Dấu ấn người kế nghiệp

11/05/2010 08:50 GMT+7

Ngày 29.4.1960 (mồng bốn, tháng tư, năm Canh Tý), võ sư Nguyễn Lộc - sáng tổ môn phái Vovinam-Việt võ đạo (VVN-VVĐ) đã sớm từ giã cõi đời tại Sài Gòn.

Võ sư chưởng môn Lê Sáng (giữa) nhận quà lưu niệm của đoàn Vovinam Ba Lan

Ngày 29.4.1960 (mồng bốn, tháng tư, năm Canh Tý), võ sư Nguyễn Lộc - sáng tổ môn phái Vovinam-Việt võ đạo (VVN-VVĐ) đã sớm từ giã cõi đời tại Sài Gòn.

Tuy nhiên, ước mơ góp phần xây dựng một nền võ thuật và võ đạo cho dân tộc của ông đã được những học trò kế nghiệp mà đứng đầu là võ sư chưởng môn Lê Sáng tiếp tục thực hiện cho đến ngày hôm nay dù phải qua không ít thăng trầm… 

Nguyên quán ở tỉnh Thanh Hóa, võ sư Lê Sáng chào đời vào mùa thu năm 1920 tại căn nhà bên bờ hồ Trúc Bạch (Hà Nội) và là trưởng nam của ông Lê Văn Hiển (1887-1959) và bà Nguyễn Thị Mùi (1887-1993).

Năm 1940, duyên may đưa đẩy ông đến với lớp Vovinam tại trường Sư phạm Hà Nội do cố võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc giảng dạy. Có tố chất, thông minh, chịu khó học hỏi và chuyên cần luyện tập, ông sớm cải thiện tình trạng sức khỏe và tiến bộ nhanh trên bước đường võ nghệ. Chỉ vài năm sau, ông được võ sư sáng tổ cho tham gia huấn luyện tại Hà Nội. Từ đó, ông luôn gắn bó với võ sư sáng tổ như anh em ruột thịt, đồng lao cộng khổ và theo chân võ sư sáng tổ đi dạy Vovinam ở nhiều nơi.

Năm 1957, sáng tổ Nguyễn Lộc lâm bệnh, ông thay người tiếp tục huấn luyện cho các môn sinh cao đẳng. Và trước lúc qua đời, võ sư sáng tổ đã giao nhiệm vụ lãnh đạo môn phái lại cho ông. Do tình hình thời cuộc, những năm đầu thập niên 60, võ sư Lê Sáng phải lên tận Buôn Ma Thuột làm ăn và mãi đến cuối năm 1963, ông mới quay về cùng các môn đệ bắt tay vào việc củng cố đội ngũ võ sư, HLV cốt cán, định hướng khôi phục và phát triển môn phái ngày càng mạnh mẽ hơn.

Bằng tài năng và tâm huyết của mình cùng với sự đóng góp công sức của nhiều thế hệ võ sư, HLV, môn sinh và đông đảo người hâm mộ, chưởng môn Lê Sáng đã phát triển những ý tưởng của sáng tổ Nguyễn Lộc để xây dựng cho VVN-VVĐ một hệ thống kỹ thuật cùng hệ thống triết lý võ đạo khoa học và thiết thực như hiện nay. Còn nhớ hồi giữa thập niên 1960, dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, nhưng song song với chỉ đạo phong trào, mỗi ngày trực tiếp huấn luyện hàng chục giờ; vậy mà biết bao đêm chưởng môn Lê Sáng vẫn chong đèn viết sách để hệ thống và phát triển những tư tưởng võ đạo của sáng tổ Nguyễn Lộc.

Đó là hệ thống tư tưởng hướng người môn sinh VVN-VVĐ đến một triết lý sống tốt đẹp: “Sống cho mình, giúp cho người khác sống và sống cho mọi người”. Theo đó, người môn sinh VVN-VVĐ không chỉ rèn luyện, vượt thắng sự hèn yếu của tâm hồn và thể xác, tổ chức cho bản thân mình một cuộc sống tốt đẹp mà còn có trách nhiệm giúp người khác sống tốt đẹp và sẵn sàng hy sinh những quyền lợi tinh thần hay vật chất để phục vụ lợi ích chung của môn phái, của xã hội… Không chỉ thế, ông còn dày công vun đắp hệ thống kỹ thuật của VVN-VVĐ ngày thêm đa dạng và phong phú, phù hợp với nhiều đối tượng. Ngay cả khi ở tuổi ngoại “thất thập cổ lai hy”, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hệ thống kỹ thuật cho phù hợp với giai đoạn mới - giai đoạn VVN-VVĐ phát triển mạnh mẽ ở nước ngoài sau cột mốc đặt nền tảng ban đầu trên đất Pháp năm 1973.

 
Lễ tưởng niệm cố võ sư Nguyễn Lộc - sáng tổ môn phái Vovinam-Việt võ đạo lần thứ 50 sẽ tổ chức vào lúc 9 giờ ngày 16.5.2010 (nhằm ngày mồng ba, tháng tư, năm Canh Dần) tại CLB VVN-VVĐ Lam Sơn (số 910/26/13, đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân, TP.HCM).

Những đóng góp hết sức quan trọng đó của chưởng môn Lê Sáng chính là tiền để để phong trào VVN-VVĐ ngày càng phát triển, thăng hoa và dần lan rộng ra hơn 40 nước trên thế giới như là một sự khẳng định mạnh mẽ của truyền thống thượng võ của dân tộc Việt.

Thời gian gần đây, dù sức khỏe giảm sút, nhưng chưởng môn Lê Sáng vẫn minh mẫn, sáng suốt và lạc quan. Một số võ sư cấp cao cận kề bên ông đều nhận được những lời dạy bảo chí tình. Ông thường khuyên các môn đồ phải đoàn kết, nhất là trong hàng ngũ các võ sư cao cấp. Chưởng môn dặn dò: “Các con có thể tranh luận hết lời nhưng sau đó thì nên làm việc hết lòng. Mỗi người đều có ưu khuyết điểm, cần thông cảm và bổ túc cho nhau”.

Sống đơn thân, giản dị, thích đọc sách báo, thấm nhuần triết lý phương Đông- người học trò xuất sắc nhất, người kế nghiệp của sáng tổ Nguyễn Lộc - đã cống hiến trọn cuộc đời và lưu lại một dấu ấn to lớn trong quá trình phát triển VVN-VVĐ nửa thế kỷ qua.

Nguyễn Hồng Tâm
(cựu môn sinh VVN-VVĐ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.