Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 12: Xạ thủ làm bà chủ cửa hàng

16/02/2014 03:30 GMT+7

Được bố mẹ cho căn nhà nằm ở mặt tiền phố Lê Duẩn, Hà Nội, xạ thủ Thẩm Thúy Hồng đã biến nơi đây thành mặt bằng kinh doanh quần áo, đồ dùng trẻ sơ sinh. Cửa hàng của cô có tên rất yêu: Hà My.

Được bố mẹ cho căn nhà nằm ở mặt tiền phố Lê Duẩn, Hà Nội, xạ thủ Thẩm Thúy Hồng đã biến nơi đây thành mặt bằng kinh doanh quần áo, đồ dùng trẻ sơ sinh. Cửa hàng của cô có tên rất yêu: Hà My.

>> Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 11: Pha cà phê ngon khó hơn đá bóng
>> Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 10: Sân Vườn Xoài của thủ môn Quang Huy
>> Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 9: Quán phở của Danh Ngọc

 Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 12: Xạ thủ làm bà chủ cửa hàng
Cửa hàng Hà My của VĐV Thẩm Thúy Hồng - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bốn năm trước, Hồng vác cái bụng bầu to lặc lè đi sắm đồ cho cô con gái đầu lòng. Nào tã, nào bỉm, nào quần, nào áo, nào khăn sữa, bình sữa, tất tay, tất chân… chất đầy một làn. Nhìn những thứ nhỏ xíu, xinh xinh ấy, Hồng chợt nghĩ, sao mình không thử bán như người ta nhỉ. Rồi cô tất tả về nhà, bàn với gia đình. Hồng mừng vì có người tán thành nhiệt liệt, rồi lại lăn tăn vì cũng có người khuyên đừng có dại mà kinh doanh, cả đời chỉ biết bắn súng, nhỡ thua lỗ thì khổ. Nhưng kệ, mặc ai ngăn cản, cô vẫn quyết định làm “cú đột phá”. May mắn thế, duyên bán hàng cũng “mặn” như cái duyên bắn súng. Hồng sinh năm 1982, tập tành bắn súng từ năm 13 tuổi và được gọi vào tuyển trẻ quốc gia khi còn trẻ măng, mới 16 cái xuân xanh. Rồi đi cùng đội tuyển VN đến tận bây giờ. Hồng từng giành HCB, HCĐ nhiều kỳ SEA Games, còn HCV giải vô địch Đông Nam Á SEASA thì vô số kể.

Nhưng nói thế thôi, thời gian đầu rẽ ngang thêm nghề tay trái cũng khá gian nan. Hồng bảo mình dính vài vụ bị lừa vì chủ quan, mất cảnh giác và còn vì thiếu cả kinh nghiệm nữa. Một hôm Hồng đang tập trên tuyển, khách lạ gọi điện bảo lấy hàng. Cô gọi về cho nhân viên dặn dò phải tiếp đón cẩn thận. Khách hàng ôm một lố và bảo đã trả tiền trước cho bà chủ. Bà chủ về nhà, khóc dở mếu dở vì chẳng biết khách đó là ai để đòi nợ. Hay có hôm không khóa ngăn kéo, bị hai vợ chồng nhà nọ bế theo đứa con vào giả bộ mua hàng, rồi cuỗm hết sạch tiền. Nhưng ghê nhất là có lần còn bị trộm đánh thuốc mê lấy cắp hàng.

“Giờ cũng quen rồi. Những sự cố ấy không bao giờ vấp phải nữa. Chứ bị lừa suốt thì chết”, Hồng bảo thế. Từ cửa hàng “thô sơ” và cách quản lý thủ công ban đầu, cô đã nâng cấp lên như một siêu thị thu nhỏ. Từ bài trí mặt tiền đến cách bày biện bên trong đều rất bắt mắt. Diện tích không quá lớn, chỉ khoảng 30 m2 nhưng Hồng cố gắng sắp xếp sao cho khách tìm kiếm hàng dễ nhất. Mỗi mặt hàng đều có mã vạch và nhân viên nhập bằng máy. Cách bán hàng y hệt hệ thống siêu thị giúp bà chủ quán xuyến, giám sát công việc tốt hơn, chặt chẽ hơn, thuận tiện cho cả người mua lẫn người bán.

Cả dọc phố Lê Duẩn (đường một chiều) hầu như không có cửa hàng nào tương tự nên shop Hà My đang ở thế “độc quyền”, không bị cạnh tranh. Cửa hàng của Hồng khá đông khách vì từ bà chủ đến nhân viên đều rất niềm nở và quan trọng là “Shop Hà My không thiếu thứ gì liên quan đến trẻ con, nhưng bán chạy nhất là bỉm và sữa. Bán rất sướng tay”. Hồng cũng không phải nhọc công đi lấy hàng tận nơi như trước mà hằng ngày hoặc hằng tuần cô gọi điện cho các công ty để họ mang đến tận nơi. Ngoài đồ sơ sinh, cô còn nhập thêm cả thời trang dành cho mẹ và bé. Đắt hàng nên Hồng quyết định mở thêm một shop nữa ở phố Tôn Đức Thắng.

Hồng đang tạm rời xa đấu trường ít lâu do cũng đang mang bầu đến tháng thứ 7. Lần này sẽ chẳng phải đi mua đồ sơ sinh ở đâu vì sẽ dùng của nhà. Nếu lên tuyển, Hồng không được hưởng lương của địa phương (cô đang khoác áo Hà Nội) mà chỉ nhận chế độ dành cho tuyển thủ, khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng. Khoản này giờ bị tạm cắt, Hồng chỉ còn được lĩnh tiền ăn của đơn vị chủ quản Hà Nội khoảng hơn 2 triệu đồng. Liệt kê thế để thấy siêu thị “nhí” baby Hà My có tầm quan trọng thế nào với cuộc sống của cô và gia đình. Nghề tay trái nhưng lại là chủ lực giúp Hồng và ông xã có thêm đồng ra đồng vào. “Cũng may là mình không phải đi thuê nhà, chứ nếu phải bỏ ra đống tiền để thuê mặt bằng bán hàng thì không lãi hoặc lãi rất ít. Chúng tôi cũng cố gắng tiết kiệm được một khoản từ công việc kinh doanh chứ nếu chỉ trông chờ vào nghề bắn súng thì… nghèo lắm!”, Hồng bảo.

 Lan Phương

>> Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 11: Pha cà phê ngon khó hơn đá bóng
>> Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 10: Sân Vườn Xoài của thủ môn Quang Huy
>> Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 9: Quán phở của Danh Ngọc
>> Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 8: Ngôi sao điền kinh đi dạy quần vợt
>> Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 7: Trung vệ kinh doanh khách sạn
>> Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 6: Ông chủ phòng gym
>> Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 5: Chơi cầu lông hay, bán thời trang giỏi
>> Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 4: Thủ môn xứ Nghệ bán cà phê
>> Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 3: Trại gà của Quang Hải
>> Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 2: Gánh hàng ảo của cô gái vàng
>> Nghề tay trái của VĐV - Cầu thủ làm nông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.