U.22 Việt Nam thất bại vì 'cái tát đau' ám ảnh từ quá khứ?

28/08/2017 09:38 GMT+7

Bóng đá Việt đã bị người Thái 'bắt nạt từ nhỏ' và hình thành nên cái dớp ám ảnh khó tiêu trừ. Dù lứa Công Phượng là thế hệ cầu thủ đầu tiên sau khi bầu Đức 'vá lỗi hệ thống' nhưng cũng ngậm ngùi thua đau.

Trong trận sống còn với U.22 Thái Lan ở vòng bảng môn bóng đá nam SEA Games 29, điều gì đã khiến cho những đôi chân nhiều năm khổ luyện bài bản của U.22 Việt Nam trở nên căng cứng kỳ lạ? Điều gì đã khiến một HLV Hữu Thắng luôn kiên định với lối đá ban bật nhỏ bỗng chốc trở thành một... Miura cứ bắt học trò phất bóng dài vô định? Điều gì khiến cho những cái đầu lạnh băng như Công Phượng bị tan chảy để rồi nóng vội đến mức sút hỏng quả penalty trời cho, những tưởng đem lại hi vọng xoay chuyển thế trận? Hàng loạt câu hỏi dồn dập đó không phải là tiết tấu cao trào của một bài hát đẹp, nó như gợi lại tiếng thở dốc vì hụt hơi của những cầu thủ U.22 Việt Nam trong trận thua "tức anh ách" trước U.22 Thái Lan vừa qua.
Sau trận đấu, HLV Worrawoot Srimaka của U.22 Thái Lan cũng tỏ ra khó hiểu đến phải mức thốt lên rằng: "Chẳng hiểu vì sao bóng đá Việt Nam cứ gặp Thái Lan là thua". Phải chăng nguyên nhân chính là những "cái tát" đầy ám ảnh từ quá khứ, đã khiến những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh không thể vượt qua cái dớp như đã bị "trấn yểm" đầy bí ẩn.
Nền bóng đá Việt Nam đã bị người Thái "bắt nạt" nhiều năm rồi Độc Lập
"Cái tát" từ quá khứ bị bắt nạt?
Tôi vừa có cuộc trao đổi cùng Phó giáo sư - Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn về câu chuyện "bắt nạt học đường". Phó giáo sư Sơn kể về những trường hợp các cậu bé bị bắt nạt thường xuyên đến nỗi sau này khi lớn lên, gặp lại người ăn hiếp mình ngày xưa, họ cũng dấy lên nỗi sợ vô hình, khó nói thành lời. Tôi bỗng liên kết câu chuyện này với nỗi sợ của bóng đá Việt Nam trước người Thái.
Từ rất nhiều năm trước, bóng đá Việt Nam đã bị bóng đá Thái "bắt nạt" quá nhiều lần, hệt như cậu trai yếu thế bị gã bạn to xác hiếp đáp từ nhỏ, đến mức đeo mang nỗi ám ảnh dai dẳng đó đến tận lúc trưởng thành. Anh to xác đưa tay vỗ vai, cậu yếu thế đã rúm người run rẩy, bởi những trận đòn đau ở quá khứ. Gã bạn to xác và cậu trai yếu thế phải chăng chính là hình ảnh phản chiếu rõ ràng của hai nền bóng đá Thái - Việt?  Tôi có đang tự hạ thấp nền bóng đá nước nhà quá chăng? Nếu đúng là vậy thì tại sao hễ gặp Thái Lan, các cầu thủ của chúng ta hết lần này đến lần khác lại bị "căng cứng" để rồi tự thua tức tưởi như vậy?
Một lần nữa người hâm mộ lại rớt nước mắt tức tưởi vì bóng đá Việt Nam thua rát mặt trước người Thái Ảnh: Độc Lập
HLV Alfred Riedl sau nhiều năm làm nghề tại Việt Nam đã nhìn ra vấn đề cốt lõi rằng: "Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc!". Đó là lỗi hệ thống, mà đã là lỗi hệ thống thì rất khó chữa, không thể điều chỉnh chỉ trong vài năm. Thậm chí cho đến khi bầu Đức bỏ ra cả núi tiền, đốn hạ hàng loạt quả đồi cao su xây lò đào tạo lứa Công Phượng, kết hợp cùng những cầu thủ chất lượng cao từ nhiều lò đào tạo hàng đầu cả nước, như một cách làm bóng đá từ nền móng vững chắc nhất để ấp ủ giấc mơ "đoạt vàng ở SEA Games 29", thì một lần nữa, thực tế cho thấy nỗi ám ảnh vô hình mà tôi đề cập vẫn chưa được tiêu trừ. Nó ám ảnh dai dẳng lên đôi chân và tâm lý của các cầu thủ trẻ, mà có lẽ chính bản thân họ cũng không thể tự nhìn thấy được. Tôi có cảm giác nỗi ám ảnh ấy bình thường thì "ẩn thân" nhưng hễ gặp người Thái là tự động kích hoạt.
Nhân tiện, tôi thấy nhiều người cứ hả hê cười cợt, buộc bầu Đức từ chức như từng cam kết khi U.22 Việt Nam không lấy được HCV SEA Games 29. Mọi người cần nhớ rằng ông Đức là một doanh nhân bận trăm công nghìn việc, chẳng ham hố gì cái chức phó chủ tịch phụ trách tài chính của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Ông đồng ý tham gia vào hàng ngũ lãnh đạo bóng đá nước nhà có lẽ chỉ để dùng công cụ quyền lực nhất định của mình thực hiện giấc mơ hàng thập kỷ. Ông hành động và miệt mài theo đuổi giấc mơ mà triệu người Việt cùng mơ. Vậy mà đến khi thất bại, ông lại bị người đời cười cợt, gièm pha. Bầu Đức có đáng bị vậy không?

tin liên quan

U.22 Việt Nam về nước: Khán giả nức nở đón thầy trò Hữu Thắng
Không ‘ồn ào’ như lễ đón đội tuyển nữ Việt Nam vào đêm qua tại sân bay Nội Bài, cuộc đón tiếp đội U.22 Việt Nam vào tối nay (26.8) tại sân bay Tân Sơn Nhất lại mang một màu sắc khác - buồn dĩ nhiên là rất nhiều - nhưng cũng tràn ngập cảm xúc nghẹn ngào của cả những người ra đón và người trong cuộc.
"Vá lỗi" vẫn thua tức tưởi
Bầu Đức đã âm thầm cất công khắc phục lỗi hệ thống ở khâu đào tạo của bóng đá Việt Nam, và lứa Công Phượng chính là thế hệ đầu tiên sau "vá lỗi", vậy mà vẫn thua đau trước người Thái. Triệu người tiếc nuối vì niềm hi vọng quá lớn, vạn người dấy lên cảm giác bất lực đến tận cùng, nhất là Hữu Thắng và bầu Đức. Cả hai cùng từ chức, và U.22 Việt Nam bị loại ngay trước vòng bán kết, đó là kịch bản chẳng ai muốn nhìn thấy ở SEA Games này. 
Sau trận U.22 Việt Nam với lứa cầu thủ trẻ tài năng đầy hứa hẹn thua rát mặt trước U.22 Thái Lan, có cảm giác nếu lấy những bài báo có tựa đại ý "Bao giờ bóng đá Việt Nam vượt qua Thái Lan?" cách đây hơn chục năm để đăng lại cũng vẫn còn nguyên tính thời sự. HLV Worrawoot Srimaka đưa ra câu hỏi: "Chẳng hiểu vì sao bóng đá Việt Nam cứ gặp Thái Lan là thua?", cũng là để tự khẳng định: "Thái Lan hễ gặp Việt Nam là thắng!".
Cho nên mới thấy chúng ta bị người Thái "trấn yểm" tinh thần từ rất nhiều năm qua rồi. Giờ làm sao để phá cái dớp u hoài ấy đây? Tôi không phải chuyên gia mà chỉ là người rất quan tâm đến bóng đá nước nhà, nên không biết cách phá dớp ra sao. Câu trả lời xin nhường lại cho bộ máy lãnh đạo của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, một bộ máy cần được sớm cải tổ triệt để với những nhân tố năng động, sáng tạo vượt trội hơn trong thời gian tới. 

tin liên quan

U.22 Việt Nam vỡ mộng, đâu có ai buồn hơn bầu Đức!
Chăm chút và kỳ vọng rất lớn vào lứa cầu thủ trẻ tài năng của Học viện HAGL JMG đằng đẵng 10 năm trời, ông bầu phố núi buồn bã hơn bất kỳ ai khi đội tuyển U.22 Việt Nam sớm dừng cuộc chơi ở SEA Games 29.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.