Con đường tuyệt kỹ

06/02/2010 00:32 GMT+7

Muốn trở thành một thân hảo công phu phải qua hành trình khổ luyện. Người hành giả phải kiên tâm, trì chí, có khi mất cả chục năm mới đạt tới bậc đại thành.

Các võ sinh Nam Huỳnh Đạo đối luyện binh khí

Muốn trở thành một thân hảo công phu phải qua hành trình khổ luyện. Người hành giả phải kiên tâm, trì chí, có khi mất cả chục năm mới đạt tới bậc đại thành.

Nhiều môn tuyệt kỹ tưởng đâu chỉ có trong tiểu thuyết võ hiệp vẫn được âm thầm tập luyện tại một số võ đường. Họ đã làm điều đó như thế nào?

Từ ký ức một thời ngang dọc...

Sinh thời, võ sư Tám Kiển vốn là bậc cao minh, ông từng được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Tổng hội võ học mấy nhiệm kỳ liền. Tên tuổi của ông nổi danh ở vùng Chợ Lớn, được giới võ học miền Nam nể trọng. Ông có những lối kiến giải võ học thật sâu sắc và hết sức lạ lùng. Với ông, võ học Nam Tông (ông là chưởng môn phái sáng lập) nói riêng và võ thuật VN nói chung luôn đi theo hai hướng hiển và mật. Hiển được hiểu như là phô bày công khai, truyền dạy phổ cập cho mọi người. Mật có nghĩa là ở trong vòng bóng tối, chỉ được mật truyền trong nội cao đồ, mục đích gìn giữ các công phu trấn môn, không để những kẻ vô đạo đức học được vì chỉ có hại cho đời. Do vậy có không ít công pháp cao thâm theo năm tháng đi đến chỗ thất truyền. Có những võ sư thà sống để bụng, chết mang theo chứ nhất quyết không chỉ dạy vì không tìm được đệ tử chân truyền.

Miền Nam trước đây thường nghe nói nhiều đến môn võ gồng. Võ sĩ luyện được gồng có thể để đao, búa chém chặt vào người mà không hề hấn. Theo võ sư Tám Kiển, gồng là một dạng khí công dân gian, mới nghe qua tưởng đâu chỉ dành cho các anh nhà quê, nhưng thật ra nó hết sức cao diệu. Thời của ông, học võ mà để cho đao kiếm chém vào người chảy máu thì kể như bỏ, không được “xuống núi”. Ngay cả cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng cũng từng học võ gồng. Thời trai trẻ hoạt động chống Pháp, ông bị bắt bỏ tù và được đám cặp - rằng “săn sóc” đến nơi đến chốn. Chỉ cần tung đòn song chỉ, ông hạ gục ngay tên đầu sỏ, đám cai ngục từ đó nể mặt không dám động tới ông. Khí phách hiên ngang của ông được truyền tụng và trở thành giai thoại.

Võ sư Tám Kiển còn đề cập tới các loại ngải. Ngải là gì, có thật hay không vẫn còn bán tín, bán nghi? Ông nói rõ ngải không phải là bùa chú, tác động của ngải không giống kiểu tự kỷ ám thị của thần quyền. Ngải thật ra là một loại dược thảo bí truyền, tác dụng giống như doping ngày nay. Khi uống ngải, võ sĩ lên thượng đài đánh liền cả chục hiệp không biết mệt, tay chân va chạm không biết đau. Ngải hết tác dụng thường sau 12 tiếng, lúc ấy cơ thể mới bị ngấm đòn, bị ngải “hành” thường phải vật vã nhiều giờ liền. Do sợ thất truyền, ông nói có ghi lại các công thức trong một cuốn vở, và giao cho võ sư Lê Văn Minh ở Bình Dương lưu giữ.

...đến đạo đường đình Nam Chơn

Một trong những võ phái còn in đậm dấu ấn văn hóa - võ công Nam Bộ là Nam Huỳnh Đạo. Từ ngày khai môn đến nay chưa đến chục năm, nhưng Nam Huỳnh Đạo có những bước phát triển thật đáng kinh ngạc. Chỉ riêng tại TP.HCM đã có hàng chục võ đường và điểm tập, môn sinh hết sức đông đảo. Nam Huỳnh Đạo cũng có những nỗ lực lớn khi phối hợp cùng Sở Giáo dục  -  Đào tạo Vĩnh Phú đưa môn võ vào học đường. Võ sư chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết môn võ mà ông đang dốc sức truyền bá có nguồn gốc lâu đời, từ cụ tổ 7 đời Nguyễn Huỳnh Đức (tên thật Huỳnh Tường Đức) từng làm Tổng trấn Bắc thành triều Nguyễn. Dòng võ Huỳnh gia được các thế hệ con cháu gìn giữ, đúc kết và phát huy qua tham bác nhiều dòng võ nội, ngoại gia quyền. Võ công Nam Huỳnh Đạo có gì độc đáo lại có sức cuốn hút nhiều môn đồ đến thọ giáo như vậy?

Để tìm câu trả lời, chúng tôi đến đạo đường đình Nam Chơn nằm trên đường Trần Quang Khải, Q.1, TP.HCM. Đang giờ giảng tâm pháp - mật dưỡng, theo môn quy là người lạ không được phép vào. Nhưng do giữa chúng tôi và võ sư chưởng môn vốn là bằng hữu chi giao, nên coi như phá lệ. Chúng tôi mục kích hàng trăm cao đồ từ hồng đai trở lên đang trong tư thế tĩnh tọa, không khí im phăng phắc. Võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt đang nói về mối tương quan giữa văn hóa nông nghiệp thuần phác mộc tính với cân kình trong võ công. Từ cấp độ cân kình đi đến khí kình là vượt ra khỏi các nguyên tắc vật lý thông thường. Các công phu đặc dị của bao bậc kỳ nhân xưa nay đều dựa trên nguyên tắc luyện khí: luyện tinh hóa khí - luyện khí hóa thần - luyện thần hoàn hư.

Môn đồ Lê Thanh Toàn được chỉ định bước tới đối diện cùng sư phụ của mình để thị phạm Túy lúy súc cốt công. Môn công phu này thoạt đầu nghe có vẻ khó hiểu, nhưng những ai nắm rõ nguyên lý vận động của gân-cơ-xương-khớp thì nắm bắt được nguyên tắc súc khớp. Trong một phim tài liệu khoa học nước ngoài phát trên VTV2 trước đây, một đạo sĩ yoga cao 1,8m sau khi dùng thuật súc khớp có thể chui vào một vật chỉ cao 0,8m. Được tận mắt chứng kiến điều kỳ lạ này, tất cả khán giả đều sững sờ kinh ngạc. Súc khớp trong võ thuật nhằm phát huy năng lực tấn công. Địch thủ khi công hay thủ có thể phán đoán chính xác tầm đánh khi bị phản đòn. Thế nhưng điều này hoàn toàn vô nghĩa khi gặp phải cao thủ tung đòn súc cốt công.

 
Miệt mài luyện công

Chúng tôi cũng chỉ kịp nhìn thấy võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt lắc nhẹ vai, Lê Thanh Toàn mặc dù đang trụ bộ còn cách xa tầm đánh, thế nhưng vừa nghe tiếng “hự” anh đã văng xa mấy mét. Sức công phá của súc cốt công thật khủng khiếp khi nhìn thấy tốc độ bay ra xa của một cơ thể nặng hơn 60 kg cùng độ va đập âm vang. Cũng may môn đồ Lê Thanh Toàn đã nhiều năm luyện nội công có khả năng chịu đòn, nếu không đã bị chấn thương nội tạng. Võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết: “Muốn luyện tuyệt kỹ này đầu tiên phải luyện cân lực, hoạt cân và xả cân (gân). Sau đó luyện mở 12 đại khớp, đó là các khớp huỳnh đình, đại chùy, cân đầu... Kết hợp luyện khí tiểu châu thiên và đại châu thiên để hợp nhất kỳ kinh bát mạch tiến tới cơ chế súc cốt và phát được khí lực. Khi đã hợp nhất được thân tâm, một đòn tung ra có thể biến hóa thành ba đến năm chiêu, đối phương không biết đâu mà phòng bị”. Phải mất từ 10 đến 12 năm mới luyện thành tựu công phu này.

Tiếp đến phần thị phạm công phu Hấp tinh đáo làm chúng tôi chợt nhớ đến môn Hấp tinh đại pháp của Nhậm Ngã Hành trong Tiếu ngạo giang hồ của  Kim Dung. Tiểu tử vô danh Lệnh Hồ Xung chỉ ngẫu nhiên học được môn võ công lợi hại này, để sau này góp phần trừ khử Nhạc Bất Quần, dù hắn luyện được Tịch tà kiếm pháp muôn phần tàn khốc. Vậy Hấp tinh đáo trong đời thực lợi hại như thế nào? Một môn đồ có tầm vóc cao lớn và nội lực thâm hậu được mời phát công. Đòn đánh với khí thế dũng mãnh tưởng đâu sắp hất tung võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt. Thế nhưng khi đòn vừa chạm vào người chợt thấy cả thân hình ông như rung lắc nhẹ. Trong tích tắc người môn đồ đang tấn công dường như mất cả sức lực té ngồi khuỵu xuống, gương mặt không còn chút thần sắc.

Lý giải về bí mật của tuyệt kỹ này, võ sư Kiệt giải thích người luyện võ công đến một trình độ nào đó có thể cảm nhận “đồng khí” với đối thủ. Khi bước vào cơ chế đồng khí, khí lực của người mạnh hơn có thể hút hết lực của đối phương, triệt tiêu và hóa giải mà không cần động thủ.

Điều đặc biệt là võ phái Nam Huỳnh Đạo có một hệ thống “Thập tam tuyệt kỹ trấn môn” hết sức đặc dị. Không chỉ bảo lưu gìn giữ những “gia sản” quý báu của ông cha, võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt còn đang từng ngày từng giờ xiển dương hệ thống võ công Nam Huỳnh Đạo, phát triển sâu rộng để đóng góp sâu sắc hơn vào võ đạo và văn hóa dân tộc.

Cao Thụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.