Kỳ bí Ngũ Tổ quyền

18/05/2010 08:05 GMT+7

Trong các môn phái thuộc hệ Nam quyền, Ngũ tổ quyền nổi lên như một đỉnh cao võ học khi dung hợp tinh hoa của cả Nam và Bắc Thiếu Lâm.

Nam Thiếu Lâm Tự, cái nôi của Nam quyền

Trong các môn phái thuộc hệ Nam quyền, Ngũ tổ quyền nổi lên như một đỉnh cao võ học khi dung hợp tinh hoa của cả Nam và Bắc Thiếu Lâm.

Môn phái này vừa có những đòn thế tinh lọc của Thái tổ quyền, La Hán quyền, Hạc quyền… thuộc Nam quyền truyền thống, lại vừa chú trọng đến cước pháp của Bắc phái. Đơn giản, dễ học, đòn thế cương mãnh, biến hóa khôn lường, lực sát thương cao, đó là những ưu điểm của Ngũ Tổ quyền. 

Khởi nguồn từ Nam Thiếu Lâm

Nam Thiếu Lâm ở Tuyền Châu, Phúc Kiến, từng là cái nôi võ thuật miền nam Trung Hoa, một thời vang danh với Bắc Thiếu Lâm ở Tung Sơn, Hồ Bắc. Trong tác phẩm “Vạn niên thanh” từ đời Thanh, đã có viết về việc “Bạch Mi đạo nhân phụng chỉ đại phá Thiếu Lâm Tự”, tức là nói về Nam Thiếu Lâm. Trong “Thiếu Lâm quyền thuật mật quyết” xuất bản cuối đời Thanh có viết: “Lúc ấy trong nước có hai Thiếu Lâm, một ở trung châu, một ở Mân Trung”.

“Mân Trung” tức là Phúc Kiến Tuyền Châu Thiếu Lâm Tự. Ngôi chùa ở đây vốn có tên là Đông Thiền tự, ra đời từ đầu đời Đường theo sắc vua phong nên còn được gọi là “Khâm tứ Đông Thiền Thiếu Lâm Tự”, đến nay đã trải qua hàng ngàn năm dâu bể. Năm Hàm Phong thứ 6 triều Thanh (1856), trụ trì Đông Thiền tự là đại sư Ảo Hóa đã đề trước sơn môn 4 chữ “Thiếu Lâm cổ tích”. Đây là đất phát nguồn của Thiếu Lâm Nam phái, là nơi tiếp nhận và phát triển võ thuật từ cái nôi Tung Sơn Thiếu Lâm Tự. Từ đời Minh, Thanh, các chi phái quyền nổi tiếng của Nam Thiếu Lâm như Bạch hạc quyền, Thái tổ quyền, Mai hoa quyền, Đại thánh quyền… đã truyền bá tới Hồng Kông, MaCao và các nước Đông Nam Á.

Sáng tổ Ngũ Tổ quyền


Sáng tổ Ngũ Tổ quyền Thái Ngọc Minh

Thái Ngọc Minh (1853-1910) là một nhân vật kiệt xuất trong võ lâm Trung Hoa cuối đời Thanh. Ông tên thật là Di Hà, người Nam Môn, Tuyền Châu, Phúc Kiến. Gia đình giàu có, cha là chủ hãng tương dầu nổi tiếng ở Tuyền Châu. Thái Ngọc Minh từ nhỏ chỉ thích luyện võ, người cha răn rằng: “Muốn học võ phải học tính thiện trước, đó là gốc tu thân”.

Khi thấy ông bớt hiếu động hơn, cha ông mới đem lễ vật rất hậu đi mời danh sư các phái ở khắp Mân Trung về nhà dạy võ. Thái Ngọc Minh ngộ tính rất cao, chuyên cần luyện tập, năm 20 tuổi đã tinh thông quyền pháp của 5 môn phái có tiếng từ bao đời ở Phúc Kiến là Thái Tổ quyền, Huyền Nữ quyền, Đạt Tôn (La Hán) quyền, Hầu quyền và Hạc quyền. Nhưng Thái Ngọc Minh không thỏa mãn, ông muốn đạt đến cảnh giới cao hơn. Sau khi thi đậu tú tài võ bèn lang bạt khắp đại giang nam bắc, tìm thầy kết bạn, học hỏi không ngừng. Đặc biệt là ông đã bái sư hai cao thủ là Đạo Đài phu nhân và Sơn Đông đại hiệp Hà Dương Sư chuyên luyện về cước pháp của Bắc phái. Sau hơn 40 năm khổ luyện, Thái Ngọc Minh dung hợp tinh hoa các phái nam bắc, hình thành một môn võ đặc biệt, gọi là Ngũ Tổ quyền, lập võ quán Nhân Nghĩa Đường lừng lẫy một thời.

Thái Ngọc Minh luyện thành nhiều tuyệt kỹ, đặc biệt là thuật khinh công, Thiết sa chưởng và Thiết bố sam. Ông được giới hiệp khách khen tặng là “Thủ trì bát pháp xưng vô địch, Cước đạp liên hoa đệ nhất nhân” (Tay đánh theo “bát pháp” không có địch thủ, chân đạp trên hoa sen chỉ có mình ngài). Nhà cũ của Thái Ngọc Minh không làm cổng, tường cao bao kín. Ra vào ông đều sử dụng khinh công phi qua bức tường cao hơn 1 trượng (khoảng 3,3m), vì thế được mệnh danh là “Phương vĩ hạc”.

Đệ tử của Thái Ngọc Minh có 10 người nổi tiếng nhất, gọi là “Ngũ Tổ thập hổ” gồm:

Kỳ thủ đại sư bá Lâm Cửu Như, Thánh cước Phiên thiên báo Ngụy Ẩn Nam, Đại cổ ương Ông Triều Ngôn (tú tài võ), Vưu Tuấn Ngạn (cử nhân võ), Kim dực đại nga Trần Kinh Minh, Phụng hoàng vĩ thủ Hà Hải, Toản thiên diêu Trần Khôi, Lạc địa kim dao Đắc Sư, Nam An Thẩm Dương Đức. Nhiều môn đệ của “Ngũ Tổ thập hổ” đã có công truyền bá môn quyền này sang Myanmar, Malaysia, Indonesia… 

Đặc điểm Ngũ Tổ quyền


Biểu diễn Ngũ Tổ quyền ở Tuyền Châu

Ngũ Tổ quyền sử dụng thân pháp của Đạt Tôn quyền, bộ pháp của La Hán quyền, chưởng pháp của Đại thánh quyền, chỉ pháp của Bạch hạc quyền và túc pháp của Thái tổ quyền. Túc pháp là kỹ thuật luyện chân độc đáo, gọi là “Ngũ chỉ triều thiên, tứ điểm lạc địa”, khi luyện tập quyền pháp luôn cố hướng 5 ngón chân lên trên, để 4 điểm tiếp xúc với đấy để tăng cường cước lực và độ vững chãi. Khi luyện thành, 5 ngón bám đất thì vững chắc vô cùng, uy lực mạnh mẽ, các ngón chân trở thành vũ khí lợi hại. Các đòn cước nổi tiếng của Ngũ Tổ quyền có thể kể: Tam thốn cước, Phi long cước, Giả thích, Kim giao tiễn…

Bộ pháp La Hán cũng gọi là “Tứ lục bộ”, không ra bộ chữ “đinh” cũng không thành bộ chữ “bát”. Chân trước chịu 4 phần, chân sau chịu 6 phần trọng lượng cơ thể, chân trước hướng vào 20-30 độ, chân sau choãi ra 20-30 độ, rất linh hoạt trong công thủ, có thể xoay chuyển trước-sau-trái-phải mau lẹ.

Thủ pháp của Ngũ Tổ quyền rút tỉa từ Hầu quyền và Hạc quyền, biến hóa rất đa dạng và hiểm hóc. Thân pháp Đạt Tôn quyền đỏi hỏi sự ngay thẳng, vững chắc, phối hợp hô hấp ngắn, có thể chịu đựng ngoại lực tác động bất ngờ.

Trong thực chiến, Ngũ Tổ quyền đòi hỏi mỗi chiêu mỗi thức phải cương mãnh có lực, động tác nhỏ mà nhanh, đã tấn công là liên tục áp đảo làm cho địch thủ khó phòng thủ.

Ngũ Tổ quyền chia làm 2 phần là quyền pháp và lục nghệ pháp. Quyền pháp có đến 48 bài, mỗi bài đều có đối luyện, phân thế, trong đó có “bát pháp” là dạy kỹ thuật thực chiến. Lục nghệ pháp gồm binh khí dài, binh khí ngắn và ám khí với 33 bài.

Thượng Văn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.