Francois Trịnh Đức: Niềm hy vọng nước Pháp

28/07/2010 11:32 GMT+7

Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp lại cử Francois Trịnh Đức đi sang châu Á quảng bá cho môn bóng bầu dục. Vì anh có dòng máu châu Á chảy trong người hay chính xác hơn là dòng máu Việt Nam và chính bản thân anh cũng rất tự hào với cái tên cũng như gốc tích Việt Nam của mình.

Francois Trịnh Đức là siêu sao của môn rugby - Ảnh: Getty Images

Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp lại cử Francois Trịnh Đức đi sang châu Á quảng bá cho môn bóng bầu dục. Vì anh có dòng máu châu Á chảy trong người hay chính xác hơn là dòng máu Việt Nam và chính bản thân anh cũng rất tự hào với cái tên cũng như gốc tích Việt Nam của mình.

Hồi đầu tháng 7 qua, tờ The Phnom Penh Post (Campuchia) đã có 2 bài viết dài nói về các ngôi sao rugby hàng đầu thế giới đến Campuchia và các quốc gia khác tại châu Á trong chương trình quảng bá bộ môn này. Trong cả 2 bài viết đó, có một cái tên được đặc biệt chú ý là Francois Trịnh Đức. Trước giờ, rugby được biết đến như một bộ môn thể thao “cơ bắp” đòi hỏi rất cao yếu tố thể lực và có vẻ không phù hợp với người châu Á. Nhưng với Trịnh Đức, Liên đoàn bóng bầu dục thế giới muốn mọi người thấy và hiểu rằng người châu Á có thể chơi tốt bộ môn này. Vậy Trịnh Đức là ai?

Chàng trai 23 tuổi này đang khoác áo số 10 của tuyển rugby Pháp. Từ giải vô địch 6 quốc gia năm 2008 đến giờ, Trịnh Đức là cầu thủ góp mặt liên tục trong đội tuyển quốc gia. Trong các lần tuyển Pháp đi dự giải quốc tế, Trịnh Đức bị để ý rất kỹ đến cái tên vì nó khác hẳn với đồng đội.

Tờ Brisbane Times đã hỏi Trịnh Đức về cái tên này và anh kể nó một cách tự hào: “Tên tôi là theo cách đặt của người Việt Nam. Cội nguồn của tôi là Việt Nam và tôi tự hào là người Việt Nam”. Theo lời của Trịnh Đức, ông nội của anh là người Việt Nam 100% với cái tên Trịnh Đức Nhiên, ông di cư sang Pháp hồi đầu thập niên 1940. Theo trang travailleurs-indochinois.org, ông Trịnh Đức Nhiên là 1 trong 20.000 dân Việt Nam bị thực dân Pháp ép đưa sang châu Âu làm “lính thợ” để phục vụ chiến tranh thế giới lần 2. (Lính thợ là những người Việt Nam bị đưa sang Pháp làm công việc tại các xưởng sản xuất thay cho thanh niên Pháp ra mặt trận). Sau này, chỉ có một phần nhỏ quay trở về được Việt Nam. Còn Trịnh Đức Nhiên là một trong những người bị kẹt lại Pháp và tại Pháp, ông lấy một phụ nữ người Ý và sinh ra Philippe Trịnh Đức, tức cha anh.

Trịnh Đức thừa nhận anh chưa từng gặp mặt ông nội lần nào, cũng không biết nhiều chuyện của ông vì ông Trịnh Đức Nhiên không muốn nhắc lại chuyện quá khứ và không kể gì cho con cháu. Trịnh Đức cũng chưa bao giờ về lại Việt Nam và đáng tiếc trong chuyến đi hồi đầu tháng 7 vừa qua, anh chỉ ghé qua Hồng Kông, Campuchia và Lào trước khi về Pháp. Trịnh Đức cũng cho biết anh có một người chú thường sang Pháp làm công tác vận động từ thiện cho các trẻ em ở quê nhà. Nhưng điều quan trọng là Trịnh Đức luôn ý thức dòng máu trong người anh là Việt Nam và tự hào về nó.

Trịnh Đức bắt đầu chơi bóng bầu dục từ khi mới 4 tuổi và năm 2004, khi 18 tuổi, anh chuyển sang chơi chuyên nghiệp cho Montpellier. Ngay từ những ngày đầu bắt đầu thi đấu tại Montpellier, Trịnh Đức đã gây được chú ý. Với chiều cao 1,84m và 82kg, Trịnh Đức không có bề ngoài nổi bật nhưng anh lại chơi ấn tượng trong vai trò dẫn dắt lối chơi.

Gregor Townsend, một danh thủ bóng bầu dục của Scotland đã kể về tài năng của Trịnh Đức trên tờ Scotsman từ đầu 2008 (thời điểm Trịnh Đức chưa thi đấu cho tuyển Pháp): “Khi nhìn thấy cậu ta chơi tại Montpellier, tôi đã biết đó là một tài năng. Anh ta không có kỹ năng đặc biệt nào nổi trội nhưng chơi bao sân. Tầm nhìn và khả năng đọc trận đấu của Trịnh Đức rất tốt. Dù còn trẻ nhưng nếu tài năng này được đánh thức, anh ta sẽ là cầu thủ rất có tương lai”.

Hồi đầu năm 2008, Trịnh Đức chơi tỏa sáng giúp Montpellier thắng Perpignan, HLV Jacques Brune của đội thua cuộc nhận xét: “Chúng tôi thua Montpellier vì Trịnh Đức. Anh ta không chỉ vượt qua 4 hậu vệ mà còn sút ghi bàn từ 40 mét ở góc sút khó. Chỉ có một cầu thủ 30 tuổi mới làm được điều như thế”.

Tại châu Á, bóng bầu dục chưa phổ biến nhưng ở châu Âu và đặc biệt ở Pháp, nó có lượng khán giả và những người tham gia tập luyện rất lớn. Nếu tính trong các bộ môn đồng đội đối kháng thì mức độ phổ biến của bóng bầu dục chỉ thua bóng đá. Sau thất bại của tuyển bóng đá tại World Cup 2010, người Pháp đặt niềm tin nhiều vào đội tuyển rugby sẽ làm được điều gì đó tại World Cup 2011 (bóng bầu dục) tại New Zealand. Với chiếc áo số 10, dĩ nhiên Trịnh Đức là người gánh nhiều kỳ vọng từ người hâm mộ nhất.

Anh Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.