Đứng dậy sau chấn thương -Kỳ 2: Có chọn đến 10 lần, tôi vẫn chọn karatedo

14/06/2013 03:10 GMT+7

Liên tiếp gặp chấn thương nặng ở đầu gối, song VĐV karatedo Vũ Thị Nguyệt Ánh chưa bao giờ nghĩ đến việc giã từ sự nghiệp thi đấu.

Liên tiếp gặp chấn thương nặng ở đầu gối, song VĐV karatedo Vũ Thị Nguyệt Ánh chưa bao giờ nghĩ đến việc giã từ sự nghiệp thi đấu.

Trong một căn phòng nhỏ tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Nhổn (H.Từ Liêm, Hà Nội), Ánh đang cặm cụi sửa chiếc xe đạp địa hình, bạn đồng hành với cô suốt quá trình hồi phục từ năm ngoái. Đến nay đã tròn một năm đầu gối bên trái của Ánh được phẫu thuật. Còn đầu gối bên phải đã phẫu thuật được 3 năm.

Đó là chấn thương viêm sụn chêm. Ánh tập luyện cường độ quá mạnh, trong một khoảng thời gian quá dài (từ năm 16 tuổi) dẫn đến khớp gối làm việc quá tải. Những cơn đau manh nha từ trước ASIAD 2006 mà Ánh không để ý. Khi đó để có đủ sức khỏe thi đấu, Ánh liên tiếp phải nhờ bác sĩ bơm dung dịch bôi trơn khớp gối. Mỗi mũi tiêm có tác dụng trong vòng 1-2 ngày và không được phép lạm dụng. Nhờ những mũi tiêm, cô tạm thời quên đi cơn đau, như một cỗ máy được bôi trơn dầu mỡ và vận hành sung sức. Người ta nhìn thấy nét rạng ngời trên gương mặt cô gái trẻ được vinh danh tại đấu trường Doha (Qatar) với HCV ASIAD 2006, nhưng không nhìn thấy những giọt nước mắt sau đó vì quá đau đớn của Ánh. HLV Lê Công ôm Ánh và bảo: “Đã đến lúc bác cho con nghỉ”. Nhưng Ánh kiên quyết ở lại với karatedo. 

Những cơn đau tạm lắng, cho đến trước SEA Games 2009, Ánh cảm nhận rõ đầu gối phải của mình có vấn đề. Cô thấy bước chân đi “lỏng lẻo” hơn, nhiều lần bước hẫng xuống cầu thang, suýt đập đầu xuống đất. Ánh đi khám và phát hiện sụn chêm của mình bị viêm. Ca phẫu thuật tại Bệnh viện 108 cho Ánh một bên đầu gối đỡ đau, tuy nhiên cô gái trẻ quá nôn nóng được trở lại sàn đấu cho SEA Games đã lao vào các bài tập quá sức. Chấn thương ngay lập tức tái phát. Ánh cảm nhận rõ ràng mỗi cú đá của mình “gai” hơn. Nhiều khi bất thình lình trên sàn đấu, Ánh ôm đầu gối ngã vật xuống, mặt tái đi. Ít giờ trước khi SEA Games 26 bắt đầu, cơn đau ập đến, cô gái trẻ tập tễnh khởi động, bác sĩ phải xịt thuốc giảm đau tạm thời, Ánh vẫn hạ gục đối thủ Naphol người Thái Lan. Nước mắt của sự đau đớn hòa trong nước mắt của niềm hạnh phúc. 


Vũ Thị Nguyệt Ánh tự sửa xe đạp, người bạn giúp mình bình phục - Ảnh: Thúy Hằng
 

Ánh kể chuyện về những cơn đau và những ca mổ của mình vanh vách như một đứa trẻ đã thuộc nằm lòng bảng cửu chương. Mở máy tính cá nhân, chỉ những tấm ảnh chụp lại từng giai đoạn bình phục của bên đầu gối trái, Ánh thản nhiên: “2 ca phẫu thuật khác nhau đấy. Đầu gối phải thì em được “dọn sạch” ổ khớp để vận động dễ dàng. Còn đầu gối trái thì do sụn chêm bị bào mòn, dây chằng chéo trước bị tổn thương, các bác sĩ tại Bệnh viện Mount Elizabet (Singapore) phải cấy vào đó một lớp giấy đặc biệt để kích thích sụn mọc tròn ra, không mọc lung tung”. “Có sợ phẫu thuật không thành công không?”. “Cũng sợ. Nhưng em nghĩ kỹ rồi, nếu khỏe thì theo karatedo tới cùng, nếu không, em chọn nghề khác!”. Ánh chọn phẫu thuật lần 2 tại Singapore nhờ sự giúp đỡ của nhiều đơn vị, cá nhân và một phần kinh phí của thầy Lê Công, người HLV yêu thương cô như con gái. Ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ. Ánh phải ký cam kết sẽ thực hiện đúng mọi phác đồ điều trị của y bác sĩ, nếu không khả năng tái phát như đầu gối bên phải là hoàn toàn có thể xảy ra. Ơn trời cho Nguyệt Ánh, chưa nói trước được điều gì về khả năng thi đấu trong tương lai nhưng cô đã, đang đi lại được dễ dàng và vẫn không ngừng cố gắng trong những bài tập phục hồi.

Là thầy của chính mình

Ánh cặp đôi nạng nhưng không muốn nhờ ai giúp giặt quần áo, vệ sinh cá nhân vì ngại, tất cả cô đều cố gắng tự làm. Nhiều lần trong nhà tắm, chiếc nạng trơn, trượt đi, Ánh ngã vật xuống sàn, nước mắt cứ thế ứa ra. Nước mắt cũng nhiều lần tuôn khi cái đầu gối mới phẫu thuật chạm vào cánh cửa, đau muốn ngất. Khóc xong, lại lau mắt và đứng dậy. Ánh bảo cô không muốn làm HLV Lê Công và gia đình karatedo thất vọng. Mọi người yêu thương cô quá lớn, cô phải đứng được bằng hai chân, và vẫn thi đấu được!

Hiện tại, Ánh đang tập những bài tập nhẹ nhàng để lấy lại cảm giác. Đa phần cô tự tập một mình, không dám tập cùng đồng đội vì: “Tủi thân lắm. Mọi người đá, xoay mạnh mẽ, mình tập tạ chân, chống đẩy cơ bụng cơ lưng, bơi lội”. Cô cũng sợ tập cùng mọi người thì bản tính ham đấu lại trỗi dậy, cô lại “đốt cháy giai đoạn” mà bỏ quên cam kết với bác sĩ. Ánh mua một chiếc xe địa hình, ngày ngày đạp nhẹ nhàng quanh sân. Cái đầu gối lúc đầu sưng múp, to đùng, đến nay đã trở về trạng thái bình thường. Ánh là thầy của chính mình, cô vừa tập vừa nghe ngóng cái chân, lúc nào thấy nó nóng lên là phải dừng lại, chườm đá ngay. “Nó ngoan. Không đau sớm như cái chân phải!”, Ánh hài hước nói.

Cô gái bé nhỏ ngày ngày còn tự học tiếng Anh. Cô được mệnh danh “vua công nghệ thông tin” của Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, các phần mềm trên máy tính, điện thoại di động của các VĐV vào tay Ánh được xử lý nhoay nhoáy. Điện, quạt, ti vi, điều hòa... của ai hỏng hóc gì, Ánh cũng xung phong dỡ tung hết ra và tìm bệnh, may mắn là “bác sĩ” Ánh đều thành công. “Tôi chưa nghĩ đến giải nghệ đâu. Sau ASIAD 2014 sẽ tính tiếp. Thi đấu phải chấp nhận chấn thương. Có được chọn lại đến 10 lần nữa, tôi vẫn chọn karatedo!”, cô gái đất cảng Hải Phòng cười và tuyên bố.

Vũ Thị Nguyệt Ánh sinh năm 1984 tại Hải Phòng. HCV ASIAD 15; HCB ASIAD 16; 4 HCV SEA Games hạng dưới 50 kg nữ (SEA Games 23, 24, 25, 26); HCV đồng đội nữ tại SEA Games 24; 2 HCĐ giải vô địch châu Á 2009, 2011.

Thúy Hằng

>> Lê Bích Phương giúp karatedo hoàn thành chỉ tiêu
>> Karatedo VN không dám nhận “số 1 khu vực”
>> ASIAD 17 vẫn có karatedo
>> Tướng quân karatedo
>> Đứng dậy sau chấn thương: Phớt lờ vì đam mê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.