Khoảng trống cầu lông

04/04/2011 23:29 GMT+7

Vắng tay vợt số 1 Nguyễn Tiến Minh, gần 50 tay vợt còn lại của cầu lông VN thất thủ ngay từ những vòng đầu tiên tại giải cầu lông VN Challenge vừa kết thúc tại Hà Nội. Một kết quả đáng thất vọng với những người quan tâm đến nền cầu lông nước nhà.

Vắng tay vợt số 1 Nguyễn Tiến Minh, gần 50 tay vợt còn lại của cầu lông VN thất thủ ngay từ những vòng đầu tiên tại giải cầu lông VN Challenge vừa kết thúc tại Hà Nội. Một kết quả đáng thất vọng với những người quan tâm đến nền cầu lông nước nhà.

Lời cảnh báo từ 4 năm trước

Cuối năm 2007 thế hệ vàng của cầu lông TP.HCM (thành phần chủ lực của tuyển quốc gia) như Nguyễn Tiến Minh, Quang Minh, Thanh Hải để vuột tấm HCĐ SEA Games do thiếu một tay vợt đánh đơn ở vị trí thứ yếu. Vị trí này do Nguyễn Hoàng Hải (Quân đội) đảm đương nhưng không đáp ứng. Khi đó, những người làm chuyên môn của cầu lông VN đã lên tiếng cảnh báo về khoảng trống trong công tác đào tạo VĐV kế thừa.


 Vũ Thị Trang, Hoàng Nam, Phương Nhi chưa ai đủ sức tạo ra làn gió mới cho cầu lông VN - Ảnh: Bạch Dương-Hoàng Anh

Ngay thời điểm đó, Phó chủ tịch Liên đoàn Cầu lông TP.HCM Huỳnh Ngọc Liên đã đề xuất nên thuê HLV ngoại có trình độ cao, đồng thời tăng cường tập huấn, thi đấu quốc tế cho các tay vợt triển vọng. Đây là giải pháp mà các nước có phong trào cầu lông đang phát triển trên thế giới áp dụng nhằm xây dựng lực lượng. Tiếc rằng vì những lý do khác nhau như thiếu tiền, vướng cơ chế… những lời đề xuất này trôi vào quên lãng để rồi sau đó, ngoại trừ Nguyễn Tiến Minh phát triển vững chắc về mặt chuyên môn nhờ sự đầu tư bài bản từ gia đình và sự góp sức từ xã hội, các tài năng khác như Quang Minh, Thanh Hải (nam), Bình Thơ, Nguyên Nhung (nữ)... đều không mấy tiển triển.

Không hẳn vì tiền    

Không thể có Tiến Minh thứ hai

Với thực trạng hiện nay của cầu lông VN, bà Huỳnh Ngọc Liên cho rằng VN rất khó, thậm chí không thể  có được một tay vợt có thể gây đột phá như Nguyễn Tiến Minh - tay vợt 28 tuổi, có mặt trong top 10 TG và đoạt quyền tham dự Olympic. 

Năm 2009, thành tích thi đấu nổi bật của Nguyễn Tiến Minh ở đấu trường quốc tế cùng với việc tay vợt này có thể kiếm tiền từ nghề cầm vợt đã gây hiệu ứng lạc quan với phong trào cầu lông VN. Các địa phương đầu tư nhiều hơn cho môn cầu lông bằng cách tuyển chọn VĐV, thuê HLV… số lượng VĐV tập luyện cầu lông đỉnh cao vì thế cũng tăng lên. Ngay ở bộ môn cầu lông VN cũng có đến 3 trung tâm huấn luyện trẻ đặt tại Từ Sơn (Bắc Ninh), Đà Nẵng và Cần Thơ với hơn 30 tay vợt tập luyện thường xuyên. Cả 3 trung tâm này đều có HLV ngoại và các VĐV được hưởng chế độ đầy đủ từ ngân sách nhà nước. Đó là chưa kể hai trung tâm mạnh tự chủ trong công tác đào tạo là Hà Nội và TP.HCM, mỗi nơi có đến 60 VĐV cầu lông ở các tuyến đào tạo.

Làng cầu lông trẻ VN cũng có nhiều niềm hy vọng như dàn tuyển trẻ của trung tâm Đà Nẵng như Vũ Thị Trang, Phùng Nguyễn Phương Nhi, Nguyễn Thị Sen (nữ), Lê Hà Anh, Nguyễn Hoàng Nam, Dương Phương Nam (nam). Trong số đó, tay vợt Vũ Thị Trang xuất sắc đoạt tấm HCĐ Olympic trẻ lần 1 năm 2010 tại Singapore. Tuy nhiên ở các giải quốc tế khác, điển hình là tại giải VN Challenge, các tay vợt này đều thảm bại ngay từ những vòng đầu.

Như là tay vợt trẻ Vũ Thị Trang - người được đầu tư đặc biệt trong năm 2011 phải thi đấu 10 giải quốc tế để tích lũy điểm để đoạt vé dự Olympic London 2012. Thế nhưng ngay tại giải quốc tế vừa tầm đầu tiên tại Áo, Vũ Thị Trang thua ngay ở trận đầu vòng loại. Thất bại này khiến không ít người đặt vấn đề về xây dựng kế hoạch thi đấu cho Vũ Thị Trang. Có ý kiến cho rằng tại sao không để Vũ Thị Trang thi đấu học hỏi ở những giải đấu quốc tế ở các nước trong khu vực châu Á, vốn là chiếc nôi của làng cầu lông thế giới mà phải đưa Trang sang tận trời Âu với kinh phí lên tới 100 triệu đồng để rồi chỉ đấu được 1 trận.

Trao đổi với Thanh Niên, Tổng thư ký Liên đoàn Cầu lông VN Lê Thanh Sang cho biết liên đoàn không thiếu tiền, chỉ cần những đề xuất thi đấu hợp lý sẽ được phê duyệt. Quan điểm của liên đoàn cũng tập trung đầu tư cho những VĐV trẻ nhằm xây dựng thế hệ kế thừa Nguyễn Tiến Minh. Tiếc rằng ở bộ môn lẫn Liên đoàn Cầu lông VN hiện có quá ít người am tường về mặt chuyên môn để có những kế hoạch hợp lý trong việc tư vấn, quản lý công tác đào tạo, xây dựng lực lượng VĐV kế thừa.

Nhiều năm gắn bó với cầu lông VN, bà Huỳnh Ngọc Liên - Phó chủ tịch Liên đoàn Cầu lông TP.HCM, cho biết có 3 nguyên nhân khiến cầu lông VN chưa thể đột phá. Thứ nhất, chúng ta chưa mạnh dạn thuê HLV “xịn” nên chưa có được chương trình đào tạo, tập huấn, thi đấu chuyên nghiệp. Thứ hai, chúng ta chưa có sự phối hợp giữa ngành thể thao và giáo dục để rồi nhiều tay vợt dưới 18 tuổi vì tập trung nhiều hơn cho việc học văn hóa mà chỉ tập luyện cầm chừng. Thứ ba, chúng ta không thiếu tài năng nhưng rất ít tay vợt trẻ VN được tạo điều kiện thi đấu quốc tế thường xuyên để phát triển chuyên môn.

Hoàng Quỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.