Đứng dậy sau chấn thương - Kỳ 3: Lội ngược dòng

15/06/2013 00:20 GMT+7

Đó chính là tâm sự của Thạch Bảo Khanh. Bản lĩnh sắt đá vượt lên nỗi đau của chàng tiền đạo không nằm ngoài ý nghĩa cái tên bố mẹ đặt cho anh.

Đó chính là tâm sự của Thạch Bảo Khanh. Bản lĩnh sắt đá vượt lên nỗi đau của chàng tiền đạo không nằm ngoài ý nghĩa cái tên bố mẹ đặt cho anh.

Năm 1998, Thạch Bảo Khanh bị chấn thương cơ háng tưởng chừng sẽ vĩnh viễn chia tay sân cỏ. Bao tiếc nuối, xót xa dành cho cầu thủ mới 19 tuổi, vừa chạm nhẹ tay vào vinh quang đã phải rời xa vòng nguyệt quế. Vị trí chấn thương khá nhạy cảm, khả năng bình phục đã khó khăn, để có thể thi đấu thể thao đỉnh cao lại càng không tưởng. Thời điểm đó, chấn thương như của Khanh là một thách thức với nền y học thể thao VN, vốn còn nghèo nàn về phương tiện, thiết bị lẫn trình độ y bác sĩ. Anh không dám nghĩ đến ngày mai, cứ phải tập tễnh với đôi chân như mượn của người khác, nhiều lúc tê dại, mất hết cảm giác, Khanh đã nghĩ đến việc buông xuôi. Nhắm mắt lại, không còn thuốc, không còn nạng, không còn đau đớn và lo lắng, chỉ có một giấc ngủ vĩnh viễn. Đó là ý nghĩ, còn lòng tự tôn, ý chí của một chàng trai 19 tuổi không cho phép Khanh hèn nhát. Anh bảo với bố mẹ, con sẽ tập, và con sẽ lại đá bóng được, như mọi người từng biết về con. Mẹ Khanh khóc. Bố Khanh quay đi, lặng lẽ.

May mắn giúp Khanh gặp được bác sĩ Đồng Xuân Lâm, người giúp anh lên giáo án tập luyện để hồi phục dần dần. Từ việc lấy cảm giác cho đôi chân, có thể đi lại, chạy nhảy được đến khi có thể chạm vào trái bóng là những bậc thang dài, Khanh phải vượt qua trong suốt hai năm rưỡi. Đau cơ háng không cho phép vận động mạnh, cả năm trời Khanh chỉ chạy từng bước ngắn. Đến khi hai chân có cảm giác rồi, anh được phép vào những bài tập dài sức hơn như chạy bền, đạp xe. Bạn bè mỗi tối í ới rủ nhau đi cà phê, bóng đá, dự tiệc sinh nhật; Khanh đóng cửa, làm bạn với tạ tay, tạ chân, xà đơn, xà kép. Tập từ sáng đến trưa, vết thương sưng vù, đau nhức, Khanh nằm vật xuống nền nhà, lấy từng tảng đá lớn cho vào chườm rồi nằm thiếp đi. Choàng tỉnh dậy, đá đã tan hết từ lúc nào, Khanh đang nằm giữa một vũng nước. Lại một buổi tập mới, chầm chậm vận động khớp háng, khớp cổ chân. Khanh thường tỉnh giấc giữa đêm, tầm 2 giờ sáng khi chỗ đá anh chườm đã tan chảy, chỉ còn nước.

Những đồng đội Thể Công không khỏi xúc động khi chứng kiến Khanh đều đặn mỗi ngày vòng một dây đai quanh người, kéo một bao cát rồi chạy quanh sân Cột Cờ. Bao cát nặng dần hơn, bước chân Khanh nhanh dần lên, minh chứng Khanh tiến bộ hơn mỗi ngày. Khanh không nhờ ai chở ra sân tập, một mình anh một chiếc xe đạp, đạp từ hồ Tây lên sân Cột Cờ rồi lại đạp về.

Từ ranh giới của người tàn phế và lành lặn, Khanh trở về, tham gia thi đấu đỉnh cao mùa giải năm 2001 và có những đột phá khó thể tưởng tượng. Người hâm mộ như vỡ òa khi thấy gương mặt thân quen sau gần 3 năm vắng bóng xuất hiện. Trận đầu tiên ra sân, Thể Công gặp Cảng Sài Gòn, Thạch Bảo Khanh là người hùng ghi bàn thắng đầu tiên. Chỉ trong 2 tháng đá giải, nhưng Khanh trở thành cầu thủ xuất sắc nhất. Phần thưởng ấy hoàn toàn xứng đáng cho chàng trai dũng cảm lội ngược dòng để không trở thành người của quá khứ.

Chấn thương cho tôi nhiều thứ

Chấn thương năm 1998 không phải là “dư chấn” sau cùng của đời Bảo Khanh. Ngày 25.12.2004, trong một buổi tập cùng Thể Công, Khanh bất ngờ đổ gục giữa sân sau một cú sút. Bác sĩ Lâm kết luận Khanh bị giãn dây chằng độ 1 đầu gối chân trái, phải bó bột khoảng 3 tuần. Lỡ mùa giải hạng nhất, Khanh thêm một lần nữa chống nạng, luyện tập, bắt đầu từ con số không. May mắn hơn với Khanh lần này là đã có Bệnh viện Thể thao, Khanh được các bác sĩ đều đặn kiểm tra và cho những giáo án tập luyện thích hợp. Không còn hoang mang, lo sợ về chấn thương, Khanh đều đặn chạy bền, tập tạ. Ngày sang Singapore phẫu thuật, Khanh một mình một nạng đi. Về nước, anh tự tìm kiếm các video clip của VĐV nước ngoài với những bài tập phục hồi chấn thương và làm theo dưới sự tư vấn của bác sĩ Nguyễn Văn Phú. Đau chân tập tay, Khanh không cho phép cơ thể ngừng hoạt động ngày nào để các cơ bắp luôn giữ được độ săn chắc. Bạn bè trên sân cỏ tập sút bóng, tâng bóng, đánh đầu, Khanh ngoài đường biên tập chạy bền, chống đẩy. Cũng tủi thân nhưng phải tự an ủi bản thân, “ông trời sẽ không phụ người nhẫn nại”. 6 tháng sau, Khanh bình phục, vào sân và khán giả lại được nhìn những đường bóng hào hoa, lôi cuốn từ “cái chân trái thần thánh” của Khanh.

Chấn thương lấy của Khanh nhiều mùa giải và những cơ hội ghi bàn, đổi lại nó cho anh một quãng lặng trong cuộc đời VĐV. Chấn thương, Khanh mới hiểu thế nào là tình cảm gia đình và những người bạn thật sự, những điều quý giá hơn cả những huy chương. Thời gian cho Khanh thấu hiểu, cuộc đời VĐV muốn cống hiến cho người hâm mộ lối chơi hay, không thể tránh khỏi những chấn thương, quan trọng phải biết chiến thắng chính bản thân mình.

Năm 31 tuổi, Thạch Bảo Khanh chuyển sang khoác áo Hà Nội T&T khi Thể Công tan rã. Ngày hôm nay, chàng tiền đạo vẫn hoàn thành xuất sắc vai trò “nghệ sĩ sân cỏ”, cho khán giả những phút giây thăng hoa cùng bóng đá. Chuẩn bị lấy bằng HLV, Khanh mong muốn sắp tới được trải nghiệm nhiều cảm giác khi ở một cương vị khác. Ông bố của một cô công chúa nhỏ có một quán cà phê nhỏ trên phố Tôn Đức Thắng, có những chiếc bể cá cảnh lấp lánh đủ sắc màu ở mái nhà riêng, cuộc sống đang trả lại cho  Khanh những gì đã thử thách anh ngày trai trẻ.

Thạch Bảo Khanh sinh năm 1979 tại Hà Nội. Vô địch quốc gia 2008, Quả bóng bạc năm 2004, Cầu thủ xuất sắc nhất Cúp bóng đá TP.HCM 2004, thi đấu nổi bật tại Tiger Cup 2004.

Thúy Hằng

>> Đứng dậy sau chấn thương -Kỳ 2: Có chọn đến 10 lần, tôi vẫn chọn karatedo
>> Đứng dậy sau chấn thương: Phớt lờ vì đam mê
>> Giao hữu quốc tế: Tan nát vì chấn thương
>> Phước Vĩnh chấn thương trước thềm AFF Cup
>> Tấn Tài hồi phục, Phước Vĩnh và Đình Luật chấn thương
>> Công Vinh: Số tôi vẫn chưa dứt khỏi chấn thương!
>> Tấn Tài chưa khỏi, Minh Đức lại bị chấn thương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.