Nam Phi sẵn sàng cho World Cup 2010

08/05/2010 22:52 GMT+7

PV Thanh Niên đã phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Hùng (ảnh nhỏ), Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi, về VCK World Cup sắp diễn ra tại nước này.

Sân vận động Moses Mabhida vừa được xây ở Durban (Nam Phi) để phục vụ cho World Cup 2010 - Ảnh: AFP

PV Thanh Niên đã phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Hùng (ảnh nhỏ), Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi, về VCK World Cup sắp diễn ra tại nước này.

* Đại sứ đánh giá thế nào về quá trình chuẩn bị của Nam Phi khi lần đầu tiên tổ chức sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh? Có những khó khăn và thuận lợi gì?

- Trước tiên, cần phải khẳng định rằng World Cup 2010 lần đầu tiên tổ chức ở châu Phi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là niềm tự hào không chỉ của riêng Nam Phi mà của cả châu Phi nói chung. Từ vài năm qua, bất kỳ ai đặt chân đến đất nước Nam Phi đều thấy rõ ý chí của chính phủ và nhân dân Nam Phi quyết tâm làm cho World Cup 2010 trở thành một thành công lịch sử. Thời gian qua, cả nước Nam Phi thực sự đã trở thành một công trường xây dựng khổng lồ: những sân vận động hiện đại đã được xây mới, hệ thống giao thông được mở rộng, nâng cấp; hệ thống khách sạn đã được hoàn thiện... Toàn bộ bộ máy nhà nước, giới doanh nghiệp, các tổ chức quần chúng... đã được huy động mạnh mẽ nhằm biến World Cup 2010 thực sự trở thành một sự kiện không thể nào quên. Sự chuẩn bị chu đáo và kỹ càng của Nam Phi đã được FIFA đánh giá cao và Nam Phi dự kiến sẽ đón hàng trăm ngàn người hâm mộ bóng đá đến xem World Cup. Tuy vậy, kinh tế thế giới khó khăn cộng với khoảng cách địa lý khá xa từ châu Âu hay châu Mỹ La-tinh đến Nam Phi cũng khiến cho nhiều người hâm mộ bóng đá từ hai châu lục này gặp trở ngại để đến dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

* Nam Phi đang phải đối mặt với nhiều vấn đề an ninh như khủng bố, xu hướng bài ngoại, căng thẳng chủng tộc dâng cao, tỷ lệ tội phạm thuộc loại cao nhất, nhì thế giới… Theo ông, những vấn đề này nghiêm trọng đến mức độ nào đối với Nam Phi và nhà chức trách đã nhìn nhận như thế nào?

- Đúng là Nam Phi đang phải đối mặt với một số khó khăn như tỷ lệ tội phạm có tổ chức cao hàng đầu thế giới, người tị nạn từ các nước láng giềng tràn sang rất đông, riêng người tị nạn từ Zimbabwe đã lên tới 4 triệu người, cũng như những căng thẳng xã hội do tỷ lệ thất nghiệp cao, chênh lệch giàu/nghèo lớn, tỷ lệ lây nhiễm HIV cao... Tuy nhiên, bức tranh cũng không phải chỉ toàn một màu xám. Nam Phi là nước có nền kinh tế phát triển nhất châu Phi (GDP đầu người khoảng 6.000 USD, là thành viên của G20), hạ tầng cơ sở, hệ thống tài chính - ngân hàng ở trình độ ngang hàng với các nước phát triển... Từ đầu năm 2010, nền kinh tế Nam Phi phục hồi khá ngoạn mục sau khủng hoảng, và quan trọng hơn là chính phủ và nhân dân Nam Phi đang làm tất cả những gì có thể để bảo đảm cho World Cup 2010 thành công: các sân vận động, hệ thống khách sạn, đường sá... đã và đang được hoàn thành với chất lượng cao, các phương án chống khủng bố được chuẩn bị chu đáo, lực lượng quân đội, cảnh sát được huy động và tăng cường nhằm đảm bảo an ninh tối đa cho những người yêu bóng đá trên toàn thế giới có mặt tại Nam Phi trong thời gian diễn ra World Cup. Cá nhân tôi tin rằng với sự chuẩn bị chu đáo như vậy, World Cup 2010 sẽ thành công, giới thiệu với thế giới hình ảnh của một Nam Phi tươi đẹp và an toàn.

* Riêng đối với các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Nam Phi, biện pháp an ninh có được tăng cường nhân dịp World Cup sắp tới không, thưa ông?

- Trong bối cảnh World Cup 2010 đang đến gần, Chính phủ Nam Phi đã tăng cường đáng kể các biện pháp an ninh nhằm bảo vệ cho World Cup an toàn nói chung và cho cả các cơ quan đại diện ngoại giao và đại diện các tổ chức quốc tế ở Nam Phi nói riêng. Nam Phi là một trong ít quốc gia trên thế giới tổ chức một lực lượng cảnh sát riêng gọi là cảnh sát ngoại giao (diplomatic police) chuyên bảo vệ ngoại giao đoàn.

* Ông sẽ đưa ra lời khuyên gì cho du khách Việt Nam để họ có được sự an toàn cao nhất trong những ngày tận hưởng bữa tiệc bóng đá?

- Bảo vệ an toàn cho công dân mình là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài. Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã chuẩn bị một bản khuyến nghị các công dân Việt Nam đến Nam Phi học tập, du lịch, công tác hay xem World Cup 2010. Thông qua đây, chúng tôi muốn nhờ Báo Thanh Niên gửi tới bạn đọc toàn bộ bản khuyến nghị này, hy vọng các cổ động viên bóng đá Việt Nam chuẩn bị đến Nam Phi để thưởng thức World Cup 2010 tìm được ở đó những chỉ dẫn bổ ích.

* Xin cảm ơn đại sứ.

Một số khuyến nghị đối với công dân Việt Nam đến Nam Phi

1. An ninh: Ở Nam Phi ít có hoạt động khủng bố quốc tế, song do nhiều nguyên nhân về chính trị - xã hội, Nam Phi là một trong những nước có tỷ lệ tội phạm có tổ chức cao nhất trên thế giới. Các vụ giết người, cướp có vũ trang, trộm cắp, hãm hiếp... tương đối phổ biến. Vì vậy, trong thời gian lưu trú tại Nam Phi, công dân Việt Nam cần đặc biệt chú ý giữ gìn để đảm bảo an ninh cho chính bản thân mình, cụ thể:

- Không mang nhiều tiền mặt theo người, nhất là tiền rand (tiền Nam Phi). Chỉ nên mang theo ít tiền để tiêu vặt và tốt nhất là dùng thẻ tín dụng. Thẻ tín dụng được sử dụng rộng rãi ở Nam Phi trong việc mua sắm, ăn uống...; nếu chẳng may mất thẻ tín dụng, nên gọi điện ngay về Việt Nam đề nghị ngân hàng khóa ngay tài khoản lại.

- Cần có bản photocopy hộ chiếu và các giấy tờ tùy thân khác để trong trường hợp bị mất thì đại sứ quán có cơ sở đề nghị cấp lại hộ chiếu hoặc giấy thông hành. Nếu chẳng may bị cướp hay mất cắp thì cần báo cảnh sát địa phương và lấy giấy chứng nhận của họ để làm cơ sở làm việc với chính quyền địa phương.

- Tuyệt đối không để tiền, đồ trang sức và các vật dụng đắt tiền khác trong khách sạn (nếu có thì phải để trong két sắt).

- Không phô trương các vật dụng đắt tiền như máy tính xách tay, máy ảnh, đồng hồ, điện thoại di động xịn... tại những nơi công cộng.

- Không đi chơi đêm (nhất là không đi một mình) nếu không có người hướng dẫn đi cùng. Nếu có việc phải đi thì cần tránh những nơi vắng người, không có hoặc ít đèn chiếu sáng.

- Nếu chẳng may bị cướp thì tuyệt đối không chống cự. Hãy tuân thủ yêu cầu của bọn cướp là đưa hết tiền bạc, tư trang... cho chúng vì bọn cướp có thể hành động rất liều lĩnh. Tránh mọi hành động khiến bọn cướp có thể hiểu là hành động chống cự kể cả việc nhìn thẳng vào mặt chúng vì chúng có thể hiểu là mình tìm cách nhận mặt chúng để báo cảnh sát.

- Cảnh giác với các đề nghị của người lạ dụ dỗ đổi tiền, đưa đi chơi...

- Nếu đi du lịch thì tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của người hướng dẫn du lịch và tuyệt đối không tự ý tách khỏi đoàn.

2. Ở Nam Phi chỉ tiêu tiền rand, chứ không giao dịch bằng các ngoại tệ khác kể cả USD. Việc đổi tiền cũng không dễ dàng như tại Việt Nam. Có thể đổi tiền ở sân bay.

3. Theo quy định của Nam Phi, khi mua sắm hàng hóa từ 250 rand trở lên, du khách có thể đòi lại 14% thuế giá trị gia tăng (VAT) tại sân bay trước khi rời nước này (đối với các hóa đơn hàng hóa trên 3.000 rand thì bắt buộc trong hóa đơn phải đánh máy cả họ và tên của khách hàng). Vậy muốn đòi lại khoản thuế 14% này thì khi mua hàng, du khách cần giữ hóa đơn, khi mua hàng hóa trị giá trên 3.000 rand thì phải yêu cầu cửa hàng đánh tên họ của mình vào hóa đơn. Ngày rời Nam Phi, cần ra sân bay sớm để có đủ thời gian xếp hàng làm thuế.

4. Tuyệt đối không nghe theo lời dụ dỗ mua bán các thứ bị luật pháp Nam Phi cấm như ngà voi, sừng tê giác... Đó rất có thể là những cái bẫy được giăng ra.

5. Thời gian ở Nam Phi chậm hơn Việt Nam 5 tiếng (ví dụ nếu ở Nam Phi là 12 giờ trưa thì ở Việt Nam đã là 17 giờ). Khi đến Nam Phi, nên chỉnh lại đồng hồ theo giờ địa phương để việc đi lại được đúng giờ.

6. Nam Phi cũng như nhiều nước châu Phi khác có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS rất cao. Vì vậy, công dân Việt Nam cần chú ý tự bảo vệ mình trong quan hệ xã hội hoặc khi cần phải chữa răng, truyền máu... Nếu có nhu cầu chăm sóc y tế, nên chọn các cơ sở y tế có trang thiết bị hiện đại.

7. Khi công dân Việt Nam đến du lịch, học tập hay công tác tại Nam Phi, nên gọi điện thoại thông báo họ tên, số hộ chiếu, địa chỉ nơi cư trú và số điện thoại liên lạc trong thời gian cư trú ở Nam Phi cho đại sứ quán biết để có thể hỗ trợ khi cần thiết. Có thể liên lạc theo các số điện thoại và địa chỉ e-mail sau:

- Anh Nguyễn Trung Kiên, Tham tán phụ trách lãnh sự của đại sứ quán: 0828499333 hoặc betuegiang@yahoo.com.vn

- Anh Hoàng Hữu Anh, Bí thư thứ nhất đại sứ quán: 0791304262 hoặc hoanganhduong1999@yahoo.com.

(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi)

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.