. Ngụ tại khách sạn Southern Sun, nơi mà đội tuyển Nam Phi tập trung và được bảo vệ bằng hệ thống an ninh nghiêm ngặt, đoàn lại gặp hơn chục fan Việt khác đến cùng, là khách mời của một hãng điện tử lớn của Nhật đang làm ăn ở Việt Nam. Tới đây, theo kế hoạch, Dentsu Alpha sẽ đưa HLV Calisto sang để bình luận về các trận đấu; mời tiếp hai đoàn khách từ Việt Nam sang dự khán một trận tứ kết và trận chung kết. Không đơn giản chuyện cầm vé trên tay, fan khách còn phải có một số “phụ tùng” như các vòng tay, phù hiệu riêng... để được lên xe buýt đi 40 km đến sân, để được vào sân... Cảnh các fan Việt trên khán đài Soccer City cũng khá ấn tượng, người thì quấn cờ nước mình và đeo băng “Quyết thắng”, kẻ lại tô điểm màu cờ sắc áo nước chủ nhà lên mặt, đầy khí thế hòa mình.

Hằng ngày, từng đêm, fan các nước kéo nhau ra đường trong cái lạnh mùa đông, mà theo dự báo vào giữa giải có thể xuống dưới 0 độ C. Cổ động viên Mexico đầy màu sắc thổ dân Aztec; fans Anh vác cờ xí tụ tập ở các quán bia và hát hò; fans Mỹ đa số trẻ trung; fans đến từ Nhật cùng model tóc nhuộm. Fan bản xứ vận đồng phục xanh lá cây - vàng, vừa thổi, vừa quơ vuvuzela cuồng nhiệt, không chỉ trong sân bóng mà còn tập trung hàng vạn ở các công viên lớn dọc đường Wynberg xem qua màn hình lớn, góp phần tạo ra cảnh kẹt xe kéo dài. Fans nào cũng dễ gần; sự chia sẻ chỉ cần qua ánh mắt, bàn tay trong bất đồng ngôn ngữ; sẵn sàng giao lưu cả mấy tiết mục văn nghệ có đàn, trống trước trận đấu. Ai cũng có thể mở lòng vì tình yêu bóng đá. Ai cũng thích mua một cây vuvuzela để vừa thổi tại chỗ, vừa mang không khí thôi thúc của World Cup Nam Phi về quê nhà.

Càng vào sâu trong giải, số phận chiếc vuvuzela lại được cân nhắc bởi sự cấm hẳn hay hạn chế mang vào sân. Lý lẽ giữa việc duy trì một nét văn hóa bản địa đang được cân phân cùng những lời than phiền, cảnh báo. Dù sao chăng nữa, ấn tượng về một rừng kèn với tiếng rít đặc trưng trên mênh mông khán đài lòng chảo vẫn mãi là kỷ niệm khó quên trong lòng những ai đã đến với Joburg cùng cái đẹp và nét nhân văn của bóng đá.

Quang Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.