Nghề tay trái HLV - Kỳ 3: Người 'đa di năng'

26/02/2014 03:00 GMT+7

Dân thể thao gọi HLV tuyển xe đạp Quân đội Trịnh Hoài Anh là ông thầy “đa di năng”, bởi ngoài công tác chuyên môn, anh còn đi dạy thêm đủ môn thể thao từ bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, đến những môn khó chơi như cờ vua, patin, trượt ván...

Dân thể thao gọi HLV tuyển xe đạp Quân đội Trịnh Hoài Anh là ông thầy “đa di năng”, bởi ngoài công tác chuyên môn, anh còn đi dạy thêm đủ môn thể thao từ bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, đến những môn khó chơi như cờ vua, patin, trượt ván...

 >> Nghề tay trái của HLV - Kỳ 2: Câu lạc bộ 'tình yêu' của Mai Phương
 >> Nghề tay trái của HLV - Kỳ 1: Lò đào tạo 'made in Triệu Quang Hà

Trịnh Hoài Anh theo chân các giải đua xe đạp - Ảnh: Liêm Lê
Trịnh Hoài Anh theo chân các giải đua xe đạp - Ảnh: Liêm Lê 

Thời còn tung hoành trên đường đua trong màu áo Quân đội, dấu ấn lớn nhất mà Trịnh Hoài Anh để lại chính là 2 lần thắng chặng cuối ở Cúp xe đạp truyền hình TP.HCM năm 2001, 2002. Hình ảnh Trịnh Hoài Anh đưa tay chào kiểu quân đội khi ăn mừng tại đích đến trước Hội trường Thống Nhất được truyền hình phát đi phát lại nhiều lần trông rất ấn tượng.

Quyết định giải nghệ ở tuổi 28 (năm 2005), Hoài Anh theo học Đại học TDTT TP.HCM. Do ở trường không có chuyên ngành xe đạp, sau nhiều lần đắn đo, Hoài Anh quyết định học điền kinh. Ra trường vào năm 2009, Hoài Anh tiếp tục gắn bó với xe đạp trong vai trò HLV đội Quân đội, đem hết tâm huyết và kinh nghiệm của mình dẫn dắt các cua rơ trẻ. Đó cũng là thời gian anh quyết định đi làm thêm, kiếm thêm thu nhập bằng nghề tay trái.

Thế nhưng Hoài Anh cũng không biết bắt đầu làm thêm như thế nào và làm gì. Dịp tình cờ, một người bạn bận việc không thể đứng lớp dạy cờ vua căn bản tại Nhà thiếu nhi Q.1 (TP.HCM), người này ngỏ ý nhờ Hoài Anh dạy thế. “Vợ là HLV cờ vua nên mình cũng học lóm được chút chút, chẳng nghĩ sẽ có ngày đi dạy cờ nhưng nể bạn nhờ nên đi đại, vậy là thành HLV cờ”, Hoài Anh kể. Dạy cờ được vài buổi, có phụ huynh đến gặp nhờ về nhà kèm riêng cờ vua cho con, Hoài Anh cũng đánh bạo nhận lời. Anh thừa nhận mình “liều mạng” khi đi dạy những môn không phải sở trường như cờ. Nhưng hễ nhận lời dạy ai, anh đều tìm tòi nghiên cứu để truyền đạt cho học trò những thứ căn bản nhất.

Đúng là chỉ có người liều như Hoài Anh mới dám “đâm đầu” vô sở đoản. Đang dạy cờ cho học trò, vị phụ huynh ngỏ ý muốn tìm HLV dạy con chơi trượt patin, Hoài Anh gật đầu nhận lời dạy luôn. “May mắn là môn thể thao nào mình cũng biết chút chút trong khi các phụ huynh cũng chỉ muốn con biết chơi căn bản nên... dạy được”, Hoài Anh thổ lộ.

Với sự tận tình của mình, Hoài Anh được rất nhiều phụ huynh tìm đến nhờ dạy. Đến nay, HLV này cho biết đã dạy hơn 600 học trò sống ở TP.HCM. Các em học đủ môn thể thao từ bóng đá, bơi, bóng chuyền, bóng rổ, xe đạp, cầu lông, bóng bàn, cờ vua, trượt patin, trượt ván. Hoài Anh nhớ nhất kỷ niệm anh nhận lời dạy một cậu học trượt ván trong khi anh còn chưa biết cái ván trượt nó ra làm sao. Anh tìm đến điểm bán ván trượt trong vai người mua hàng, sau một hồi nghiên cứu ván trượt, Hoài Anh tiện thể hỏi luôn cách chơi rồi mày mò tự tập và về đi dạy. Có gia đình anh dạy chơi patin cho con sau đó cha mẹ thấy hay nên cùng học. Có người lại nhờ dạy cho con chạy xe đạp với điều kiện duy nhất: không được để con mình ngã xe... Ngay cả những ai có nhu cầu tập chạy xe máy, Hoài Anh cũng nhận lời.

“Thật ra rất nhiều môn thể thao, rất nhiều kỹ năng nhìn tưởng dễ nhưng chưa chơi chưa tập, khó vô cùng. Như chuyện đơn giản là tập chạy xe đạp thôi cũng khiến nhiều người trầy trật cả tháng mới thành công. Tôi truyền đạt những thứ mắt thấy tai nghe và chỉ dạy những điều dễ hiểu nhất cho học trò của mình”, Hoài Anh nói. Cũng vì thế học trò của Hoài Anh có em học xong sau vài ba buổi tập (chạy xe máy, xe đạp, patin), có người cả tháng thậm chí vài ba tháng vẫn chưa thể ra trường. Hơn hết, chàng HLV 37 tuổi vui tính này cảm thấy rất hạnh phúc, hứng khởi mỗi khi chứng kiến cảnh học trò của mình biết thêm một kỹ năng, một trò chơi để vui sống với gia đình, bạn bè.

“Tôi vẫn rất mê xe đạp và tiếp tục sự nghiệp huấn luyện của mình. Nhưng cuộc sống bắt buộc những người còn nhiều khó khăn như tôi phải bươn chải. Nghề tay trái nhiều khi rất mất thời gian, nhưng nhờ sắp xếp tốt nên không ảnh hưởng nhiều đến công việc chính, quan trọng đó là nơi giúp tôi có thêm thu nhập và giúp tôi dấn thân nhiều hơn để tiếp lửa cho học trò trên đường đua”, Hoài Anh cho biết.

Hoàng Quỳnh

 >> Những bài học ở tuyển xe đạp
 >> Tuyển xe đạp gạch tên Bùi Minh Thụy 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.