Ngành thể thao kêu khổ với Thủ tướng

18/03/2014 03:00 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hoàng Tuấn Anh vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thể thao thành tích cao.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hoàng Tuấn Anh vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thể thao thành tích cao.

Ủy ban VH-GD-TTNNĐ của Quốc hội trong một lần làm việc với ngành thể thao - ảnh: Ngô Nguyễn
Ủy ban VH-GD-TTNNĐ của Quốc hội trong một lần làm việc với ngành thể thao - ảnh: Ngô Nguyễn 

Toàn bộ nội dung báo cáo này sẽ được trình bày tại phiên giải trình của Chính phủ do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng (VH-GD-TTNNĐ) của Quốc hội tổ chức vào ngày hôm nay 18.3.

Xin cơ chế “thoáng” cho doanh nghiệp

Báo cáo nêu rõ sau khi luật Thể dục thể thao (TDTT) có hiệu lực thi hành từ năm 2007 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ đã ban hành 43 văn bản quy phạm pháp luật quản lý lĩnh vực thể thao thành tích cao. Tuy nhiên qua thực tế nhiều quy định không theo kịp đời sống thể thao hiện đại. Trong đó các quy định về xã hội hóa thể thao đã trở nên lạc hậu nên chưa thu hút được nhiều nguồn lực của xã hội (trừ một số ít doanh nghiệp đã gây được tiếng vang lớn như bầu Đức thành lập Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai hay Thái Sơn Nam đầu tư cho bóng đá futsal).

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ cũng bày tỏ sự lo lắng sâu sắc về một số liên đoàn, hiệp hội thể thao vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự bao cấp của nhà nước, chưa tích cực vận động tài trợ để tạo nguồn tài chính. Vì thế nếu Chính phủ không có sự chủ động thay đổi một số quy định pháp luật liên quan đến các chính sách ưu đãi thì rất khó đẩy mạnh được xã hội hóa, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế.

Bộ VH-TT-DL đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan khẩn trương sửa đổi một số chính sách như miễn giảm thuế, ưu đãi tín dụng với các doanh nghiệp đầu tư cho thể thao, cần quy định rõ dự án xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thể thao thành tích cao thuộc danh mục đặc biệt. Bộ cũng đề nghị Ủy ban VH-GD-TTNNĐ của Quốc hội trình Quốc hội xem xét đưa dự án luật sửa đổi, bổ sung luật TDTT vào chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14.

Thể thao cần được tăng tỷ trọng đầu tư

Cũng theo báo cáo nói trên, hiện VN có hơn 17.000 VĐV và hơn 1.900 tuyển thủ quốc gia. Nhưng chế độ, chính sách đối với VĐV còn rất thấp, nhất là tiền công và chế độ dinh dưỡng (trừ bóng đá nam, bóng chuyền, cầu lông, cờ, quần vợt). Kinh phí đầu tư từ các nguồn lực ngoài nhà nước còn rất hạn chế. Ngành thể thao cũng thừa nhận thành tích ở một số môn cơ bản (điền kinh, bơi, thể dục) và các môn Olympic khác tuy có tiến bộ nhưng nhìn chung vẫn thấp so với khu vực và thế giới. Và một trong những nguyên nhân chính là... thiếu tiền.

Vì thế, Bộ đã “năn nỉ” Chính phủ tăng tỷ trọng đầu tư cho TDTT trong tổng chi ngân sách hằng năm từ 1,5 đến 2 lần mức chi hiện nay (từ năm 2008 đến hết năm 2013, chi cho thể thao chỉ dao động ở mức 0,1% tổng chi ngân sách T.Ư). Năm 2014, tổng chi ngân sách là hơn 570.000 tỉ đồng thì chi cho TDTT là 680 tỉ đồng. Tuy đã xây dựng đề án thí điểm đặt cược thể thao nhưng lần đầu tiên, Bộ VH-TT-DL chính thức đề nghị Chính phủ cho phép triển khai xổ số thể thao nhằm có thêm nguồn thu phục vụ nhu cầu phát triển sự nghiệp thể thao.

Số huy chương tăng 125%

Năm 2007, kết quả thi đấu quốc tế của VN là 440 huy chương thì năm 2013 là 992 huy chương (363 HCV, 329 HCB, 300 HCĐ), tăng 125%.

Lan Phương

 >> Đại hội VFF dự kiến vào ngày 25.3
 >> Đại hội thường niên VFF: Quên mổ xẻ trách nhiệm của... Liên đoàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.