Tuyển thủ U.22 Việt Nam Nguyễn Đức Chiến: 'Của để dành' của thầy Park

11/12/2019 20:45 GMT+7

Không phải là 'át chủ bài', cũng chưa là người hùng của U.22 Việt Nam tại SEA Games 30, nhưng Nguyễn Đức Chiến chính là phát hiện mới, 'của để dành' mà HLV Park Hang-seo đem đến cho bóng đá Việt Nam .

Hùng Dũng chắc chắn một suất ở khu vực giữa sân nên việc chọn thêm một gương mặt khác để đá cặp bên cạnh tiền vệ của CLB Hà Nội trên lý thuyết không quá khó với HLV Park Hang-seo. Bởi U.22 Việt Nam có nhiều gương mặt khác đã được nhắc đến nhiều như Thanh Sơn, Việt Hưng hay Thái Quý. Nhưng phép giải tưởng chừng như dễ tìm ra đáp án ấy lại thách thức hơn so với ông thầy người Hàn Quốc.
Dù đã trao cơ hội, những cầu thủ trên không đảm bảo được tính hiệu quả để có thể trao trọn niềm tin ở giữa vòng tròn trung tâm. Đức Chiến là cái tên không được lựa chọn để chơi ở vị trí ấy ở thời điểm ban đầu. Cũng dễ hiểu khi cầu thủ đang khoác áo Viettel có sở trường là trung vệ. Nhưng lịch sử cũng đã cho thấy, nhiều cầu thủ có thể chơi tốt ở vị trí trái với sở trường.

Đức Chiến (21) thi đấu vị trí trái sở trường nhưng vẫn phát huy được khả năng

Độc Lập

Hơn nữa, nhiệm vụ của một tiền vệ phòng ngự cũng na ná như công việc của một trung vệ nên sự hòa nhập khi diễn vai khác trong phạm vi ấy không phải là quá khó.
Ở cái thế không còn sự lựa chọn nào khác, HLV Park Hang-seo đã phải thử nghiệm một phương án là đẩy Đức Chiến lên đá tiền vệ trụ. Vốn cũng đã sắm vai tiền vệ phòng ngự nên cầu thủ sinh năm 1998 này đã không mấy khó khăn để tạo nên một mắc xích hoàn hảo, còn thiếu trong cỗ máy của U.22 Việt Nam. Quả thật kể từ khi Đức Chiến xuất hiện ở giữa sân từ bán kết trở đi, U.22 Việt Nam đã trở nên khó đánh bại.
Có được một đồng đội làm tốt công tác phòng ngự, Hùng Dũng yên tâm hỗ trợ tấn công hơn. Chính sự điều chỉnh ấy của ông Park Hang-seo (bố trí Đức Chiến đá ở vị trí tiền vệ phòng ngự) giúp U.22 Việt Nam chơi bùng nổ với 7 bàn thắng và không để lọt lưới bàn nào kể từ vòng knock-out.

Một pha tranh chấp trên cơ của Đức Chiến với cầu thủ của U.22 Indonesia

Độc Lập

Sự thành công của U.22 Việt Nam với huy chương vàng lịch sử 60 năm chờ đợi là kết tinh của một nền bóng đá đặt trên nền tảng công tác đào tạo trẻ được chú trọng.
Nhìn rộng hơn, những HAGL, Hà Nội FC cho ra lò hàng loạt gương mặt xuất sắc cho bóng đá Việt Nam như Văn Hậu, Quang Hải, Tuấn Anh, Xuân Trường… nhờ chăm bẵm tốt quá trình “trồng người” ấy. Nguyễn Đức Chiến cũng là sản phẩm được đặt trên nền tảng ấy của Viettel.
Còn nhớ cách đây chục năm khi bầu Đức xây dựng Học viện HAGL Arsenal JMG, người viết đã có dịp gặp gỡ phái đoàn của Trung tâm đào tạo trẻ Viettel do ông Nguyễn Thanh Hải dẫn đầu có mặt ở Gia Lai để tham quan Học viện danh tiếng ấy. Sau đó không lâu, Viettel đã đẩy mạnh hơn nữa trong công tác đào tạo trẻ. Những Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Đức Chiến… đã được tuyển chọn để tạo nên nguồn lực vững chắc cho Viettel trong định hướng chiến lược xây dựng bóng đá chuyên nghiệp.

Đức Chiến (21) và tấm HCV bóng đá nam lịch sử của Việt Nam tại SEA Games 30

Độc Lập

Quả ngọt phải được vun bóng cẩn thận. Đức Chiến đã lớn mạnh trong cái kế hoạch vững chãi do Viettel xây dựng nên ấy. Viettel đã có thể nở nụ cười mãn nguyện khi công sức đào tạo trẻ đã đem đến thành quả bước đầu. Những đóng góp nổi bật của Đức Chiến (cũng như Hoàng Đức) trong thành tích huy chương vàng SEA Games là bằng chứng thuyết phục nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.