Thực hư về tuyệt kỹ khinh công (Phần 2)

20/04/2010 08:23 GMT+7

Trong bộ tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng “Thiên long bát bộ” của Kim Dung có kể về Đoàn Dự, thái tử nước Đại Lý, do lạc vào bí động mà học được bộ pháp Lăng ba vi bộ, có thể dễ dàng chạy thoát khỏi sự tấn công của đối phương.

Khinh công Bích hổ du tường

Trong bộ tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng “Thiên long bát bộ” của Kim Dung có kể về Đoàn Dự, thái tử nước Đại Lý, do lạc vào bí động mà học được bộ pháp Lăng ba vi bộ, có thể dễ dàng chạy thoát khỏi sự tấn công của đối phương.

Thực ra, Lăng ba vi bộ là môn khinh công thượng thừa của phái Tiêu Dao, lấy ý từ câu “Lăng ba vi bộ, la miệt sinh trần”(bước uyển chuyển đùa trên sóng lượn, tha thướt xiêm y phủ gót hài) trong bài Lạc thần phú của Tào Thực, con thứ Tào Tháo. Bộ pháp này di chuyển trên phương vị 64 quẻ của Kinh dịch. “Có nhiều bộ pháp thật kỳ lạ, đi một bước rồi vặn vẹo không làm sao đi tiếp bước thứ hai. Mãi đến khi chàng nghĩ ra cách nhảy lên không xoay người lại, lúc đó mới hợp với vị trí bước kế tiếp. Cũng có khi phải nhảy về trước rồi búng người ra sau, đầu lao qua trái, mông lắc sang phải mới hợp với bộ pháp trong cuộn lụa… Chàng ôn lại hết lượt bộ pháp, bắt đầu lại tất cả 64 quẻ, khởi thủy từ quẻ Minh Di, qua đến quẻ Bí, Ký Tế, Gia Nhân… đủ hết rồi đi một vòng về phương vị quẻ Vô Vọng”.

Trong “Ỷ Thiên Đồ Long ký”, giáo chủ Minh giáo Trương Vô Kỵ sau khi luyện thành “Cửu dương chân kinh” của Thiếu Lâm do Đạt Ma truyền lại thì thân pháp ảo diệu như lằn chớp. Khi giao đấu, chỉ thấy Trương “như một làn khói xanh cuộn đến”.

Trong Thiếu Lâm khinh công, Mai hoa trang công (đi trên trụ) là công phu cơ bản của tuyệt kỹ Phi thiềm tẩu bích, luyện thân thể nhẹ nhàng, bộ pháp mau lẹ, xếp vào loại “nhuyễn công nội tráng”. Công phu này cũng dựng trụ án theo ngũ tử mai hoa (5 trụ), thất tinh (7 trụ), bát quái (8 trụ), cửu cung (9 trụ), thiên can (10 trụ), địa chi (12 trụ) thiên cương (36 trụ), địa sát (72 trụ). Khó luyện thành nhất là Chuyển luân trang: đóng 1 trục gỗ thật chắc, trên trục đóng 1 mặt bàn có thể xoay tròn được, trên bàn lại đóng 5 trụ mai hoa thung nữa để đứng trên đó tập luyện. Chiều cao các trụ sẽ tăng lên dần đến hơn 2m, túi sắt mang trong người cũng tăng dần đến 30kg.

Nguyên lý khinh công thiếu lâm

Dưới ánh sáng khoa học, Thiếu Lâm khinh công dựa trên các nguyên lý sau:

Nguyên lý kích thích năng lượng: Khi gặp nguy hiểm như bị truy đuổi rất gấp, ta có thể nhảy qua hàng rào cao hoặc khe rãnh rộng mà lúc bình thường không thể nào thực hiện được. Như vậy lúc ấy sức mạnh và khả năng đó từ đâu đến? Đó là nguồn năng lượng tiềm tàng trong cơ thể mà đúng vào hoàn cảnh ấy, điều kiện ấy mới khai thác được phần nào một cách không tự giác. Luyện công chính là để khai thác, vận dụng tiềm năng ấy một cách có ý thức. Qua quá trình luyện công, nhiều dạng vật chất trong cơ thể được kích thích, chuyển hóa thành năng lượng. Năng lượng ấy phối hợp với quá trình chuyên luyện chính xác các tuyệt kỹ khinh công sẽ tạo nên những kỳ tích mà người thường không thể lý giải nổi như đứng giao đấu trên que nhang, đạp bèo qua sông…

Nguyên lý từ hóa, từ trường: Muốn đi trên mặt nước thì phải làm cho trương lực bề mặt và độ kết dính của nước tăng lên. Vật lý học cho thấy rằng nước một khi đạt đến cường độ từ trường nhất định sẽ phát sinh biến đổi các đặc tính vật lý như thay đổi tính dẫn điện, độ kết dính, trương lực bề mặt. Sự thay đổi ấy do từ trường gây nên, tạo thành từ hóa. Từ trường hiện diện ở sinh vật, cơ thể người. Mỗi cơ thể đều có sinh vật điện và sinh vật từ, hình thành sinh vật từ trường. Người trong trạng thái khí công thì từ trường rất mạnh, đặc biệt là trong trạng thái nhập tĩnh.

Nguyên lý nhập tĩnh: Người nhập tĩnh trong luyện công sẽ thể nghiệm được 8 loại cảm giác, trong đó có cảm giác “khinh” cảm thấy cơ thể nhẹ như tơ bay. Người luyện công đến trạng thái nhập tĩnh cao độ có thể nhập vào cảnh giới “vô vi không tĩnh” siêu thoát khỏi vạn vật.

“Quyền - thiền nhất thể”

Một đặc điểm quan trọng của võ công Thiếu Lâm là “Quyền-thiền nhất thể”, học võ kết hợp với tu thiền, lấy đó làm phương pháp tu trì, luyện công hằng ngày. Võ sinh ở chùa lấy “Tọa thiền công” làm phép luyện nội công chủ yếu, thông qua tập trung tư tưởng, bài trừ tạp niệm, điều tâm, điều tức, điều thân dần dần tiến đến nhận thức tự ngã, tu dưỡng võ đức, bồi bổ nguyên khí, phát huy cao độ linh cảm, dễ dàng nâng cao cảnh giới võ công và tư tưởng. Cả 3 nguyên lý khinh công đều thể hiện đầy đủ trong võ công Thiếu Lâm Tự.

Thiếu Lâm khinh công là kết quả của sự kết hợp mật thiết giữa nội công và ngoại công. “Nội” là luyện nội khí, khí huyết, tinh thần, kinh mạch; “ngoại” là luyện gân cốt, cơ bắp, kình lực. Các công pháp luyện nội công như Tọa thiền công, Tứ đoạn công, Thập đoạn công, Kim cang công, Ngũ tâm hợp nhất công là nền tảng cơ bản để luyện khinh công. Các công pháp như Thiết sa đại, Khiêu sa khanh, Tẩu khuông biên… chủ luyện ngoại công trong khinh công. Luyện khinh công phải dùng lực, ý, khí, thần, tiêu hao năng lượng rất lớn, nếu không biết phương pháp “dự trữ năng lượng”, “lấy nội dưỡng ngoại” thì tổn hại rất lớn.

“Thiếu Lâm ca quyết” dạy rằng: “Khinh công luyện thành tam diệu chỉ, Nhất tĩnh nhị tùng tam quân tế”, nghĩa là muốn luyện thành chân công phải tuân thủ 3 yếu quyết: “tĩnh” (tĩnh lặng), “tùng”(buông lỏng) và “quân tế”(hơi thở phải giữ thật đều và nhẹ). Trong quá trình luyện phải tránh những điều gây tổn thương sau: Nhìn lâu hại tinh, nằm lâu hại khí, nghe lâu hại thần, ngồi lâu hại mạch, đứng lâu hại cốt, đi lâu hại gân, giận dữ hại gan, tư lự hại tỳ, uống nhiều hại dương, quan hệ nam nữ nhiều hại tủy.

Võ sư La Khôn ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc đã xác lập kỷ lục Guinness khi biểu diễn quyền pháp trên dàn Càn khôn Mai hoa thung quy mô nhất từ xưa đến nay: gồm 108 trụ, mỗi trụ cao 2,8m, tạo hình theo ngũ hành bát quái. La Khôn từ năm 10 tuổi đã lên núi Nga Mi, Võ Đang rồi qua Thiếu Lâm học võ công. Năm 15 tuổi, La Khôn được một dị nhân trong thánh địa Đạo giáo ở động Kim Quang, núi Càn Nguyên chỉ điểm cho môn khinh công phối hợp giữa Thiếu Lâm Mai hoa thung và Nga Mi Thập nhị thung. Anh cũng luyện thành 2 môn khinh công nữa là Thủy thượng phiêu (đi trên nước) và Tẩu nhuyễn thằng (đi trên dây). Hàn Quốc và Nhật Bản cũng mời La Khôn sang biểu diễn tuyệt kỹ khinh công.

>> Thực hư về tuyệt kỹ khinh công (Phần 1) 

Thượng Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.