Kỳ tích của đấu kiếm

23/04/2012 03:25 GMT+7

Sự kiện VĐV Nguyễn Tiến Nhật giành suất dự Olympic 2012 đã mở ra triển vọng sáng sủa cho bộ môn đấu kiếm, vốn được coi là môn thể thao rất thầm lặng trong nhiều năm qua.

Sự kiện VĐV Nguyễn Tiến Nhật giành suất dự Olympic 2012 đã mở ra triển vọng sáng sủa cho bộ môn đấu kiếm, vốn được coi là môn thể thao rất thầm lặng trong nhiều năm qua.

 
Tiến Nhật (bìa phải) cùng các thành viên trong đội tuyển đấu kiếm VN - Ảnh: K.N

Trong đội ngũ các kiếm thủ VN, Tiến Nhật không phải là cái tên nổi bật. Một phần bởi thành tích của đội tuyển kiếm trên đấu trường quốc tế thường gắn liền với các nữ kiếm thủ như Nguyễn Thị Lệ Dung, Nguyễn Thị Tươi, Nguyễn Thanh Vân, Nguyễn Thị Như Hoa, Nguyễn Thị Thanh Loan... Phần khác Tiến Nhật cũng chưa có nhiều kinh nghiệm so với các đối thủ đàn anh khác ở đội tuyển kiếm trước đây. Ngay trước ngày dự vòng tuyển chọn Olympic tại Nhật, kỳ vọng của giới chuyên môn vẫn đặt vào các kiếm thủ nữ nhiều hơn. Thế nhưng Tiến Nhật đã bất ngờ lần lượt đánh bại VĐV New Zealand ở vòng 1/16, thắng VĐV chủ nhà Nhật Bản ở vòng 1/8, thắng đối thủ Hồng Kông - Trung Quốc ở bán kết và chỉ để thua kiếm thủ Uzbekistan ở trận chung kết. Thành tích đứng thứ nhì này đã đưa Tiến Nhật giành suất chính thức đến London.

Ít ai biết kiếm thủ đến từ TP.HCM này đã tập luyện cật lực như thế nào để có ngày hôm nay. HLV Nguyễn Minh Quân, một trong những người thầy của Tiến Nhật kể lại: “Đấu kiếm vốn là môn thể thao rất mới mẻ ở TP.HCM. Đầu năm 2005, bộ môn đấu kiếm TP.HCM mới được thành lập. Tiến Nhật khi đó 15 tuổi và là một trong những VĐV đầu tiên đến với chúng tôi. Chính HLV Nguyễn Thị Kim Nga, hiện là Trưởng bộ môn đấu kiếm Sở VH-TT-DL TP.HCM là người đã phát hiện năng khiếu và uốn nắn từng động tác đầu tiên cho Tiến Nhật. VĐV này có tố chất rất đặc biệt, hiểu nhanh, rất thông minh nên tiếp thu giáo án mau lẹ và chỉ trong thời gian ngắn đã cho thấy tiềm năng. Thường một kiếm thủ muốn thành tài phải có ít nhất 36 tháng rèn luyện cơ bản để có sự ổn định, nhưng chỉ hơn 1 năm sau khi tập kiếm, anh đã tham gia giải trẻ Đông Nam Á và giành ngay chức vô địch năm 2006. Từ đó, Tiến Nhật đã khẳng định được khả năng. Ngay lập tức Sở VH-TT-DL TP.HCM đã đưa em vào chương trình đào tạo dài hạn tại Ulsan (Hàn Quốc). Tiến Nhật được gọi vào đội tuyển, liên tiếp giành HCV giải trẻ Đông Nam Á nhiều năm liền và vô địch đồng đội giải vô địch đấu kiếm Đông Nam Á. Thành tích mới nhất là HCĐ SEA Games 26”.

HLV Quân cho biết thêm: “Huấn luyện cho Tiến Nhật, tôi thích nhất vì em là VĐV sở trường kiếm 3 cạnh (môn đấu kiếm còn có kiếm chém và kiếm liễu) có tốc độ ra đòn nhanh, xử lý tình huống khéo léo, ít mất sức. Đấu kiếm giống như đánh cờ, phải tập trung trí não nhiều, điều này Tiến Nhật thể hiện rất tốt. Ở Tiến Nhật, ý chí rèn luyện và sự quyết tâm trong thi đấu rất lớn. Điều này có lẽ em thừa hưởng nghị lực ở người mẹ khi bà tần tảo nuôi 3 con nên người do cha em mất sớm (Nhật là con trai giữa, còn người anh cũng đang trong đội đấu kiếm TP.HCM và một em trai)”.

Thành công của Tiến Nhật mở ra triển vọng mới cho đấu kiếm VN, vốn ít người chú ý trong thời gian qua dù thành tích quốc tế không hề thấp. Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng nhìn nhận: “Đấu kiếm cũng như vật đã bất ngờ mang lại niềm tự hào cho thể thao VN khi có suất dự Olympic. Do vậy với Tiến Nhật cũng như đội tuyển kiếm, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư và tăng cường cọ xát quốc tế nhiều hơn để giúp các VĐV ngày càng nâng cao trình độ”.

Đăng Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.