Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 28: Nhờ võ từ bỏ tật xấu

09/03/2013 03:15 GMT+7

Nhắc đến Nguyễn Văn Hùng, nhiều người mê võ vẫn không quên được những kỳ tích của chàng võ sĩ pencak silat này. Nhưng ít ai biết được VĐV này đã đến với thể thao như là cách để từ bỏ những tật xấu mà đám trai làng thường vướng phải.

Nhắc đến Nguyễn Văn Hùng, nhiều người mê võ vẫn không quên được những kỳ tích của chàng võ sĩ pencak silat này. Nhưng ít ai biết được VĐV này đã đến với thể thao như là cách để từ bỏ những tật xấu mà đám trai làng thường vướng phải.

Học võ vì mê phim chưởng

Sinh ra và lớn lên ở xã Đông Minh, H.Đông Sơn (Thanh Hóa), từ bé, Hùng đã nổi tiếng là đứa trẻ ham chơi, thích tụ tập bạn bè và xem phim chưởng. Học xong THPT, bố mẹ bắt Hùng đi học nghề thợ điện rồi xin cho một chân làm việc trong HTX điện của xã Đông Minh. Nhưng làm thợ điện ở quê vốn chẳng có mấy việc, thi thoảng chỉ đi lắp cái bóng đèn, sửa đường điện hỏng trong làng xã, vì vậy Hùng càng có nhiều thời gian để đàn đúm bạn bè. Nhìn “ông” con cao to, ham chơi tối ngày, bố mẹ Hùng vô cùng lo lắng.

 HLV Nguyễn Văn Hùng
HLV Nguyễn Văn Hùng - Ảnh: Ngọc Minh

Cơ duyên với thể thao đã đến với Hùng vào năm 1995, khi một lần tình cờ HLV Trịnh Đình Tuấn (bố đẻ của 2 VĐV pencak silat Trịnh Thị Mùi và Trịnh Thị Ngà) nghe một số người quen nhắc đến Hùng trong một lần ông về H.Đông Sơn “săn” tài năng cho 2 bộ môn võ pencak silat và taekwondo vừa được Sở TDTT đưa về luyện tập tại Thanh Hóa. “Thời ấy mình chỉ mê phim chưởng thôi, chứ chẳng có tí võ vẽ gì đâu. Dù không có võ, nhưng cũng chả đứa nào dám gây sự với mình. Chắc nhiều đứa thấy mình cao to quá nên cũng ngại va chạm…”, Hùng nhớ lại. Ngay sau khi gặp gỡ Hùng, HLV Trịnh Đình Tuấn đã nhận thấy ở gã trai quê vạm vỡ ấy có những tố chất để trở thành một VĐV võ thuật chuyên nghiệp, nên ông đã đề nghị Hùng xuống TP.Thanh Hóa luyện tập. Mặc dù thích xem phim chưởng, nhưng chưa bao giờ Hùng nghĩ rằng mình sẽ rời quê, rời đám bạn cùng những cuộc rượu túy lúy ở làng để đi học võ. Vậy nên Hùng đã tỏ ra lừng khừng không muốn theo ông Tuấn xuống TP học “nghề”.

May mắn thay, bố mẹ Hùng biết chuyện, đặc biệt khi ông bà gặp gỡ và nghe ông Tuấn nói nếu Hùng đi học võ, ông bảo đảm sẽ bắt nó phải bỏ rượu, thuốc lá, và chắc chắn sẽ không có thời gian để tụ tập bạn bè quậy phá làng xóm, thì bố mẹ của Hùng vô cùng mừng rỡ. Vậy là hai ông bà “ép” Hùng phải đi luyện võ. Dù ở ngoài đường, Hùng là một đứa ngỗ ngược, không sợ bất cứ điều gì, nhưng về nhà Hùng luôn nghe lời bố mẹ, vậy nên dù không muốn, nhưng anh vẫn khăn gói xuống TP.Thanh Hóa với HLV Trịnh Đình Tuấn. “Nói thật chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ là một VĐV chuyên nghiệp. Khi ấy, tôi nghĩ cứ đi xuống TP một thời gian cho vui lòng bố mẹ, đồng thời cũng tò mò xem học võ ra sao. Biết đâu lại “kiếm” vài “miếng” giắt lưng cũng tốt. Vậy là đi thôi”, Hùng nói.

Nỗi ám ảnh của nhiều võ sĩ

Những ngày đầu, Hùng được cho gia nhập vào CLB taekwondo của Sở TDTT Thanh Hóa. Sau 3 tháng huấn luyện, HLV Trịnh Đình Tuấn đã quyết định chuyển Hùng qua bộ môn pencak silat, bởi ông phát hiện Hùng có những tố chất rất quý mà môn võ này cần. Và đúng với sự tin tưởng của ông Tuấn, chỉ sau hơn 3 tháng luyện tập môn pencak silat, Hùng đã giành tấm HCV đầu tiên trong sự nghiệp của mình ở giải đấu cấp tỉnh và từ đó sự nghiệp đi lên. Chỉ trong thời gian ngắn, với hàng loạt chức vô địch SEA Games, châu Á và thế giới, Hùng đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều võ sĩ trong khu vực và trên thế giới, ngay cả những VĐV của đất nước Indonesia (cái nôi của môn võ này) cũng phải nể phục mỗi khi đối đầu với anh trên sàn đấu.

Trò chuyện với Hùng, tôi không khỏi bất ngờ khi biết do đói ăn, lại bị quản lý chặt chẽ, đặc biệt là từ khi được gọi vào đội tuyển quốc gia phải luyện tập với cường độ cao, Hùng đã nhiều lần xin về quê để tiếp tục làm thợ điện. “Lúc mới đầu tập võ, bị thầy Tuấn cấm hút thuốc lá, cấm uống rượu. Nhiều hôm bọn tôi mua thuốc lá hút trộm, các thầy bắt được đã bắt chúng tôi mỗi thằng nhai sống hết một bao thuốc lá. Khổ lắm. Ăn uống lại thiếu thốn, luyện tập vất vả quá, cộng với nhớ bạn bè ở quê, nên mình chỉ muốn về thôi…”. Cũng may các HLV, đặc biệt là ông Tuấn, đã kịp thời động viên để Hùng yên tâm bám trụ với thể thao. Khi đã thông suốt, Hùng lao vào luyện tập, rèn giũa những kỹ năng mà các thầy đã truyền thụ. Và đặc biệt đã lên sàn đấu anh chỉ có mục tiêu duy nhất là chiến thắng. Hùng thực sự đã vượt qua chính mình để trở thành một tượng đài trong làng pencak silat của Việt Nam.

Bắt đầu từ năm 2007 anh trở thành HLV môn pencak silat của đội tuyển Việt Nam, đồng thời vẫn tham gia thi đấu trên các đấu trường trong khu vực và thế giới. Anh từ giã sự nghiệp thi đấu của mình ngay sau kỳ Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010. Hiện Hùng đang là Trưởng bộ môn pencak silat của Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Thanh Hóa. Hùng khoe hiện nay trong tay đang có một lứa học trò rất tiềm năng, đặc biệt là VĐV Nguyễn Duy Tuyến (19 tuổi). Đây là VĐV vừa giành chức vô địch thế giới năm 2012 tại Thái Lan. “Thể thao cho tôi rất nhiều. Vì vậy nhiệm vụ phải đào tạo được những VĐV hàng đầu cho nước nhà chính là cách để tôi trả món nợ ân tình với các thầy với thể thao đã dành cho tôi trong suốt sự nghiệp của mình”, Hùng tâm sự.

Nguyễn Văn Hùng sinh năm 1976, giành HCV hạng cân 70 kg tại giải Vô địch pencaksilat toàn quốc năm 1997, 4 HCV SEA Games, 3 HCV châu Á và 3 lần vô địch thế giới ở hạng cân 85 kg, được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng nhì và hạng ba, được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp một suất đất ở tại trung tâm TP. Thanh Hóa.

Ngọc Minh

>> Chinh phục SEA Games 24 - Kỳ 7: Pencat Silat sẽ thắng đậm?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.