Nước cờ mạo hiểm của điền kinh

10/02/2014 03:00 GMT+7

Để tránh tình trạng “lắm cha con khó lấy chồng”, một số VĐV trọng điểm của đội tuyển điền kinh VN sẽ được đưa sang nước ngoài tập huấn để chuẩn bị cho ASIAD 17.

Để tránh tình trạng “lắm cha con khó lấy chồng”, một số VĐV trọng điểm của đội tuyển điền kinh VN sẽ được đưa sang nước ngoài tập huấn để chuẩn bị cho ASIAD 17.

Nước cờ mạo hiểm của điền kinh
Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan sẽ được giao cho chuyên gia nước ngoài dẫn dắt - Ảnh: Khả Hòa - Ngô Nguyễn

Nếu như bơi hay một số môn thể thao khác tỏ ra rất có duyên với tập huấn nước ngoài thì điền kinh VN gần như ngược lại. Vài ba năm về trước, Vũ Thị Hương đã không may bị dính chấn thương trong thời gian tập huấn tại Đức và lỡ tấm HCV SEA Games 26. Năm ngoái, Thanh Hóa và Tổng cục TDTT chi tới 6 tỉ đồng để đưa Quách Thị Lan sang Bulgaria. Nhưng vì không tính kỹ nên chuyến tập huấn bị đứt gánh giữa đường và Lan buộc phải di chuyển về Malaysia. Sự dịch chuyển bất đắc dĩ này đã đem lại hậu quả khá tai hại là Lan không những mất vàng SEA Games 27 ở cự ly sở trường 400 m mà còn không thể cùng đồng đội đăng quang ở cự ly tiếp sức 4 x 400 m nữ. Vậy tại sao, kế hoạch ra nước ngoài tuy là nước cờ mạo hiểm nhưng vẫn được xem như sự lựa chọn số 1 với tuyển điền kinh lúc này?

Trong số các cự ly có khả năng tranh chấp HCV ASIAD 17, chính cự ly tiếp sức nữ nói trên sáng nước hơn cả. Ở SEA Games 27, dù thiếu chủ lực Nguyễn Thị Huyền (do chấn thương, phải thay bằng người khác) thành tích của VN vẫn tiệm cận được với thành tích cao nhất của châu Á ở cự ly này. Nay, Huyền đã trở lại (thành tích tập luyện của cô xấp xỉ thành tích HCV ASIAD 16) và được đào tạo bởi HLV địa phương Vũ Ngọc Lợi (Nam Định). Còn một tài năng trẻ khác là Nguyễn Thị Oanh lại được HLV Nguyễn Trọng Hổ dẫn dắt, trong khi Quách Thị Lan hiện đang “chơ vơ”, chưa có thầy riêng. Mỗi HLV có một học trò ruột và rất khó giao Oanh cho ông Lợi hay giao Huyền cho ông Hổ vì ông nào cũng muốn chứng tỏ VĐV của mình phải là số 1.

Lo ngại trước tình trạng “con gà tức nhau tiếng gáy”, Liên đoàn Điền kinh VN (VAF) đã lập một kế hoạch khá chi tiết, trình Tổng cục TDTT về việc đưa tổ cự ly này sang Đức để chuyên gia Đức đào tạo từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 9. Kinh phí tuy eo hẹp nhưng lại không phải là điều khó khăn nhất (nhà nước rót 150.000 USD cộng với đầu tư của địa phương). Quan trọng là phải có sự giám sát chặt chẽ từ phía Tổng cục TDTT, tránh vết xe đổ như năm 2013 là Quách Thị Lan “bị” đưa từ Bulgaria về VN mà lãnh đạo Tổng cục không hề hay biết.

Lan Phương   

>> Nước rút ngoạn mục của điền kinh VN
>> Điền kinh VN 'giấu' quân cho SEA Games
>> Điền kinh VN đặt mục tiêu đoạt 12 HCV SEA Games 27
>> Điền kinh VN phải “mổ xẻ” trách nhiệm
>> Điền kinh VN bất ổn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.