Giai thoại thể thao ngày thống nhất - Kỳ 4: Ở lại và góp sức

01/05/2015 07:40 GMT+7

Từng đoạt HCB và phá kỷ lục SEAP Games môn bơi 100 m bướm trước 1975, ông Đỗ Như Minh ở lại quê nhà tiếp tục đóng góp nhiều thành tích giúp đội bơi TP.HCM dẫn đầu toàn quốc 10 năm liền.

Từng đoạt HCB và phá kỷ lục SEAP Games môn bơi 100 m bướm trước 1975, ông Đỗ Như Minh ở lại quê nhà tiếp tục đóng góp nhiều thành tích giúp đội bơi TP.HCM dẫn đầu toàn quốc 10 năm liền.

VĐV Đỗ Như Minh tại SEAP Games lần 7 1973 tại Singapore - Ảnh: Tư liệu VĐV Đỗ Như Minh tại SEAP Games lần 7 1973 tại Singapore - Ảnh: Tư liệu
Ra đi để làm gì ?
Trước 30.4.1975, có 3 VĐV của VN (miền Nam) đoạt HCV tại các SEAP Games là: Trương Kế Nhơn (100 m ếch - SEAP Games 1959), Phan Hữu Dõng (100 m bướm) và Huỳnh Văn Hai (200 m ếch) ở SEAP Games 1961. Sau đó ông Dõng trở thành HLV và là một trong những người có công đào tạo nhiều VĐV giỏi cho đội tuyển miền Nam, trong đó có Đỗ Như Minh đoạt HCB cự ly 100 m bướm ở SEAP Games lần 7 - 1973 và phá kỷ lục SEAP Games ở cự ly này. Ông Minh nói: “Thầy Dõng là một người có kỹ thuật bơi bướm rất dẻo, tận tình truyền dạy và rất thương yêu học trò. Thời đó, thầy hay tìm mua cho chúng tôi những quần bơi rất tốt để tập luyện”. Khi đó không có hồ bơi cho VĐV đội tuyển tập riêng nên ông Dõng phải cho lứa Đỗ Như Minh tập tại hồ 25 m ở hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm và hồ 50 m ở hồ bơi Yết Kiêu với chế độ bồi dưỡng rất thấp.
Đầu năm 1975, Đỗ Như Minh học xong khóa sư phạm và được phân công dạy học tại Định Quán (Đồng Nai), nhưng nhờ có thành tích bơi lội nên được Bộ trưởng Bộ Quốc gia - Giáo dục Ngô Khắc Tĩnh ký quyết định cho biệt phái về Ty Thanh niên tỉnh Gia Định để lo công tác thể thao. Khi đất nước thống nhất, có vài người bạn rủ ông “ra đi”, nhưng với bản tính hiền lành, ông nghĩ rất đơn giản: “Tôi không thích sống xa những người thân của mình, rời bỏ quê hương sống một mình không chịu được. Hơn nữa, mình đang là VĐV cũng có thành tích ở đây, phải có trách nhiệm đóng góp cho bơi lội quê hương phát triển, chứ “bỏ nước” ra đi để làm gì. Thế là tôi ở lại và tham gia những công việc mình ham thích”.
Ngay sau ngày 30.4, ông Minh quyết định đăng ký nghĩa vụ quân sự, gia nhập Quân khu 7 để vừa thi đấu vừa có thể đóng góp sức mình cho Tổ quốc.
Khán giả chen nhau gãy cổng
Ông Minh nhớ lại: “Thực trạng bơi lội sau tháng 4 lúc đó có nhiều khó khăn. Nhiều hồ bơi trở nên nhếch nhác, chẳng hạn như hồ 50 m Yết Kiêu được trưng dụng để nuôi cá rô, nước trong hồ lâu quá không được khử trùng nên rong nổi từng mảng cả tấc, trên cạn thì cho nuôi cả chục con heo! Anh em VĐV lâu lâu rủ nhau đi Thảo Điền, An Phú, Thủ Đức hay khách sạn Đệ Nhất để bơi chơi nhưng mọi người vẫn đau đáu chờ đợi sự chỉ đạo của thành phố để gầy dựng lại từ cơ sở vật chất đến xây dựng phong trào cho bơi lội”.
Phải đến giữa năm 1976 hoạt động bơi lội ở TP.HCM mới dần trở lại với vài buổi tập luyện tại Nhà văn hóa Lao động để chuẩn bị dự giải toàn quốc ở Hà Nội. Ông Minh kể: “Ở giải này, tôi đoạt HCB khi thua Tô Văn Vệ (Hải quân) trong tích tắc ở nội dung 100 m tự do, nhưng lại thắng nội dung 100 m bướm và cùng đồng đội đứng đầu cự ly tiếp sức 4x100 m tự do và 4x100 m hỗn hợp”. Cũng nhờ thành tích đó mà đến giải toàn quốc lần 2 - năm 1977 tại hồ bơi Yết Kiêu, khán giả đến xem quá đông nên phải đóng cổng lớn, nhưng họ vẫn tràn vào và xô đổ cổng luôn.
Ở giải lần 2 này, Đỗ Như Minh được bầu là VĐV xuất sắc nhất giải khi đoạt 4 HCV và phá 3 kỷ lục quốc gia (KLQG) , trong đó nội dung 200 m hỗn hợp với 2’27”5, phá rất sâu KLQG của Nguyễn Đăng Bình (Hà Nội - 2’32”). Với thành tích này, Đỗ Như Minh được chọn làm đội trưởng đội bơi TP.HCM cùng những VĐV xuất sắc khác như Trần Dương Tài, Du Tố Hà, Võ Duy Minh (nam), Chung Thị Thanh Lan, Phan Như Loan (nữ) tiếp tục thi đấu tốt và 10 năm liền xếp hạng nhất toàn đoàn ở các giải toàn quốc. Lứa trẻ sau nổi bật có Nguyễn Thị Kiều Oanh với biệt danh “Nữ hoàng bơi lội” từng 2 lần giành quyền tham dự Olympic, giành 14 HCV và phá 5 KLQG tại Đại hội TDTT toàn quốc 1990.
Đặc biệt, từ khi có chuyên gia cao cấp Cổ Tấn Chương đảm trách bộ môn, thành tích của bơi lội TP.HCM được nâng cao và giữ vững vị thế đứng đầu trong nhiều năm liền.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học TDTT II (khóa 1985 - 1989), Đỗ Như Minh về làm HLV và Phó chủ nhiệm hồ bơi Yết Kiêu. Từ năm 2000 đến nay, ông Minh làm quản lý hồ bơi ở CLB Lan Anh và vẫn ngày ngày miệt mài với công việc vừa quản lý vừa phát hiện nhân tài cho bơi lội TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.