Đứng dậy sau chấn thương - Kỳ 11: Tuyên chiến với nỗi đau

25/06/2013 03:25 GMT+7

Nước mắt của tiền đạo Nguyễn Thị Minh Nguyệt nhiều lần rơi từ khi biết mình bị đứt dây chằng chéo trước gối phải. Giọt nước mắt ấy cũng trở lại ngày cô chiến thắng nỗi đau.

Nước mắt của tiền đạo Nguyễn Thị Minh Nguyệt nhiều lần rơi từ khi biết mình bị đứt dây chằng chéo trước gối phải. Giọt nước mắt ấy cũng trở lại ngày cô chiến thắng nỗi đau. 

>> Đứng dậy sau chấn thương - Kỳ 10: Vượt lên định mệnh
>> Đứng dậy sau chấn thương - Kỳ 9: Cô gái “liều mạng”
>> Đứng dậy sau chấn thương - Kỳ 8: Đi qua bóng tối

Mang chân đau lên sân... gỗ

Chấn thương ập đến với Minh Nguyệt trong một lần chị tập trên mặt sân Mỹ Đình. Đang chạy, bất ngờ Nguyệt khuỵu gối khi bước phải một hố lõm trên sân. Cô nhăn nhó kêu đau, chỉ ngỡ bị bong gân. Đến khi chụp cộng hưởng từ MRI tại Bệnh viện 108, Nguyệt mới biết mình bị đứt dây chằng chéo trước bán phần. Cô tặc lưỡi, coi là chuyện nhỏ. Đến tháng 11, thi đấu vòng loại ASIAD 2010, gặp Đài Loan, một cú sút bóng mạnh đã khiến đầu gối phải của cô “đình công” thật sự: lần này, phần dây chằng chéo trước đứt toàn bộ. Chớp cơ hội tiến sĩ Moss (người Đức) sang Việt Nam, Nguyệt quyết định phẫu thuật.

Đứng dậy sau chấn thương - Kỳ 11: Tuyên chiến với nỗi đau
Niềm vui ghi bàn của Minh Nguyệt - Ảnh: Ngô Nguyễn

Cô gái chưa từng trải qua một ca phẫu thuật nào trong đời với nỗi hoang mang rằng liệu cái chân có trở về bình thường? Liệu còn có thể chơi bóng tiếp được hay không? Sau phẫu thuật, Nguyệt được bạn thân và chị gái ngày ngày chăm sóc nhưng cơn đau nhức nhối từ trong xương và nỗi buồn rời xa trái bóng không đêm nào cho Nguyệt ngủ ngon. Hai đêm đầu tiên sau ca mổ, Nguyệt thức trắng, vết mổ hết thuốc tê đau xuyên tận óc. Hai ống dẫn dịch từ đầu gối bất thình lình chạm phải da thịt khi Nguyệt cử động khiến cô muốn đập đầu vào tường cho hết cơn đau. Nguyệt bắt buộc phải nằm ngửa, bất động chân, không được nghiêng mình, xoay ngang xoay dọc, cứ thế nằm khóc như mưa chờ trời sáng. Sang đến ngày thứ 7, cơn đau không dồn dập hành hạ Nguyệt nữa, cô bắt đầu tập co duỗi đầu gối. Bên chân phải hơi cong khiến cho việc tập luyện gặp khó khăn. Đến bây giờ, Nguyệt thú thật chân phải của mình lệch hẳn so với chân trái, dáng đi hơi “chấm phẩy” nhưng có là gì, với cô gái trẻ được chạy nhảy đã là một niềm hạnh phúc.

Suốt 4 tháng sau khi xuất viện, Nguyệt tập nhiều nhất tạ chân và bơi lội. Cái đầu gối có khi bất thình lình sưng vù, nóng hầm hập khiến Nguyệt toát mồ hôi. Cô ngừng tập ngay, chườm đá lạnh để nghe ngóng tình hình. Chấn thương vô tình dạy cô trở thành một “bác sĩ” dày dạn kinh nghiệm. Sau đó, Nguyệt xin tập thử futsal khi bướng bỉnh trấn an mọi người, “em muốn cho cái chân không “nhát” bóng. Em có thể chạy, không ai va vào chân là em không sao”. Mỗi đội 5 người, tiền vệ Minh Nguyệt với cái đầu gối phải quấn băng trắng toát xông xáo chuyền, dắt bóng. Trận đấu kết thúc, hai bên hòa nhau, nhưng Nguyệt trở thành người chiến thắng. 

Em sẽ còn đá nữa

 

Nguyễn Thị Minh Nguyệt sinh năm 1986 tại Hà Tây, ghi bàn thắng vào lưới Myanmar trong trận bán kết SEA Games 2009, giúp đội tuyển Việt Nam vào chung kết, 2 lần vô địch Đông Nam Á, 2 HCV SEA Games, vô địch giải bóng đá nữ quốc gia 2013 và trở thành cầu thủ xuất sắc nhất giải.

Nguyệt theo nghiệp cầu thủ trong sự can ngăn của mẹ. Chính vì lý do này, bị chấn thương cô cũng không nói cho mẹ biết, sợ mẹ lo và lại khuyên con từ bỏ thể thao. Cái chân ổn định Nguyệt mới gọi điện, mẹ Nguyệt tức tốc bỏ hết việc nhà lên ngay bệnh viện thể thao, vừa nhìn thấy con nước mắt cứ thế ứa ra. “Con ơi nghe lời mẹ, không đá bóng nữa, con nhé!”. Nguyệt cũng khóc. Trong cơn đau của những đêm dài sau đó, cô cũng chỉ ước đôi chân không gặp trục trặc gì, rồi chọn một công việc khác, rời xa đau đớn.

Thế nhưng thật khó để cô gái này nói lời từ biệt bóng đá. Cô ngày đêm tập chạy bền, tạ chân, bơi lội, chống đẩy... chỉ với một ước mơ được quay trở lại sân cỏ. Cuối năm 2010, tiễn các đồng đội vào TP.HCM tham gia giải VĐQG, sau khi xe chạy Nguyệt đã òa khóc nức nở. Vừa đi vừa khóc, Nguyệt cà nhắc đôi chân về tận phòng. Cô khóc đến tối, khi cơn đau, nỗi tủi thân nhấn chìm cô vào giấc ngủ.

Không phụ chính những nỗ lực của bản thân mình, Nguyệt đã trở lại ấn tượng bằng liên tiếp những thành công, là mơ ước một đời của các VĐV. Chức vô địch Đông Nam Á đoạt được cùng đồng đội trên sân Thống Nhất năm 2012 nâng thành tích của Nguyệt lên thành 2 lần vô địch Đông Nam Á, 2 HCV SEA Games và nhiều HCB khác. Nguyệt vẫn nhớ cảm giác tim như bị rơi ra ngoài khi thực hiện loạt sút luân lưu thứ ba trong trận chung kết với Myanmar. Cú sút thành công, mang về cho Việt Nam tấm HCV AFF Cup 2012. Ngày 22.6 vừa qua, trong trận chung kết với Phong Phú Hà Nam tại giải vô địch bóng đá nữ quốc gia, cô gái nhỏ đã thể hiện bản lĩnh một cầu thủ đàn chị, góp phần mang lại chức vô địch cho Hà Nội 1.

Đến nay cái chân của Nguyệt không phải đã hoàn toàn bình phục. Sáng nào Nguyệt cũng phải tập thể dục thật kỹ lưỡng nếu không muốn cả ngày hôm đó cái đầu gối cứng đờ, không thể chạy nhảy, bước lên cầu thang cũng khó khăn. Trước trận đấu nào, cô cũng phải khởi động lâu hơn các đồng đội, cảm giác của chân phải chưa trở lại hoàn hảo. Hiện tại, trong đầu gối phải của Nguyệt có 3 con vít sinh học để cố định các dây chằng. Một bác sĩ tại Bệnh viện 108 lần nào chụp MRI cho Nguyệt xong cũng khuyên cô nên tìm một công việc khác để cái chân không bị nguy hiểm. “Nếu bị tái chấn thương, 3 chiếc vít sẽ phải tìm một mảng xương khác để cố định lại. Như vậy, khả năng đi thọt sẽ là rất cao”, bác sĩ cảnh báo. Nguyệt cũng lo, nhưng khát khao sân cỏ lớn hơn. “Em sẽ đá, ít nhất 2 năm nữa. Sau đó thì làm cô giáo. Trên SVĐ Hà Đông, em nhiều lần khóc khi thấy những người khuyết tật tập đi. Em may mắn hơn nhiều người, không có chấn thương nào bằng sự buông xuôi cả...”.

Thúy Hằng

>> Tiền đạo Minh Nguyệt được hỗ trợ phẫu thuật
>> Tiền đạo Minh Nguyệt được hỗ trợ phẫu thuật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.