FIFA đau đầu với tai tiếng mua bán phiếu bầu

02/12/2010 00:59 GMT+7

20 giờ tối nay (giờ VN), FIFA bỏ phiếu bầu chọn quốc gia đăng cai World Cup 2018 và 2022. Thế nhưng FIFA vẫn không kịp làm sáng tỏ những cáo buộc liên quan đến chuyện mua bán phiếu bầu trong nội bộ.

20 giờ tối nay (giờ VN), FIFA bỏ phiếu bầu chọn quốc gia đăng cai World Cup 2018 và 2022. Thế nhưng FIFA vẫn không kịp làm sáng tỏ những cáo buộc liên quan đến chuyện mua bán phiếu bầu trong nội bộ.

FIFA đau đầu không chỉ vì những lời chỉ trích đối với quyết định tổ chức bầu chọn cùng lúc hai quốc gia đăng cai cho hai kỳ World Cup, mà còn vì một loạt vụ tai tiếng hối lộ của các thành viên cấp cao của tổ chức này bị báo chí Anh khui ra ngay trước giờ G.


Trong khi hai ông Nicolas Leoz và Ricardo Teixeira chưa có phản ứng gì, thì Chủ tịch LĐBĐ Châu Phi Issa Hayatou (từ trái qua phải) đã lên tiếng cực lực bác bỏ cáo buộc của BBC - Ảnh: AFP

Chủ tịch FIFA Sepp Blatter thừa nhận, quyết định cùng lúc bỏ phiếu chọn nước chủ nhà cho World Cup 2018 và World Cup 2022 là một sai lầm, bởi điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến việc bắt tay nhau giữa các nước chạy đua đăng cai. Đã có tin đồn về chuyện bắt tay giữa Tây Ban Nha và Qatar: nếu Qatar ủng hộ liên danh Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đăng cai World Cup 2018, thì Tây Ban Nha sẽ bỏ phiếu cho Qatar tổ chức 2022. Dĩ nhiên cả hai nước phủ nhận tin đồn này.

Các ứng cử viên tham dự cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2018: Anh, Nga, hai liên danh Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha và Hà Lan - Bỉ.

Các ứng cử viên tham dự cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2022: Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Qatar.

Chưa tìm ra biện pháp hiệu quả để ngăn chặn chuyện các nước chạy đua đăng cai ở hai kỳ World Cup 2018 và 2022 bắt tay nhau, thì FIFA lại đối mặt với một loạt cáo giác của báo chí Anh về nạn mua bán phiếu bầu của các thành viên cấp cao. Hồi tháng 10.2010, tờ Sunday Times đã “gài” 2 thành viên Ban chấp hành FIFA trong một vụ bán phiếu bầu đổi tiền. Khi vụ việc bị tung lên các phương tiện thông tin đại chúng, hai quan chức Amos Adamu và Reynald Temarii đã bị FIFA tước quyền bỏ phiếu. Mặc dù sau đó Reynald Temarri không bị buộc tội nhận hối lộ vì không đủ chứng cớ, nhưng ngày 18.11 vừa qua, vị chủ tịch của LĐBĐ châu Đại dương đã bị FIFA cấm tham gia các hoạt động bóng đá trong 1 năm vì những sai lầm nhỏ khác. Không phục quyết định của FIFA, ông Reynald Temarri đã làm đơn kháng án để rửa sạch tên tuổi của mình.

Trong khi FIFA còn đang tìm cách thuyết phục Reynald Temarri chấp nhận rút lại đơn kháng án để đổi lại việc LĐBĐ châu Đại Dương có đại diện tham gia cuộc bỏ phiếu ngày 2.12, thì đầu tuần này, hãng tin BBC của Anh lại khiến làng bóng đá thế giới rúng động khi phát một phóng sự điều tra về tình trạng tham nhũng trong nội bộ FIFA từ hơn 10 năm trước trong chương trình Panorama. Trong phóng sự này, BBC nêu đích danh Nicolas Leoz - Chủ tịch LĐBĐ Nam Mỹ, Issa Hayatou - Phó chủ tịch FIFA phụ trách khu vực châu Phi, và Ricardo Teixeira - lãnh đạo LĐBĐ Brazil, đã nhận tiền từ International Sport and Leisure (ISL), một công ty tiếp thị thể thao đã phá sản năm 2001, để bỏ phiếu cho một số quốc gia giành quyền đăng cai World Cup giai đoạn từ 1989 đến 1999. Cả 3 quan chức này đều tham gia đợt bỏ phiếu chọn nước chủ nhà World Cup 2018 và 2022 vào hôm nay.

Ngay ngày hôm sau, ông Issa Hayatoo, Chủ tịch LĐBĐ châu Phi (CAF), đã lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc của BBC về việc ông nhận hối lộ của ISL. Phát biểu trên đài France 24, ông Hayatoo nói ISL có chi 25.000 quan Thụy Sĩ cho CAF trên tinh thần “đoàn kết”, “trong bối cảnh kỷ niệm 40 năm thành lập CAF”: “Chúng tôi không phủ nhận chuyện ISL đưa cho CAF… 25.000 quan Thụy Sĩ. Chỉ có điều chúng tôi không dính líu đến điều tra của BBC - về một chuyện gì đó đã xảy ra cách đây 16 năm. Tại sao BBC không tiết lộ điều này từ 16 năm trước nếu họ có bằng chứng về sự hối lộ của số tiền này?”.

Về phần mình, FIFA nhấn mạnh rằng “cuộc điều tra vụ án ISL đã đóng hoàn toàn” sau một cuộc điều tra của các nhà lãnh đạo Thụy Sĩ, và kết quả không có quan chức nào bị kết án cả.

Những tiết lộ của báo chí Anh không chỉ khiến FIFA đau đầu, mà cả hy vọng trở thành nước chủ nhà World Cup 2018 của Anh cũng bị ảnh hưởng. Thế nên ngay sau khi BBC phát phóng sự điều tra gây chấn động, qua hôm sau, phái đoàn Anh đã xin có cuộc họp với Chủ tịch FIFA Sepp Blatter. Trong cuộc họp này có cả Thủ tướng Anh David Cameron và trưởng phái đoàn của các quốc gia chạy đua đăng cai. Danh thủ Beckham nói: “Chúng tôi muốn cho ông ấy (ông Sepp Blatter - NV) hiểu rõ rằng nếu Anh giành được quyền đăng cai World Cup 2018, thì các phương tiện thông tin đại chúng của Anh sẽ ủng hộ chúng tôi, báo chí Anh rất thiện chí với thể thao…”.

Hạnh Ngân (Tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.