Giai thoại làng võ: Muốn hát tuồng phải biết võ

22/04/2014 03:00 GMT+7

Giới mê hát tuồng (hát bội) có câu: Bình Định hát tuồng võ, Quảng Nam hát tuồng văn, do các nghệ sĩ hát tuồng ở tỉnh Bình Định phải học võ.

Giới mê hát tuồng (hát bội) có câu: Bình Định hát tuồng võ, Quảng Nam hát tuồng văn, do các nghệ sĩ hát tuồng ở tỉnh Bình Định phải học võ.

Biểu diễn binh khí trên sân khấu tuồng  - Ảnh: Văn Lưu
Biểu diễn binh khí trên sân khấu tuồng  - Ảnh: Văn Lưu 

Trong cuốn Góp nhặt dọc đường, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn (1924 - 2013, ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) kể: Năm ấy, Học bộ đình của cụ Đào Tấn ở Nghệ An nhận dạy thêm mấy diễn viên để bổ sung cho gánh hát "Bộ đình". Trong số các diễn viên được chọn có một anh tầm vóc cân phân, mặt mũi khôi ngô, có giọng hát vừa nhuần nhị, vừa vang xa... chỉ khổ nỗi tay chân thì vụng về, cầm thương cầm giáo đi tới đi lui bị đơ cứng. Cụ Đào hỏi: "Ở nhà, con có học hỏi chút ít võ nghệ gì không?". Anh bạn trẻ trả lời: “Bẩm cụ, con chưa hề biết”. Cụ Đào Tấn liền nói: “Tiếc quá, con được nhiều mặt, chỉ thiếu mặt này. Vậy cho con trở về nhà học nửa năm võ nghệ, chú ý học nhiều về môn sử dụng binh khí rồi trở lại đây sẽ nhận ngay, bởi ở đây hiện giờ không có điều kiện chỉ bảo con mặt này”.

Theo NSƯT Nguyễn Gia Thiện, Phó giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định), Bình Định là vùng đất có truyền thống võ thuật nên đã tác động nhiều đến các loại hình nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật tuồng. Đề tài yêu thích của tuồng Bình Định là các đề tài về quốc quân, tôi trung gặp nạn, giết gian thần... gắn liền với các nhân vật anh hùng. Muốn nhập vai các nhân vật anh hùng này thì phải biết võ thuật, biết sử dụng binh khí. “Võ thuật trong đời sống đi vào tuồng Bình Định đã được nâng lên thành nghệ thuật múa tuồng, hay gọi là vũ thuật. Các bài quyền, thập bát ban binh khí của võ cổ truyền Bình Định đều được các nghệ sĩ tuồng ứng dụng khi biểu diễn trên sân khấu”, ông Thiện nói.

Diễn võ trên sân khấu

Theo NSND Xuân Hợi, thời kháng chiến chống Mỹ trở về trước, các diễn viên tuồng ở Bình Định rất giỏi võ, như: ông Hề Công, ông Bá Cảnh, vợ chồng NSƯT Hoàng Chinh - Hồng Thu... Chuyện diễn viên tuồng khi biểu diễn trên sân khấu lạm dụng võ quá đà nên xảy ra sự cố, dùng võ để “giải quyết bức xúc ngoài đời” khi diễn trên sân khấu cũng thường diễn ra.

NSND Xuân Hợi kể: Cha của nghệ sĩ Hồng Thu là ông Thập Có (tên thật là Hà Quang), vốn là diễn viên của Học bộ đình Vinh Thạnh của cụ Đào Tấn có tiếng giỏi võ nghệ. Có lần ông Thập Có dẫn đoàn tuồng của mình đi biểu diễn về ngang qua Truông Bà Đờn (nay thuộc TX.An Nhơn, Bình Định) trong đêm khuya thì có con cọp nhảy ra chặn đường. Ông Thập Có đi trước nhìn thấy liền nói: “Thôi! Con ngồi xuống đây để thầy (dân học võ ngày xưa gọi cọp là thầy - PV) ăn cho rồi”. Khi ông Thập Có vừa ngồi xuống thì cọp nhảy lên vồ ngay. Nhanh như chớp, ông Thập Có dùng cây dù trên tay đâm thẳng vào hòn dái cọp. Cọp đau quá bỏ chạy nên mọi người thoát nạn.

Lúc còn trẻ, diễn viên Hồng Thu rất đẹp nên mỗi khi biểu diễn thường hay bị đám thanh niên trêu chọc. Lần nọ, khi Hồng Thu đang đóng vai Phương Cơ giả diễn trong vở Tam nữ đồ vương trên sân khấu thì đám thanh niên trong làng thách đố nhau ai sàm sỡ được bà sẽ thắng cuộc. Tên bặm trợn, liều mạng nhất lẻn ra cánh gà rồi bất ngờ bước ra sân khấu, xông thẳng vào bà Hồng Thu. Khi thanh niên này vừa ra tay, bà Thu liền gạt ra, dùng một thế võ khóa tay. Tên thanh niên vùng vẫy mở khóa, bà Thu đấm vào mặt khiến hắn phụt máu mũi, ngã lảo đảo. Bà Thu bồi thêm một cước, thanh niên kia văng khỏi sân khấu.

Ông Hề Công cũng là người rất giỏi võ và thường đóng các vai hề, yêu quái... Có lần, khi đoàn diễn vở Xử án Bàng quý phi, ông đang diễn vai yêu quái trên sân khấu, khi ông hát lên: “Cấp cấp đằng vân/Man Man gió võ” rồi làm động tác bay thì ông Hoàng Việt (nguyên diễn viên Nhà hát tuồng Đào Tấn, con vợ chồng nghệ sĩ Hoàng Chinh - Hồng Thu) và Xuân Hợi đứng trong cánh gà kéo dây. Nhưng kéo lên khoảng 3 m thì ròng rọc bị kẹt cứng, không nhúc nhích, ông Hề Công “bay” lơ lửng trên sân khấu. Khi biết đã xảy ra sự cố, ông Hề Công liền múa võ rồi đưa nhanh tay ra sau lưng tháo dây xích. Ông tiếp đất y như thế con mèo, lộn vài vòng rồi đứng dậy hát tiếp. Khán giả không biết sự cố nên nhiệt tình vỗ tay tán thưởng động tác đẹp mắt, còn người trong đoàn lúc đó mới biết ông Hề Công đã học được bài võ Miêu tẩy diện. 

Hoàng Trọng

 >> Dấu ấn Rémy Huỳnh trong làng võ Việt
 >> Làng võ Phú Yên có hội cựu võ sinh
 >> Người đàn bà nổi danh trong làng võ quốc tế
 >> Những gương mặt lạ trong làng võ thế giới
 >> Đóa hồng làng võ  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.