Cận cảnh “tia chớp”

22/01/2010 19:18 GMT+7

(TNTT&GT) Gọi Bolt là người giỏi nhất? Không đủ. Nói anh ta giỏi hơn những người còn lại nhiều? Cũng không đủ. Không có ngôn từ nào có thể diễn đạt được những gì Bolt đã làm...

(TNTT&GT) Gọi Bolt là người giỏi nhất? Không đủ. Nói anh ta giỏi hơn những người còn lại nhiều? Cũng không đủ. Không có ngôn từ nào có thể diễn đạt được những gì Bolt đã làm...

Ngày 16.8.2008, tại Bắc Kinh, Usain Bolt lập kỷ lục thế giới (KLTG) ở nội dung chạy 100m với thành tích 9 giây 69. Anh làm bùng nổ kỳ Olympic đó với 3 KLTG ở các nội dung 100m, 200m và 4x100m. Đúng một năm sau, 16.8.2009, trong giải vô địch Điền kinh thế giới tại Berlin, anh lập KLTG mới với thành tích 9 giây 58. Tròn một năm để phá KLTG của chính mình là một cuộc hẹn hò với lịch sử ngoạn mục của Bolt.

Vài ngày sau, Bolt tự tặng cho mình món quà sinh nhật thứ 23 bằng một KLTG nữa ở nội dung chạy 200m. Nếu như KLTG 19 giây 32 của VĐV huyền thoại Michael Johnson lập tại Olympic 1996 phải chờ đến 12 năm sau mới được Bolt phá tại Olympic 2008 với thành tích 19 giây 30, thì chỉ một năm sau, Bolt đã phá kỷ lục của chính mình với 19 giây 19 tại Berlin. Trong khi các VĐV khác mong đợi cải thiện thành tích của họ từng phần trăm giây qua từng năm thì hai KLTG được Bolt thiết lập trong hai năm liên tiếp và lại phá sâu thì quả là kỳ tích.

Sau cuộc đua, bình luận trên BBC, Johnson phân vân: “Gọi Bolt là người giỏi nhất? Không đủ. Nói anh ta giỏi hơn những người còn lại nhiều? Cũng không đủ. Không có ngôn từ nào có thể diễn đạt được những gì Bolt đã làm”.

Còn Bolt? Anh nói chỉ đạt được 85% và không hy vọng phá KLTG nào ở Berlin. Tại sao? Vì rằng sau Olympic 2008 ở Bắc Kinh, anh bắt đầu sa đà vào các cuộc phỏng vấn, các buổi talk show và các bữa tiệc với những nhân vật nổi tiếng. Đầu năm 2009, Bolt còn mất mấy tuần nghỉ đấu vì tai nạn xe hơi.

"Tôi là thiên tài"

Thế thì do đâu Bolt thắng? “Vì tôi là thiên tài”, anh chả cần phải khiêm tốn trước những câu hỏi tương tự như vậy. Tại Bắc Kinh, trong khi tay bơi giành 8 HCV Michael Phelps tập luyện, ăn kiêng, ngủ sớm như một người máy thì Bolt có đêm thức trắng ngồi nói chuyện phiếm với đồng đội Maurice Smith rồi đi kiếm đồ ăn McDonald’s không kiêng lót dạ khi trời sáng. Thế mà Bolt đánh cắp được vầng hào quang từ Phelps.

 

Thiên tài Bolt còn là người rất khoái tiệc tùng. Lần đụng xe hồi tháng 4.2009 chính là sau một buổi anh uống quá chén và phóng xe nhanh. Ở thủ đô Kingston quê nhà Jamaica của Bolt thì hộp đêm Quad là nơi ưa thích của anh. Anh thường uống bia Guinness và cuồng nhiệt với những điệu nhảy cho đến 5 giờ sáng.

Nhưng thiên tài của chúng ta không phải sinh ra đã là một người hoàn hảo để chạy. Anh bị vẹo xương sống bẩm sinh và càng tập nhiều, gân kheo của anh càng bị tàn phá. Nhưng may là HLV Glen Mills nhanh chóng nhận ra vấn đề này và áp dụng những bài tập phù hợp với anh. “Glen là người cha thứ hai của tôi. Ông biến tôi từ một VĐV trẻ thường xuyên bị chấn thương trở thành nhà vô địch như hiện nay”. Đến giờ, Mills tiếp tục làm việc với Bolt để cải thiện kỹ thuật của anh: “Tốc độ cao nhất của tôi đạt được ở 40-50m. Glen nói tôi phải làm việc nhiều để cải thiện thành tích trong 30m đầu tiên. Nếu làm được điều đó, tôi sẽ chạy nhanh hơn nữa”.

Ngoài Glen Mills, người thứ hai có ảnh hưởng lớn đến Bolt là Norman Peart, người quản lý của anh. Peart vốn là nhân viên thuế vụ, khi phát hiện ra Bolt năm anh 15 tuổi, ông biết ngay đó là một mỏ vàng, ông bỏ nghề và tập trung đầu tư vào Bolt. “Cha mẹ cậu ấy tin tưởng tôi tuyệt đối. Năm 16 tuổi, họ đã cho phép Bolt lên sống với tôi ở Kingston rồi”, Peart nói.

Ngược về quê nhà Bolt. Đó là làng Trelawny Parish cách Kingston ba giờ rưỡi chạy xe, một làng nghèo không đèn đường, thiếu nước sạch với những quang cảnh cũ kỹ: những người đàn ông già cưỡi lừa, những đứa trẻ tụ đầy ở các vòi nước công cộng, những người đứng bên đường vẫy xin đi nhờ xe...

“Usain Bolt đã đem về nước sạch cho chúng tôi”, một người đàn bà nói, “Giờ cầu nguyện cho cậu ấy thắng nữa để chúng tôi có con đường mới”. Cha mẹ Bolt vẫn sống ở Trelawny. “Có chết tôi cũng không rời làng này đi nơi khác sống. Tất cả ký ức của chúng tôi nằm ở đây, từ những cái cây thằng Usain đã leo trèo đến mảnh sân nơi nó tập cricket hồi bé”, bà Jennifer Bolt, mẹ anh nói.

Bà Jennifer cho rằng cậu con bé bỏng có tố chất điền kinh là bởi bà ăn ngọt nhiều khi mang thai cậu. Bà cũng nhớ Bolt ra đời chậm 1 tuần rưỡi so với dự kiến: “Có lẽ đó là thời gian chậm trễ duy nhất trong cuộc đời nó”, bà cười. Trong khi các gia đình khác ở làng đều có nhiều con thì bà chỉ muốn có một: “Cha nó đã có 3 đứa con riêng rồi. Nếu tôi với ông ấy có nhiều con thì sẽ là gánh nặng với ông ấy. Có một đứa như thằng Usain để rồi nuôi dạy tốt còn hơn là có nhiều con mà không có thời gian chăm sóc”.

Cha của anh, ông Wellesley Bolt, có một cửa hàng tạp hóa. Ông cao gầy, vui tính, hai cha con giống nhau như đúc. Câu chuyện nào ông cũng nhắc đến cô Lorna, đó là cô Lorna Thorpe, hiệu trưởng trường trung học William Knibb nơi Bolt từng theo học. “Chúng tôi mua cho nó đôi giày chạy đầu tiên. Chúng tôi cố gắng cung cấp những gì nó cần. Khi nó thắng ở Bắc Kinh, tôi đã bật khóc”, Lorna nhớ lại. Chính Lorna là người đã giới thiệu Bolt cho nhà quản lý Peart.

Ông Wellesley sợ máy bay vì vậy ông không đi đến các nơi con trai mình thi đấu. Mỗi lúc Bolt thi đấu, cửa hiệu tạp hóa của ông là nơi những người láng giềng tụ tập để xem anh qua truyền hình. Nhưng ông là người luôn lo lắng. Trước mỗi lần Bolt chạy, ông đều gọi điện cho Bolt: “Tao bồn chồn quá, mày có lo lắng không?” Và mỗi lần như vậy, anh thường dài giọng giễu cợt cha mình: “Tại sao ba lo? Con chạy, còn ba chỉ việc xem. Thôi nào, ba lo cái gì?”.

Bolt luôn vô tư như vậy trước các cuộc tranh tài. Trước khi chạy chung kết 100m nam ở Bắc Kinh, người ta còn thấy anh vật nhau vui đùa với Peart ở khu khởi động. “Nếu tôi có thể chạy nhanh hơn bạn thì bạn không có cách nào đánh bại được tôi. Bởi thế, tôi việc gì phải lo lắng về bạn?”, Bolt rất tự tin.

Ngày càng gần mặt trời

Sự tự tin đó đến từ khi nào? Từ giải điền kinh trẻ thế giới năm 2002 tổ chức tại Kingston. Trước khán giả nhà, cậu trai 16 tuổi gầy nhom rất căng thẳng. “Nó đã định bỏ thi vì nó nói rất sợ phải thi với các đối thủ to và mạnh hơn, nó sợ thua. Đủ thứ...”, bà Jennifer nhớ lại. Nhưng cuối cùng Bolt đã vượt qua nỗi sợ hãi đó để giành 1 HCV và 2 HCB. “Đó là giải đấu khắc nghiệt nhất trong sự nghiệp của tôi vì trước các khán giả nhà, nghĩa vụ của tôi là phải thắng. Và khi vượt qua giải đó, tôi cảm thấy mọi giải khác là bình thường”.

Bolt khoái chơi PlayStation, nhảy hip-hop, khoái McDonald’s, KFC, BMW, Gucci, Manchester United, Boston Celtics (đội bóng rổ NBA) và khoái ngủ. Anh có thể ngủ triền miên. Mizzican, cô bạn gái đồng hương của anh, thường than phiền tính háu ngủ của anh: “Nhiều khi anh ấy ngủ quên cả hẹn làm tôi phát tức”. Mizzican đang là sinh viên kinh tế và đã là người yêu của Bolt từ 6 năm nay.

Game cũng là đối thủ của Mizzican. Bolt khoái trò bắn súng Call of Duty. “Tôi thường lên mạng internet để tìm đối thủ”. Tất nhiên nickname không phải là Usain Bolt? “Ừ phải. Vì tôi không muốn người nào đó nói rằng họ vừa đánh bại người chạy nhanh nhất thế giới”. Năm ngoái, Facebook đóng cửa tài khoản của anh vì họ nghĩ người nào đó mạo danh anh, Peart phải ra tay để xin lại tài khoản cho anh.

Một người vô tư, luôn tươi cười, thư giãn khi đứng trước vạch xuất phát như thể đường chạy không phải chốn thi đấu mà là chốn dạo chơi có thể nào lại dùng doping? Tất cả các mẫu thử doping của Bolt từ trước đến nay đều âm tính. Bolt đâu có cần doping để ghi tên vào bảng vàng kỷ lục như Ben Johnson, Tim Montgomerry, Justin Gatlin? “Năm rồi, các cơ quan chống doping kiểm tra tôi đến 40 lần. Ngay cả khi tôi sang Florida thăm dì tôi, họ cũng cử người đến lấy mẫu. Họ ở khắp mọi nơi như điệp viên như vậy thì nếu có muốn tôi cũng chẳng dám dùng”.

Với 2 KLTG lập ở Berlin năm 2009, Bolt biết rất lâu mới có người vươn đến mức đó, vậy thì anh dùng doping làm gì? Chỉ để tự phá KLTG của chính mình? Anh biết điều đó là ngu xuẩn, anh muốn mình ngồi cùng hàng những huyển thoại như Armstrong, Tiger Woods, Federer,  Schumacher. Anh muốn mình sẽ tiếp tục giơ hai cánh tay lên trời làm động tác giống như một chiếc máy bay phản lực cất cánh sau mỗi chiến thắng. Thực tế, anh đã cất cánh năm 2008 và không gặp vấn đề gì với độ cao, anh ngày càng gần mặt trời hơn.

Đinh Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.