Hy vọng vào tương lai

11/05/2010 08:46 GMT+7

Cố võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc vĩnh viễn ra đi đã tròn nửa thế kỷ. Đã thành truyền thống, cứ đến những ngày đầu tháng tư âm lịch, tất cả môn đồ Vovinam-Việt võ đạo (VVN-VVĐ)trên toàn thế giới lại bước vào mùa tưởng niệm người khai sáng môn phái…

Nguyễn Minh Tính (trái) so tài cùng võ sĩ Pháp tại Paris (4.2010)- Ảnh: Hoàng Triều

Cố võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc vĩnh viễn ra đi đã tròn nửa thế kỷ. Đã thành truyền thống, cứ đến những ngày đầu tháng tư âm lịch, tất cả môn đồ Vovinam-Việt võ đạo (VVN-VVĐ)trên toàn thế giới lại bước vào mùa tưởng niệm người khai sáng môn phái…

Từ ước nguyện xây dựng một phương pháp tập luyện phù hợp với thể chất của người Việt Nam, cố võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc đã kết hợp giữa võ và vật dân tộc cùng với tinh hoa của nhiều môn võ khác để hình thành môn Vovinam vào cuối những năm 30 của thế kỷ trước. Trải qua 72 năm phát triển, Vovinam đã được nhiều người ưa chuộng bởi tính khoa học, bởi nét đặc thù của một môn võ đã kế thừa được những tinh hoa của võ thuật truyền thống dân tộc, kết hợp với tính hiện đại.

Chính vì thế, trong những lần “mang chuông đi gióng xứ người”, VVN-VVĐ đều được hoan nghênh nhiệt liệt và đã góp phần giúp bạn bè năm châu hiểu thêm về truyền thống thượng võ của con người và đất nước Việt Nam. Đông đảo người hâm mộ đã đến với VVN-VVĐ, tìm hiểu và tập luyện VVN-VVĐ không chỉ vì hệ thống kỹ thuật khoa học, thực dụng mà còn xem đó là một triết lý sống mang tinh thần nhân văn và thượng võ.

Hiện nay, VVN-VVĐ đang có mặt ở khoảng 40 quốc gia trên thế giới, trong đó, nhiều quốc gia ở châu Âu phát triển rất mạnh như: Pháp (quy tụ nhiều võ sinh người Việt và Pháp có đẳng cấp cao), Tây Ban Nha, Ý, Ðức, Nga, Romania, Thụy Sỹ, Bỉ…  Hay châu Mỹ, châu Phi xa xôi với Mỹ, Canada, Senegal, Burkina Faso, Morocco, Algeria… Hằng năm, một số môn sinh ở những nước này chẳng ngại đường xa tìm về để viếng cố võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc, chào võ sư chưởng môn Lê Sáng, tham gia tập luyện, thi đấu và thi thăng đai. Ở khu vực châu Á, cùng với một số quốc gia thuộc Liên Xô (cũ) như Uzbekistan và Tadjikistan… đã có phong trào từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Những nước khối ASEAN như: Campuchia, Brunei, Lào, Thái Lan, Indonesia… cũng đã có mặt trong cộng đồng những môn sinh mang màu áo đại dương. Hơn thế nữa, khi VVN-VVĐ trở thành môn thi đấu chính thức của ASIAN Indoor Games III, các quốc gia có truyền thống võ thuật của châu Á (Iran, Ấn Độ…) cũng có mặt tại sân chơi này. Rõ ràng, VVN-VVĐ đã có một sự khẳng định mạnh mẽ trên hành trình trở thành môn thể thao mang tính đại chúng.

Việc ra đời của Liên đoàn Vovinam thế giới (WVVF) vào năm 2008 là động lực rất quan trọng để tuyên truyền, phát huy và bảo tồn các giá trị truyền thống của VVN-VVĐ. Bên cạnh việc không ngừng quảng bá và phát triển VVN-VVĐ ra các nước trên thế giới, WVVF cũng đã có những động thái rất tích cực để vận động và đưa môn võ này vào các giải thi đấu thể thao khu vực và châu lục.

Giải vô địch vovinam thế giới lần I-2009 rồi giải Vovinam trong khuôn khổ AIGs III và mới đây là cuộc thi đấu đỉnh cao Pháp-Việt cùng sự thành công của cuộc họp trù bị thành lập Liên đoàn Vovinam châu Âu tại Paris hồi tháng 4-2010 dưới dự chủ trì của Chủ tịch WVVF Nguyễn Danh Thái… là những dấu mốc quan trọng để tin tưởng vào sự phát triển và hòa nhập của VVN-VVĐ với phong trào thể thao quốc tế.

Dẫu trước mắt còn không ít thách thức, nhưng nhìn lại thành quả vừa qua, với sự chung vai, gắng sức của nhiều thế hệ môn sinh VVN-VVĐ, ta có quyền tự hào về chặng đường tiếp bước vị sáng tổ đáng kính…

Sắp tới, những người làm công tác phát triển VVN-VVĐ lại tiếp tục một cuộc chinh phục mới: sang Jakarta (Indonesia) vào cuối tháng 5-2010 để vận động Hội đồng SEA Games đồng ý giới thiệu Vovinam vào sân chơi chính thức của khu vực vào năm 2011. Khó lắm thay, nhưng chúng ta hãy cùng hy vọng!_võ danh hải (TTK wvvf/vvf)

1938: Cố võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc hoàn thành công cuộc nghiên cứu Vovinam
1939: Biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội
1940: Mở lớp công khai đầu tiên tại Trường Sư phạm Hà Nội
1960: Sáng tổ Nguyễn Lộc qua đời, chưởng môn Lê Sáng kế nghiệp
1964: Khôi phục Vovinam tại Sài Gòn
1973: Quảng bá sang châu Âu
1978: Khôi phục phong trào trong nước
1992: Giải vô địch VVN-VVĐ toàn quốc lần 1
2007: Thành lập Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF)
2008: Thành lập Liên đoàn Vovinam thế giới (WVVF)
2009: Thành lập Liên đoàn Vovinam châu Á (AVF), giải vô địch Vovinam thế giới lần 1, VVN-VVĐ trở thành môn võ dân tộc đầu tiên của Việt Nam được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại AIGs III
2010: Hội nghị phong trào VVN-VVĐ châu Âu, chuẩn bị thành lập Liên đoàn Vovinam châu Âu (EVF) vào tháng 9; vận động đưa VVN-VVĐ vào chương trình thi đấu SEA Games 26; giải vô địch vovinam châu Á (tháng 7), giải vô địch vovinam châu Âu (tháng 11).

THANH NIÊN THỂ THAO & GIẢI TRÍ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.