Đứng dậy sau chấn thương: Phớt lờ vì đam mê

13/06/2013 03:50 GMT+7

Nghi mình bị chấn thương đến 95%, VĐV thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương vẫn cố tình không đến bệnh viện để được thi đấu SEA Games và Olympic.

Nghi mình bị chấn thương đến 95%, VĐV thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương vẫn cố tình không đến bệnh viện để được thi đấu SEA Games và Olympic.

Chấn thương, chuyện nhỏ !

Cô gái trẻ trung với nụ cười rạng rỡ bảo như vậy. Thương làm quen với những chấn thương như trật khớp cổ tay, cổ chân, gãy tay… từ khi 7 tuổi, xa nhà, tập huấn dài hạn ở Trung Quốc. Năm đó, Thương gãy tay, chụp ảnh gửi về nhà cô bé láu lỉnh giấu cánh tay băng bó sau lưng để bố mẹ không lo lắng. Càng lớn lên, làm quen với những động tác khó, Thương càng làm quen với những lần chấn thương đột ngột lúc đang tập. Chỉ nghe một tiếng “khục” rồi cổ tay, cổ chân sưng vù ngay sau đó. Đặc thù của bộ môn không cho phép Ngân Thương được bỏ tập. Đau chân tập tay, đau tay tập chân, đau cả tay lẫn chân thì tập lưng, bụng. Lúc nào cũng thấy Thương trong trạng thái vận động.

Đứng dậy sau chấn thương: Phớt lờ vì đam mê
Ngân Thương ngoài đời luôn trẻ trung, hồn nhiên - Ảnh: Thúy Hằng

Chính vì cách đối diện với chấn thương một cách rất bình thản mà khi tai nạn nghiêm trọng đến, Ngân Thương mới đầu không tin. Đó là năm 2011, Thương tập luyện gắt gao cho SEA Games 26, Olympic London. Mọi chuyện suôn sẻ cho đến buổi tập cuối tháng 10, chân trái của Thương sau một cú đè bỗng đau nhức khủng khiếp. Như thói quen thông thường, khi một cái chân có dấu hiệu tương tự, Thương chườm đá một ngày, xối nước ấm hoặc soi đèn laze trong phòng trị liệu. Một, hai ngày vẫn chưa thấy cái chân xẹp đi và còn có dấu hiệu sưng to hơn nữa, thầy giáo của Thương vào cuộc. Nghĩ học trò bị trẹo chân, thầy bóp thuốc, bóp lá ngải cứu cho Thương, nhưng cái chân đến 7 ngày sau vẫn ngang bướng giữ nguyên tình trạng. SEA Games 26, Olympic London đang ở trước mắt, Thương không muốn đi khám ngay. Được tham dự Olympic London với Thương còn cháy bỏng hơn lần được đặc cách vào Olympic Bắc Kinh 2008 gấp trăm ngàn lần. Thương không muốn đi chiếu chụp chân trái để không biết chính xác chấn thương. Có ai thi đấu được hết mình nếu biết trước mình bị mẻ xương và càng tập luyện nguy cơ tổn thương xương càng lớn?

 

Đỗ Thị Ngân Thương sinh năm 1989 tại Hà Nội. 2 HCV nội dung xà lệch đồng đội và cá nhân tại SEA Games 22. 2 HCV nội dung toàn năng và nội dung cầu thăng bằng cá nhân, 1 HCB đồng đội tại SEA Games 23. 1 HCV cá nhân môn cầu thăng bằng, 1 HCB đồng đội và 1 HCĐ cá nhân tại SEA Games 24. 2 HCV môn xà lệch và cầu thăng bằng và 1 HCB tại SEA Games 26. Huân chương Lao động hạng ba năm 2003. VĐV duy nhất được bầu chọn là Gương mặt trẻ tiêu biểu thủ đô năm 2011.

Thương lấy băng gạc quấn kín cái chân đau để máu chỗ đó tắc lại, phần chân đau tê đi giúp chị quên cảm giác đau đớn. Thấy chưa đủ, Thương nhờ y tá xịt thuốc giảm đau vào chân. “Lúc ấy thì “máu” chiến đấu đủ thay phần máu lưu thông dưới chân rồi, trong đầu chỉ thấy HCV thôi”, Thương cười. SEA Games 26, Thương đoạt vàng thật, những 2 HCV và 1 HCB, phần thưởng xứng đáng cho những khổ luyện của một cô gái với bàn chân băng kín.

Một nụ cười - mười thang thuốc bổ

Điều này chắc chắn đúng với Thương, cô gái tinh nghịch rất hay cười. Chưa có khó khăn nào khiến cô u sầu được vài giờ đồng hồ, lúc nào Thương cũng tự tạo niềm lạc quan cho mình để có thêm năng lượng sống. Thương tự lập từ năm 7 tuổi tại Trung Quốc, nỗi nhớ nhà cũng mau tan như bong bóng xà phòng khi các cô bé nhận được quà Hà Nội bố mẹ gửi sang nào ô mai, bò khô, bánh cốm…

Bản tính lạc quan, hồn nhiên khiến “búp bê thể thao” không quá sốc khi đối diện với kết quả mình bị mẻ xương mắt cá chân. Thành công ở SEA Games 26, làm tròn ước mơ ở Olympic London, Thương không còn gì nuối tiếc. Cô bình tĩnh bước vào ca phẫu thuật tại Bệnh viện 108 ngày 13.8.2012. Má ngoài bàn chân được mổ nội soi để tia laze tán hết những vụn xương bị vỡ. Mắt cá chân má trong, phần bị mẻ được mổ phanh đến nay còn để lại vết sẹo dài 7 cm. Thương bị “bắt” nằm viện 1 tuần nhưng cô không chịu, được 4 ngày đã đòi về nhà cho đỡ bí bách.

Thương làm quen với các bài tập nhẹ nhàng ngay từ khi được bỏ nạng. Ban đầu là đè cổ chân, kiễng cổ chân, ngoáy cổ chân rồi tới những động tác tập toàn thân. Thương vừa tập vừa nhớ lại quãng thời gian tại Trung Quốc, lúc bị chấn thương các VĐV nhí tự chăm sóc cho nhau tại phòng trị liệu như thế nào. Thương ngồi tấn đến khi nghe chân mình nóng lên là tạm dừng, chườm nước đá hoặc xối nước ấm cho cái chân trở nên “ngoan”. Sau 6 tháng, Thương đã có thể vận động bình thường, tuy nhiên để có thể trở về phong độ như trước, tập luyện những động tác khó vẫn là thách thức với cô. Hai cánh tay Thương lâu ngày không tập teo lại, người cứng đi khiến Thương nhiều lúc bực với chính bản thân mình. Cô cũng nghe thấy cổ chân trái “đần” đi rõ ràng, muốn nhún sâu là điều khó thể. Thời tiết thay đổi, nóng lạnh bất thường, cái chân lăn đùng ra đau. Cổ tay, đầu gối, những vết thương trước đây đồng loạt “đình công”. Thương bảo có được vinh quang thì phải chấp nhận đau thương, cô hoàn toàn sẵn lòng và dẫu những chấn thương có lớn hơn, Thương cũng không hề nuối tiếc đã chọn lựa thể thao.

Thương đang gấp rút hoàn thành chương trình học tại ĐH Thể dục thể thao (TX.Từ Sơn, Bắc Ninh) và chưa có quyết định xem có trở lại thi đấu nữa hay không, theo Thương là “tùy duyên”. Mỗi ngày phải vượt hơn 20 km đến trường nhưng cô HLV tương lai vẫn vui vẻ, lạc quan. Hiện tại cô đang cùng HLV Đỗ Thùy Giang (cô giáo từng theo Thương sang tập huấn tại Trung Quốc từ năm Thương 7 tuổi) huấn luyện cho lớp thể dục dụng cụ cho trẻ em tại TT HLTT quốc gia.

Thúy Hằng

>> Ngân Thương lại chấn thương
>> Ngân Thương có suất dự Olympic
>> Ngân Thương đoạt vé chính thức Olympic 2012
>> Ngân Thương trở lại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.