Đứng dậy sau chấn thương - Kỳ 13: Không để thua chính mình

27/06/2013 03:07 GMT+7

Với VĐV taekwondo Nguyễn Trọng Cường, điều để lại sau chấn thương, ngoài vết sẹo cùng thời gian là trái tim yêu đời, yêu nghề mãnh liệt.

Với VĐV taekwondo Nguyễn Trọng Cường, điều để lại sau chấn thương, ngoài vết sẹo cùng thời gian là trái tim yêu đời, yêu nghề mãnh liệt.

“Anh là thần tượng của tôi”

Làng thể thao không lạ anh em Nguyễn Văn Hùng - Nguyễn Trọng Cường, 2 võ sĩ có tên tuổi và sống rất tình cảm. 14 tuổi, Cường theo anh vào tập luyện trong tuyển trẻ Thanh Hóa. Anh Hùng dạy Cường những kỹ thuật đơn giản đầu tiên của võ thuật. Anh cũng chỉ cho Cường cách cầm một bát cơm, cách xưng hô với người lớn tuổi... “Có anh ấy động viên, tôi khỏe hơn 100 lần dùng thuốc. Anh ấy đi thi đấu cùng, tôi thấy mỗi cú đá của mình chuẩn xác hơn”, Cường nói về anh trai. “Thần tượng” anh trai đã giúp Cường không bỏ cuộc khi bị đứt dây chằng chéo trước gối phải, vỡ sụn chêm (cả trong và ngoài) năm 2006.

 Trọng Cường (phải) và anh trai Văn Hùng - d
Trọng Cường (phải) và anh trai Văn Hùng - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đó là ASIAD tại Doha (Qatar), Cường và đối thủ người Hàn Quốc thi đấu ngang sức ngang tài. Đến hiệp thứ 3, Cường quyết định tung cú đá quyết định để giành huy chương thì “khục”, anh ngã vật xuống, hai tay ôm đầu gối lăn lộn trên sàn đấu. Cường không chọn phẫu thuật ngay vì không dám mạo hiểm với khả năng thi đấu khi tuổi đời còn quá trẻ. Nằm dưỡng thương, xoay lại khớp gối, Cường tiếp tục luyện tập, thi đấu. Trong suốt 5 năm liên tiếp, hàng ngàn lần cái đầu gối trái nổi giận, trật khớp, Cường lại tự co duỗi chân, lật lại khớp để chúng về như cũ. Biết vậy là đùa giỡn với khả năng tàn tật sau này, nhưng trong Cường chỉ còn một khao khát được thi đấu và giành thành tích.

Đến năm 2011, cái đầu gối đã quá tải thật sự, Cường không thể như một chú robot tự xoay các khớp của mình nữa, anh nằm vật xuống, bất lực nhìn anh trai: “Em không thể làm gì được nữa rồi!”. Cường quyết định phẫu thuật tại Bệnh viện 108, nằm trong bệnh viện 8 ngày và tự một mình tập luyện tại Trung tâm huấn luyện TDTT Nhổn trong vòng 3 tháng. Một tuần sau khi mổ, Cường không nghĩ được gì ngoài một chữ “đau”. Đau từng cơn. Đau âm ỉ. Và bất thình lình cơn đau nhói xuyên tận óc. Không ăn, không ngủ, quầng mắt trũng sâu, người anh xanh rớt như tàu lá. “Tôi chỉ cần hết đau và đi lại bình thường thôi, không cần đá đấm gì nữa”, Cường lẩm nhẩm cầu nguyện trong đêm. Thế mà vừa bỏ nạng và tập tễnh đi lại được, ham mê võ thuật trỗi dậy, Cường lao vào tập luyện cường độ cao gấp 5, 7 lần chỉ dẫn của bác sĩ. 

“Anh Hùng từng bị đứt dây chằng chéo sau, khủng khiếp hơn chấn thương của tôi. Anh đứng dậy và thi đấu được, tại sao tôi không thể?”. Chính câu hỏi này đã giúp Cường kiên gan không đầu hàng đầu gối. Bắp đùi và bắp chân của Cường teo nhỏ lại như chân của một thiếu niên, Cường mặc chiếc quần đùi rồi tự cười với chính bộ dạng của mình. Cường bỏ nạng, đứng hai chân cho vững rồi lại đứng một chân. Anh tự đạp xe cho gối khỏe rồi đá chân trái dưới nước theo cường độ mạnh dần. Tối nào trước khi đi ngủ, Cường cũng đeo vào chân các cục chì, đá qua đá lại. Những buổi tập đầu tiên vừa làm vừa khóc vì đau quá, Cường tự mình hát lên vài bài vui vui, nghĩ về một cái gì đó sáng sủa hơn và lại cắn răng tập tiếp. Các bác sĩ cũng không thể ngờ, từ một người từng không dám bước lên thang cuốn trong siêu thị khi mới mổ xong, chỉ sau 3 tháng, Cường đã đá chân được trên không, cảm giác tự tin, chuẩn xác như người ta thường thấy.

Để trái tim cha mẹ nhẹ hơn

Cha Cường 72 tuổi, mẹ Cường đã bước sang tuổi 65, bốn anh chị em Cường đều yêu thương nhau, không ai mong muốn mẹ cha lo lắng điều gì. Cường bị gãy tay, chân, chỉ có anh trai biết, hai anh em tự lo cho nhau. Cường phẫu thuật, không thể giấu cha mẹ mãi, anh mới dám gọi điện về nhà. Bố Cường lên bệnh viện, rửa mặt, vệ sinh cá nhân cho con trai như ngày anh còn bé. Mẹ Cường vì say xe, không lên được nhưng một ngày gọi điện mấy lần. Không muốn để mẹ khóc, anh đang đau chảy nước mắt vẫn phải lấy lại giọng cười: “Hôm nay con bỏ nạng được nhé. Đi một vòng sân luôn. Không đau tí nào”.

Tinh thần lạc quan giúp Cường đúng 5 tháng sau khi mổ, đủ chuẩn sang Indonesia thi đấu SEA Games. Tưởng đã cầm chắc trong tay HCV nhưng vì bị trọng tài xử ép, Cường về nhì. Nhưng cuộc đời rất công bằng, trả lại cho Cường những gian truân trong ròng rã 7 năm tuyên chiến với chấn thương. 11 tháng sau khi phẫu thuật, Cường vô địch châu Á. Năm 2013 này, Cường vừa rinh được cả tấm HCV Đông Nam Á và vô địch Cúp thế giới các nước nói tiếng Pháp sau khi chiến thắng đối thủ từ Bờ Biển Ngà - người từng quật ngã anh tròn năm trước.

Cha mẹ nghe Cường gọi điện báo tin vui thì khóc luôn. Hai ông bà từng mong Cường trở thành bác sĩ, thế nhưng duyên cơ khiến Cường thành võ sĩ. Cường lúc nào cũng tin mình đang sống cuộc sống của mình và một phần cuộc đời cha mẹ nên lúc nào cũng tự bảo mình giữ sức khỏe và thành đạt để trái tim cha mẹ nhẹ hơn. Bước sang tuổi 30, Cường đã biên chế tại Phòng Thể thao thành tích cao Sở VH-TT-DL Thanh Hóa được 5 năm, anh cũng chưa tính đến chuyện sẽ giã từ đỉnh cao sự nghiệp để ổn định công việc văn phòng. “Ngày mai, tôi có thể thua bất cứ một VĐV nào trong nước, điều đó không hề lạ. Điều tôi tự hào nhất là tôi đã không thua chính bản thân mình”.

Nguyễn Trọng Cường sinh năm 1984 tại Thanh Hóa. 3 lần vô địch SEA Games 2005, 2007, 2009. Vô địch giải châu Á 2012. HCV Cúp Đông Nam Á và vô địch Cúp thế giới các nước nói tiếng Pháp năm 2013.

Thúy Hằng

>> Việt Nam sẽ tổ chức giải vô địch quyền taekwondo thế giới 2015
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 18: Cao thủ taekwondo huấn luyện shorinji kempo
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 3: Mê taekwondo, suýt mất hạnh phúc
>> VN tổ chức giải Taekwondo quân sự thế giới
>> Luật mới trong taekwondo: Không cần đá mạnh
>> Olympic 2012 - Thể thao Việt Nam đặt niềm tin vào cử tạ và taekwondo
>> Thưởng 1 tỉ đồng nếu taekwondo đoạt HCV Olympic
>> Trọng Cường đoạt HCV taekwondo châu Á
>> Nguyễn Trọng Cường đoạt HCV taekwondo châu Á 2012

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.