Phát hiện mới về “Cửu âm chân kinh”

11/05/2010 08:48 GMT+7

Ngày 20.4.2010, tại thôn Hoàng Phường, xã Hứa Phường, huyện Sùng Nhân, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc giới khảo cổ phát hiện một cổ mộ.

Bản “Cửu âm chân kinh” giả định

Ngày 20.4.2010, tại thôn Hoàng Phường, xã Hứa Phường, huyện Sùng Nhân, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc giới khảo cổ phát hiện một cổ mộ.

Khi phục dựng bia mộ hư hoại cùng thu gom cổ vật, chủ nhân ngôi mộ được xác định chính là Hoàng Thường-nhà chính trị, triết học, văn học nổi tiếng đời Tống. Thông tin này gây sốt trên các mạng Trung Quốc vì điều hầu hết mọi người quan tâm là Hoàng Thường có đúng là tác giả bộ “Cửu âm chân kinh”, bí kíp tuyệt học võ công Kim Dung đã viết hay không?

Hoàng Thường trong lịch sử

Theo “Tống sử”, Hoàng Thường (1044-1130) tự là Miễn Trọng, tên khác là Đạo Phu, hiệu Diễn Sơn, người Diên Bình (nay là Nam Bình, Phúc Kiến). Đậu tiến sĩ đệ nhất năm Nguyên Phong thứ 5 đời Tống Thần Tông (1082), làm quan đến chức Đoan Minh điện Đại học sĩ, Lễ bộ Thượng thư. Ông được vua Tống Huy Tông ủy thác phụ trách việc khắc in bộ “Chính Hòa Vạn Thọ Đạo Tạng”-bộ đại thành của Đạo giáo Trung Hoa. Tính thẳng thắn, giám can vua, khi mất được truy tặng hàm Thái phó. Ông giỏi thi, từ, với các trước tác như Diễn Sơn từ, Diễn Sơn tiên sinh văn tập...

Trong “Xạ điêu anh hùng truyện”

Dưới ngòi bút Kim Dung, Hoàng Thường là một “thế ngoại cao nhân”. Theo đó, đời Bắc Tống, hoàng đế Huy Tông hạ chiếu tập hợp tất cả di thư của Đạo gia để khắc in thành bộ “Vạn Thọ Đạo Tạng”, tổng cộng 5.481 quyển. Hoàng Thường lo việc in khắc. Vì sợ khắc lầm chữ sẽ bị trách tội nên ông dồn hết tâm trí đối chiếu cẩn thận từng câu từng chữ. Không ngờ nhờ đó mà tinh thông Đạo học, ngộ ra tầng sâu võ công. Ông tu luyện cả nội công, ngoại công, trở thành cao thủ. Về sau Huy Tông phái Hoàng Thường đem binh đi tiêu diệt Ma giáo (Minh giáo), ông đánh chết mấy vị pháp vương, sứ giả nhưng thân mang trọng thương phải trốn về Bất Mao, cha mẹ vợ con bị giết sạch. Giữa hoang sơn, ông nhớ lại những chiêu thức võ công địch thủ để tìm cách phá giải. Khi đã triệt ngộ muốn hạ sơn báo thù thì đã hơn 40 năm, kẻ thù xưa đã chết cả. Hoàng Thường đem những công phu thượng thừa của các môn phái trong thiên hạ viết thành bộ “Cửu âm chân kinh”. Trong “võ lâm ngũ bá” chỉ có Vương Trùng Dương được đọc bí kíp này, sau đó truyền cho Châu Bá Thông. Đệ tử của Hoàng Dược Sư là Mai Siêu Phong và Trần Huyền Phong chỉ học được phần sau, do không hiểu Đạo học nên luyện ra các độc môn “Cửu âm Bạch cốt trảo” và “Thôi tâm chưởng” gây sóng gió trên giang hồ.

Về sau Châu Bá Thông truyền “Cửu âm chân kinh” cho Quách Tĩnh. Hoàng Dung khi biết khó giữ Tương Dương trước quân Mông, bèn đem kiếm của Dương Quá nung chảy, trộn với vàng ròng, đúc thành hai cây Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm. Bộ “Võ Mục di thư” được giấu trong đao, còn “Cửu âm chân kinh” và “Hàng long thập bát chưởng chưởng pháp tinh nghĩa” được giấu trong kiếm. Ỷ Thiên kiếm được truyền cho chưởng môn Nga My là Quách Tương, rồi Diệt Tuyệt sư thái và cuối cùng vào tay Chu Chỉ Nhược. Đến năm Thuận Đế nhà Nguyên, Chu Chỉ Nhược hợp được đao và kiếm, lấy được binh thư và bí kíp võ công…

Hoàng Thường có viết “Cửu âm chân kinh”?

Ông Dương Dược Hùng, chủ nhiệm Văn phòng điều tra-tìm kiếm văn vật lần thứ 3 huyện Sùng Nhân, tỉnh Giang Tây, người trực tiếp khảo sát khu mộ Hoàng Thường, cho rằng: Căn cứ vào tư liệu, sử liệu, bộ “Cửu âm chân kinh” là có thật và tác giả chính là Hoàng Thường. Hoàng Thường ở đời Bắc Tống, giai đoạn chống quân Kim, Liêu, vì thế việc luyện tập võ nghệ rất phổ biến. H. Thường là quan cao trong triều, từng lo việc khắc in bộ “Đạo Tạng”, lại có cơ hội tiếp xúc với các tướng lĩnh, nhân sĩ võ công cao cường. Như vậy, việc tập hợp chiêu thức võ công tâm đắc biên soạn thành bí kíp là việc rất dễ hiểu. Ngoài ra, “Võ Mục di thư” và Nhạc Gia quyền của danh tướng Nhạc Phi cũng còn truyền đến nay. D. D. Hùng bày tỏ mong muốn được nghe ý kiến nhà văn Kim Dung về vấn đề này.

Thượng Văn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.