Nhà văn đi dạy... võ

18/12/2015 09:01 GMT+7

Giữa lòng thủ đô Hà Nội có một lớp võ cổ truyền mà môn sinh đủ các thành phần, có độ tuổi từ 6 - 60. Đặc biệt hơn, chủ nhiệm lớp võ cổ truyền ấy lại là một... nhà văn.

Giữa lòng thủ đô Hà Nội có một lớp võ cổ truyền mà môn sinh đủ các thành phần, có độ tuổi từ 6 - 60. Đặc biệt hơn, chủ nhiệm lớp võ cổ truyền ấy lại là một... nhà văn.

Nhà văn đi dạy... võThầy Đào Trung Hiếu đang luyện võ cho các môn sinh - Ảnh: Quỳnh An 
Ngày dạy võ, đêm viết văn
Nhìn thầy Đào Trung Hiếu, trung tá công an, đồng thời là nhà văn, nhà báo, không ai bảo đó là một võ sư dù đã gần 30 năm luyện võ. Với vẻ hiền lành thư sinh, cặp kính trắng thường trực trên khuôn mặt trắng trẻo, ít ai biết rằng thầy từng chỉ huy Đội điều tra trọng án của Công an tỉnh Yên Bái, Công an Hà Nội. Sau gần 20 năm gắn bó với công việc trấn áp tội phạm, rồi một ngày theo tiếng gọi văn chương, thầy Hiếu từ giã đồng đội, đầu quân cho Báo Công an nhân dân. Lý do chuyển màu áo, thầy Hiếu kể, đó là vì duyên, vì gốc gác nhà thầy nhiều đời là nhà văn, nhà báo. Ông nội thầy là cụ Đào Phương Bình - thành viên sáng lập Viện Hán Nôm VN, ân sư của rất nhiều giáo sư, tiến sĩ ngành văn học cổ hiện nay. Thầy Hiếu đã cho ra mắt 2 cuốn sách Chuyện ngoài hồ sơ (NXB Văn học 2012) và Tiếng súng lạc bầy (NXB CAND 2013) và tiểu thuyết Bão Ngầm năm 2015, vừa đoạt giải A trong cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện, ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn VN tổ chức trong 3 năm (2012 - 2015).
Với mong muốn di sản văn hóa phi vật thể võ cổ truyền dân tộc Nhất Nam - môn phái võ thuần Việt được tiếp nối đến mai sau, thầy Hiếu cùng bạn thân là anh Phạm Hải Hưng (công tác tại Sở Xây dựng Hà Nội), anh Đinh Công Lịch (trợ giáo) thành lập CLB Nhất Nam Yên Hòa (tại số 228 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội) để truyền bá võ thuật nhằm giúp thanh thiếu niên rèn luyện thể chất, trang bị kỹ năng tự vệ phòng thân, đồng thời góp phần bảo tồn và phát triển di sản văn hóa quý giá này của người Việt. Đây là hoạt động thiện nguyện, không thu bất kỳ khoản học phí hay đóng góp nào của người học. Cả ngày đứng lớp, tối đến sau khi trở về nhà, thầy lại miệt mài viết văn.
Cả nhà đi… học võ
Gần nửa năm nay, ba bố con anh Đỗ Anh Đức (lãnh đạo một đơn vị thuộc A87 - Bộ Công an) không bỏ một buổi học võ nào tại CLB Nhất Nam Yên Hòa. Bố học bài đao pháp, con lớn đã học đến bài thân pháp và cậu em trai nhỏ học bài quyền thứ nhất. Cứ như thế, chiều thứ tư và thứ bảy hằng tuần, cả gia đình anh lại… đèo nhau ra sân tập võ. Càng học, anh càng ngộ ra điều sư phụ Ngô Xuân Bính nói: “Võ thuật không phải là bạo lực, mà là một con đường dẫn đến sự hoàn thiện, là đạo tu thân”. Nhờ học võ, sức khỏe của ba bố con anh Đức cải thiện đáng kể. Bệnh thoái hóa đốt sống cổ của anh bấy lâu đeo đẳng, giờ đã giảm rất nhiều.
Bên cạnh đó, gia đình anh Nguyễn Việt Anh (công tác ở Bộ Công an) cũng là “bộ công - thủ” ăn ý. Anh Việt Anh học muộn hơn con, nhưng nắm bắt kỹ thuật khá nhanh. Nhờ có những “cặp đôi ăn ý” như vậy, nên chất lượng học cũng tăng lên rất nhanh. Thầy Hiếu cho biết, trong lớp này chủ yếu là con em nhà báo, công an, luật sư, bác sĩ và công chức. Có rất nhiều cặp đôi chị - em, anh - em cùng theo học và là những môn sinh tích cực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.