Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 32: Nói thật là tôi rất “khô”

13/03/2013 00:45 GMT+7

Cựu võ sĩ karatedo Trần Văn Thông đã thốt lên câu ấy, nhưng trong lần đầu tiên gặp anh khi ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 chỉ còn cách mấy ngày, bó hoa rất đẹp anh tặng tôi dường như chứng minh điều ngược lại.

Cựu võ sĩ karatedo Trần Văn Thông đã thốt lên câu ấy, nhưng trong lần đầu tiên gặp anh khi ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 chỉ còn cách mấy ngày, bó hoa rất đẹp anh tặng tôi dường như chứng minh điều ngược lại. 

>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 31: Võ sĩ karate mở quán cơm chay

Anh bảo, chính những ngày làm kinh doanh đã dạy cho anh sự khéo léo và cách quan tâm đến người khác nhiều hơn. “Chứ ngày xưa suốt ngày nhốt mình trong bốn bức tường, từ sáng đến tối chỉ biết đấm đá. Nói đến chuyện khác ngoài karatedo là lơ ngơ ngay”.

Có lẽ cũng vì chẳng biết gì ngoài karatedo, nên mãi đến 34 tuổi chàng võ sĩ mới lấy được vợ. Anh thú thật: “Tính tôi không màu mè, hoa lá nên yêu đương cũng “khô” theo. Cũng may cô ấy chơi cùng nhóm bạn thân của tôi, hiểu nhau rồi nên quá trình “cưa cẩm” cũng rút ngắn lại”. Yêu nhau hơn một năm rồi cưới, đến giờ đã có một cậu nhóc 7 tuổi và cô nhóc 5 tuổi, hành động lãng mạn nhất mà cựu võ sĩ dành cho vợ chỉ là những bó hoa tươi vào các dịp lễ. “Nhưng cũng có khi công việc bận bịu quá nên quên mất. Khi ấy vợ chỉ giả bộ nói bâng quơ: “Không biết hôm nay ngày gì mà ngoài đường nhiều hoa thế nhỉ”. Chồng nghe thấy, là tự giác rẽ vào hàng hoa thôi”.

 Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 32: Nói thật là tôi rất “khô”
Trần Văn Thông và con gái - Ảnh: Tịnh Tâm

Trần Văn Thông bảo vợ anh luôn “độ lượng” cho sự “không lãng mạn” của chồng. Có lẽ cũng bởi vì chàng võ sĩ chẳng bao giờ nề hà chuyện nấu cơm, nhặt rau, quét nhà giúp vợ, dù điểm nội trợ của anh chỉ ở mức trung bình khá. Khi ở trên sàn đấu ra đòn sấm sét là thế, nhưng về nhà với con, cựu võ sĩ lại đóng vai “hiền” còn vợ anh trong vai “nghiêm”. Hai nhóc nhà anh, đặc biệt là cô út Thanh Ngân lúc nào cũng quấn bố không rời. Suốt buổi trò chuyện cùng anh, cô bé lúc thì hí hoáy với giấy và bút chì, lúc thì ngoan ngoãn chui vào lòng bố khi anh âu yếm buộc lại cho con gái bím tóc vừa bị tuột. 

Võ sĩ làm vệ sĩ...

 

Võ sĩ karatedo Trần Văn Thông sinh năm 1971, tại Hà Nội. 10 năm liền vô địch karatedo toàn quốc. HCV SEA Games 17 (1993), HCB ASIAD 1994 tại Hiroshima (Nhật Bản), HCV SEA Games 19 tại Jakarta, Indonesia (1997), HCV vô địch châu Á 1999. Anh là một trong số ít vận động viên thuộc thế hệ vàng của karatedo Việt Nam. Đặc biệt tấm HCV tại SEA Games 17 đã trở thành cột mốc cất cánh cho karatedo Việt Nam khi quay trở lại hòa nhập với đấu trường quốc tế.

Trai Hà Nội, nhưng Trần Văn Thông với vóc dáng gầy gầy và làn da ngăm đen nom chân chất trai quê hơn. Ấy vậy mà anh “trai quê” ấy cách đây hơn 10 năm đã từng là “con đại bàng” dũng mãnh của karatedo Việt Nam. Và giờ dù chẳng đeo kính đen, vận áo cổ cồn nhang nhác như hình tượng của những “Sherlock Holmes” thời hiện đại, Trần Văn Thông vẫn đang điều hành “ngon ơ” Công ty cổ phần dịch vụ Cộng lực Bắc Nam, chuyên về lĩnh vực bảo vệ, vệ sĩ... mà anh và một số người bạn chung tay lập nên từ năm 2005.

Công ty của anh là “đại bản doanh” của nhiều võ sĩ đã từng thi đấu trong đội tuyển quốc gia, Hà Nội. Có vận động viên vẫn đang thi đấu, nhưng hết mùa giải chưa phải tập trung tập luyện, anh lại gọi anh em về làm cùng để có thêm chút thu nhập. Khách hàng của anh chủ yếu là các bậc phụ huynh thuê người giám sát những “cậu ấm, cô chiêu” sớm học đòi hư hỏng. Trần Văn Thông đùa công việc của anh là “biến những đứa trẻ hư nhiều thành hư ít, hư ít thành không hư”.

Dù đã tính toán rất kỹ để khả năng thất bại nếu có cũng chỉ là 0,1%, và thất bại cũng không ảnh hưởng gì đến gia đình, nhưng “trước giờ tay chỉ quen đeo găng, giờ chuyển sang cầm bút ký cũng nhiều bỡ ngỡ lắm”. Ngày ấy, Trần Văn Thông và những người bạn cùng làm thậm chí còn phải đi học… gõ máy tính và lang thang ở các nhà sách tìm mua sách kinh doanh về nghiền ngẫm. Số vốn tích cóp, vay mượn bạn bè chỉ đủ thuê căn phòng nhỏ ở 26 Yên Phụ, mua máy tính, bàn ghế xong là hết. Anh em ngày hai bữa về ăn cơm nhà và lăn lộn đi làm để mong hoàn vốn chứ chưa dám tính đến lãi.

Cựu võ sĩ bảo karatedo cũng giúp anh nhiều trong việc làm vệ sĩ, “thám tử”, đặc biệt là ở khả năng suy đoán, sức chịu đựng cao. Với công việc này, vất vả là điều đương nhiên, nhiều khi đối tượng vui chơi, tiệc tùng trong nhà, những “thám tử” phải gặm bánh mì, dầm sương ngoài đường. Hay đơn giản như việc theo dõi đối tượng trên đường, họ vượt đèn đỏ thì không sao, đến lượt mình thì bị công an giữ lại. Hồi đầu, các anh tập luyện bằng cách ra đường, chỉ vào bất kỳ người nào trên phố và yêu cầu anh em trong đội tiến hành theo dõi. Làm giám đốc, nhưng khi có việc võ sĩ Trần Văn Thông vẫn đi đêm về hôm, ăn bờ ngủ bụi cùng với anh em.

Đến giờ, theo như cách nói của Trần Văn Thông, anh em trong công ty đã tự “nuôi” nhau được rồi. Nhưng điều lớn nhất mà anh học được từ công việc này chính là cách giáo dục con cái. Hai nhóc nhà anh tuy chiều chuộng đấy, nhưng bố nghiêm mặt nhắc một câu là ngoan ngoãn nghe lời ngay.

Trò chuyện với anh về cuộc sống, nhưng cuối cùng câu chuyện vẫn trở về với karatedo. Trần Văn Thông bảo giờ trong miệng anh có đến 5 cái răng giả, thay thế cho 5 chiếc răng thật đã rơi lại đâu đó trên các đấu trường quốc tế lớn, nhỏ. Còn việc trật khớp gối, khớp cổ chân đối với anh như cơm bữa. Mẹ anh hồi ấy xót con lắm. Cứ mỗi lần về thăm mẹ, mà thấy anh sùm sụp cái mũ rơm là biết ngay mặt mũi lại bầm tím. Cũng như các đồng đội của anh hồi ấy, mọi thứ chỉ xoay quanh sàn đấu, bỡ ngỡ với cuộc sống bên ngoài và với cả vật chất. Giày bata, túi cói, quần áo vải bao tải là thứ “xịn” nhất của vận động viên lúc bấy giờ. Có lần đi thi đấu nước ngoài, các anh được cấp giày Adidas mà cứ phải đi lại mãi trước khi lên sàn đấu vì không quen chân.

“Khổ nhưng vui lắm”, mỗi lần kể xong một cái “khổ”, Trần Văn Thông lại “chốt hạ” một câu như thế. Trong phòng trưng bày của Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia 3, anh vẫn còn giữ lại bộ quần áo võ sĩ từ khi anh 15 tuổi,  tập ở võ đường Đống Đa. Chẳng hiếm lần anh bần thần đứng trước chiếc áo đó và nhớ nghề, nhớ nghiệp.

Tịnh Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.