“Chảy máu” vận động viên khuyết tật

04/07/2011 23:48 GMT+7

Vì thành tích, thể thao VN thường phải đương đầu với nạn “chảy máu” vận động viên (VĐV). Điều này cũng tương tự đối với các VĐV khuyết tật.

Vì thành tích, thể thao VN thường phải đương đầu với nạn “chảy máu” vận động viên (VĐV). Điều này cũng tương tự đối với các VĐV khuyết tật.

Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2011 vừa kết thúc vào hôm qua với ngôi nhất toàn đoàn thuộc về TP.HCM với 283 HCV, 223 HCB, 158 HCĐ. Đoàn Hà Nội xếp hạng nhì với 128 HCV, 74 HCB, 43 HCĐ, hạng ba thuộc về Quảng Trị với 33 HCV, 20 HCB, 8 HCĐ. Như vậy, TP.HCM đã chiến thắng áp đảo, bởi toàn giải có tổng cộng 513 HCV thì chủ nhà đã đoạt đến 283 HCV, nhiều hơn tổng số huy chương của 28 đoàn cộng lại.

Thế nhưng, một thực tế ở giải đấu năm nay là rất nhiều VĐV giỏi của các địa phương khác đã ồ ạt về đầu quân cho TP.HCM, nên ở nhiều nội dung đó lại là cuộc chiến nội bộ của VĐV của đơn vị đăng cai. Trong thể thao, mỗi khi mất đi sự tranh chấp quyết liệt giữa các đoàn, các VĐV với nhau sẽ khiến cho giải kém hấp dẫn.

 
Các địa phương cần có chế độ tốt hơn cho VĐV khuyết tật để họ yên tâm cống hiến - Ảnh: Khả Hòa 

Được biết, sở dĩ các VĐV khác về TP.HCM bởi ở đây thưởng cho một HCV lên đến 5 triệu đồng, trong khi số tiền thưởng mà các VĐV được nhận ở địa phương mình khi đoạt HCV là rất ít. Ngoài ra, các VĐV đầu quân cho TP.HCM còn được hỗ trợ các điều kiện khác về dụng cụ và trang phục thi đấu.

Đơn cử như TP Cần Thơ (CT), họ có đến 7 VĐV giỏi ở bộ môn bơi lội về đầu quân cho TP.HCM ở giải lần này, đó là các tên tuổi: Võ Thanh Tùng, Nguyễn Hoàng Nhã, Hà Văn Hiệp, Nguyễn Thị Kiều Oanh, Ngô Văn Thiện, Đỗ Thanh Hải. Cả 7 VĐV này, mỗi người đều đoạt ít nhất 2 HCV tại giải lần này, tính sơ sơ CT mất đi không dưới 14 HCV riêng môn bơi lội.

Trao đổi với Thanh Niên, HLV bơi lội khuyết tật CT Bùi Thanh Tâm nói: “Chúng tôi gần như thua trắng tại giải khi CT thưởng cho một tấm HCV chỉ 750.000 đồng, chưa bằng 1/5 của TP.HCM nên chúng tôi không thể ngăn cản VĐV của mình ra đi. Người khuyết tật kiếm được đồng tiền rất khó khăn, nên vì vấn đề nhân văn, chúng tôi chỉ biết hỗ trợ chứ không ai nỡ ngăn cản”.

VĐV khuyết tật không ký hợp đồng đào tạo, không chịu sự quản lý hành chánh của đơn vị chủ quản, nên việc đầu quân cho đơn vị mới đối với họ rất đơn giản. Trước mỗi giải đấu, họ có quyền đăng ký thi đấu cho bất kỳ địa phương nào mà mình yêu thích. Chính điều này đã tạo điều kiện cho TP.HCM và một số địa phương khác dễ dàng lôi kéo VĐV giỏi về phía mình.

Vấn đề đặt ra là với số lượng VĐV quá đông đảo liệu TP.HCM có thể chu cấp cho họ trong thời gian dài. Ngoài ra, các địa phương khác cũng cần xem đây là bài học để nâng cao chế độ, tiền thưởng cho VĐV tỉnh nhà để tránh bị “chảy máu” và đó cũng là một cách tưởng thưởng cho nỗ lực của những VĐV có hoàn cảnh không may.

Quang Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.