Chưa có hồi kết cho tranh cãi VĐV nữ mạnh... như nam

02/08/2019 12:26 GMT+7

Những tranh cãi dữ dội về trường hợp VĐV nữ “mạnh như nam” vẫn chưa có hồi kết khi nữ hoàng điền kinh Nam Phi Caster Semenya sẽ không thể bảo vệ danh hiệu vô địch 800m thế giới khi Tòa Tối cao Thụy Sĩ bác bỏ chuyện tạm đình chỉ quy định gây tranh cãi về giới hạn hàm lượng testosterone của Liên đoàn Điền kinh Thế giới (IAAF).

Phán quyết của Tòa Tối cao Thụy Sĩ đồng nghĩa với việc nữ VĐV 28 tuổi sẽ không còn được phép tranh tài ở các cự ly từ 400m đến 1 dặm (1.600m) như cô vừa mới thi đấu hồi tháng 6 và 7 vừa qua. Giải vô địch điền kinh thế giới sẽ diễn ra từ ngày 28.9 đến 6.10 ở thủ đô Doha (Qatar).
AFP trích dẫn phát biểu của nữ VĐV Nam Phi từng đoạt 2 HCV Olympic cho biết: “Tôi rất thất vọng vì không thể bảo vệ được danh hiệu rất khó đạt được này của mình, nhưng điều đó sẽ không ngăn cản tôi tiếp tục cuộc chiến vì quyền con người của tất cả các nữ VĐV có liên quan”.

Chủ tịch IAAF Sebastian Coe quyết bảo vệ quy định testosterone dành cho VĐV nữ

AFP

Thông báo do đại diện của Semenya đưa ra hôm đầu tuần nêu rằng “một thẩm phán của Tòa Tối cao Thụy Sĩ đã bác bỏ yêu cầu tạm đình chỉ quy định của IAAF do chưa có kết quả xử đơn kháng cáo IAAF mà Semenya nộp lên Tòa án Trọng tài Thể thao quốc tế (CAS)”. Dorothee Schramm - luật sư phụ trách thủ tục kháng cáo của Semenya, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi việc kháng cáo của Semenya và đấu tranh cho quyền con người cơ bản của cô ấy”.
Semenya được phân loại về mặt sinh học là phụ nữ trước khi tham gia chạy các nội dung dành cho nữ giới. Tuy nhiên, đối với IAAF, những người phụ nữ như Semenya - tức những người có một số thuộc tính nam nhất định do có sự khác biệt về phát triển giới tính (DSD), thì được phân loại về mặt sinh học là nam giới. Đây là quan điểm đang bị bị giới chức thể thao Nam Phi phản ứng gay gắt.
IAAF cho rằng quy định giới hạn hàm lượng testosterone nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng cho mọi phụ nữ. IAAF lập luận rằng các VĐV bị DSD, như trường hợp của Semenya, được sinh ra với nhiễm sắc thể “46XY” thay vì XX như hầu hết phụ nữ, thì sẽ có lợi thế ở mọi nội dung thi đấu do họ có hàm lượng testosterone tương tự như nam giới.
Vì vậy, nếu muốn tranh tài (ở cự ly 400m đến 1.600m), những VĐV bị DSD như Semenya phải buộc uống thuốc để giảm hàm lượng testosterone như phụ nữ bình thường. IAAF cũng đã ca ngợi phán quyết của Tòa án Tối cao Thụy Sĩ đối với Semenya là một “chiến thắng trong cuộc chiến đem lại sự công bằng cho điền kinh”.

Tranh cãi về giới tính của Semenya (phải) có thể sẽ đảo lộn mọi quy định trong thể thao thế giới

AFP

Trong khi đó, đại diện của Semenya cho biết: “Caster Semenya vẫn kiên định chống lại quy định cực kỳ gây tranh cãi của IAAF buộc các nữ VĐV với hàm lượng testosterone cao tự nhiên phải dùng thuốc để can thiệp thì mới được tham gia các cuộc tranh tài đỉnh cao quốc tế”. Một luồng ý kiến dư luận cũng chỉ trích quy định của IAAF là “phân biệt giới tính” và có thể dẫn đến một sự hỗn loạn về xác định giới tính trong cạnh tranh thể thao.
Hữu Hiếu chia sẻ cảm xúc sau khi vô địch Muay Thế giới 2019
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.