Đứng dậy sau chấn thương - Kỳ 8: Đi qua bóng tối

22/06/2013 03:25 GMT+7

Nếu có một giải thưởng cho cầu thủ dũng cảm, tiền đạo Lê Công Vinh hoàn toàn xứng đáng, khi anh đã và đang bước qua bóng tối của chấn thương dai dẳng: đứt dây chằng chéo trước.

Nếu có một giải thưởng cho cầu thủ dũng cảm, tiền đạo Lê Công Vinh hoàn toàn xứng đáng, khi anh đã và đang bước qua bóng tối của chấn thương dai dẳng: đứt dây chằng chéo trước. 

Những đêm dài triền miên

Vinh không quên một ngày mùa hè năm 2010, anh đang tập luyện cùng các đồng đội Hà Nội T&T, sau một cú tạt bóng ngang, bỗng nghe tiếng “rắc” ở đầu gối rồi người khuỵu xuống. Rời sân, các bác sĩ Bệnh viện thể thao cho hay Vinh chỉ bị tổn thương dây chằng, rách sụn chêm. Cho đến ngày đang luyện tập rất sung, Vinh bất ngờ gục đổ trên sân, tay ôm đầu gối, các thầy trong ban huấn luyện mới bắt đầu hoang mang với chấn thương thực sự của Vinh.

 Đứng dậy sau chấn thương - Kỳ 8: Đi qua bóng tối
Công Vinh trở lại mạnh mẽ sau chấn thương - Ảnh: Khả Hòa

Mặt mày choáng váng, Vinh mơ hồ nghe những cụm từ khủng khiếp từ các bác sĩ: “tổn thương sụn chêm do quá tải”, “nguy cơ đứt dây chằng”, “chữa trị khẩn cấp”, “khả năng hồi phục chân trái coi như bằng 0 nếu chậm trễ”. Nỗi háo hức về AFF Cup đang cận kề càng khiến Vinh hoang mang dữ dội. Những ngày sau thật sự khó khăn với Vinh. Lần đầu tiên, anh thấy ngại những bậc cầu thang bình thường mình có thể nhảy chân sáo vút qua. Vinh phải nhờ đến nạng gỗ mà bước chân vẫn run rẩy như người tập đi. “Thực ra tôi bị làm sao? Hay tôi sắp thành tàn phế?”, Vinh va đầu vào tường, tự hỏi chính mình.

Sau khi được bác sĩ Tuấn Nguyễn khám, Vinh cười bảo mọi người an tâm nhưng lòng anh như có trăm ngàn mũi kim châm. Vinh nín thở. Nhìn như thôi miên vào tấm phim chụp cộng hưởng từ MRI trước mặt, tai ù đi khi giọng bác sĩ rõ từng tiếng, Vinh bị đứt dây chằng chéo trước, nếu không mổ kịp thời, chắc chắn sự nghiệp bóng đá sẽ chấm dứt.

Kim đồng hồ gõ từng tiếng. Vinh vẫn nhìn trừng trừng lên trần nhà. Anh nhớ lại lời bác sĩ Tuấn Nguyễn, phải mất ít nhất 1 năm ngừng thi đấu, AFF Cup có thể phải vắng mặt. Để chữa trị đồng nghĩa với việc Vinh phải hy sinh 1 năm không được ghi bàn thắng - đam mê lớn nhất của anh. Vinh đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Tai nạn này có thể cướp đi tương lai, biến Vinh thành một người hùng của quá khứ. Cơn mộng mị ập đến sau nhiều ngày không ngủ, anh thấy mình tàn phế ngồi trên khán đài, nhìn đồng đội ghi bàn, reo hò, không ai nhớ đến anh. Vinh bật dậy, người đầm đìa mồ hôi. Hốt hoảng. Thẫn thờ. Vinh ôm đầu gối, bật khóc nức nở như một đứa trẻ. 

Ánh sáng cuối đường hầm

 

Lê Công Vinh sinh năm 1985 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, 3 lần được nhận giải thưởng Quả bóng vàng năm 2004, 2006, 2007. Ghi bàn thắng quyết định vào lưới Thái Lan giúp VN giành chức vô địch AFF Cup 2008. Là cầu thủ VN đầu tiên chơi bóng ở một giải đấu mạnh châu Âu (Bồ Đào Nha) năm 2009.

“Mình sẽ làm được!”. Câu thần chú ấy giúp Vinh ngồi dậy, anh chọn cách đối diện với chấn thương. Bỏ qua ám ảnh về những trường hợp phẫu thuật không thành công, không thể tiếp tục đá bóng, Vinh tìm chuyên gia tư vấn phẫu thuật ở nước ngoài. Vinh biết, Singapore không phải là sự lựa chọn hoàn hảo vì thời gian bình phục sẽ lâu hơn do phải sử dụng sụn chêm để nối dây chằng. Nhờ mối quan hệ của HLV Calisto và sự hỗ trợ của ban huấn luyện, Vinh quyết định sang phẫu thuật tại Bồ Đào Nha. Đất nước này không xa lạ với Vinh vì anh từng sang đây tập luyện 4 tháng trong màu áo Leixoes.

Gia đình bà Calisto đón Vinh từ sân bay. Sự quan tâm chăm sóc của gia đình bà giúp Vinh có cảm giác như anh đang ở VN.  Bác sĩ Jose Carlos, người từng điều trị dứt điểm chấn thương cho các ngôi sao hàng đầu thế giới giải thích cặn kẽ cho Vinh những gì anh sẽ cảm thấy và trải qua. Hồi hộp, căng thẳng, Vinh đếm giây phút đến ngày “phán quyết”. Ca phẫu thuật kéo dài gần 3 giờ đồng hồ. Tỉnh dậy, việc đầu tiên, Vinh nhìn xuống đầu gối quấn băng trắng toát để biết mình vừa trải qua 3 giờ định đoạt tương lai.

“Mọi thiết bị đều hiện đại. Bác sĩ và y tá đều vui vẻ. Họ trêu đùa khiến tôi cười suốt ngày mà quên đi cảm giác mình đang là bệnh nhân”, Vinh kể lại. Mỗi ngày tỉnh dậy trong căn phòng ngập tràn màu trắng, Vinh đều thấy một lọ hoa tươi. Cô y tá hỏi Vinh về thời tiết, về phim ảnh, đôi khi cả về thời trang. Câu hỏi anh có đau không chỉ được cô khéo léo lồng vào câu chuyện, một sự tinh tế đến kinh ngạc mà những ngày sau Vinh mới nhận ra.

Sau vài ngày, Vinh bắt đầu đi tập luyện lấy lại cảm giác. Sau 1 tháng, Vinh bỏ được chiếc nạng vướng víu. Một bác sĩ được bố trí chăm sóc phục hồi hậu phẫu cho anh với đầy đủ máy móc và dụng cụ, do đó, Vinh không ra sân nhưng các cơ vẫn giữ như khi anh đang tập luyện thật sự. Trở về VN, khao khát ra sân đã thôi thúc Vinh không ngừng nỗ lực ngay cả khi không có bác sĩ bên cạnh. Anh hì hục tập thể dục với chiếc xe đạp. Trời xuống gần 10 độ C, tờ mờ sáng đã thấy Vinh leo, thả đèo, cho đến khi mồ hôi đầm đìa.

Tháng 2.2011, tròn 6 tháng sau ca phẫu thuật lịch sử, Vinh trở lại sân cỏ nhưng đầu gối trái của anh vẫn nhói đau sau nhiều pha vào bóng không chuẩn khiến ban huấn luyện hốt hoảng. Ơn trời, những cơn đau tái phát đó không đủ để hạ gục anh. Ở môn thể thao có cường độ tập luyện cao, rất dễ va chạm như bóng đá, chấn thương theo Vinh là điều không thể tránh khỏi. Quan trọng, hiện tại anh đã biết sống, tập luyện, thi đấu khoa học, có trách nhiệm với chính bản thân mình hơn. Gặp Vinh giữa mùa V-League 2013 đang sôi nổi, bố của cô con gái nhỏ cho hay tất cả những gì vừa qua với anh là một trải nghiệm quý giá. “Bình tĩnh là vũ khí để đi qua bóng tối”, đó chính là slogan của tiền đạo can đảm.

Thúy Hằng

>> Tiền đạo Lê Công Vinh: Chẳng có sức ép nào khiến tôi sợ hãi!
>> Lê Công Vinh: “Phong độ tôi đang ở mức thấp nhất”
>> Lê Công Vinh về Navibank Sài Gòn với giá 20 tỉ đồng?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.