Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 38: Người đào tạo ra “nữ hoàng”

19/03/2013 00:25 GMT+7

Nghỉ thi đấu đã mười mấy năm nhưng “chất” điền kinh của Nguyễn Đình Minh vẫn rõ mồn một.

Nghỉ thi đấu đã mười mấy năm nhưng “chất” điền kinh của Nguyễn Đình Minh vẫn rõ mồn một. 

>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 37: Tay cờ tướng, tay cờ vua

Thầy giỏi, trò hay

Thuộc hàng U.50, trông anh vẫn thế, không phát tướng, rắn rỏi, da ngăm đen. Hẹn với Minh, địa điểm luôn là SVĐ Thống Nhất. Có lẽ anh là một trong những gương mặt gắn bó nhiều nhất với nơi này. Từ thuở còn xỏ giày tung những bước chạy thần tốc đến bây giờ chuyên tâm huấn luyện cho “nữ hoàng điền kinh” Vũ Thị Hương, anh ra vào sân Thống Nhất chí ít cũng trên hai chục năm. Giai đoạn 1986-1994, anh gần như độc chiếm ngôi quán quân cự ly 100 m ở VN. Sau đó, dù ngấp nghé tuổi 30, anh vẫn trụ thêm hơn 5 năm và chỉ chính thức chuyển sang huấn luyện vào năm 2000. Năm 2001 anh được giao phụ trách đội tuyển trẻ quốc gia. Từ năm 2003, anh chuyển sang huấn luyện tổ cự ly ngắn của đội tuyển quốc gia. Ngoài công tác huấn luyện, Đình Minh từng thử sức với việc quản lý khi được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm CLB điền kinh TP.HCM vào năm 2006. Nhưng đến năm 2009, anh xin nghỉ để tập trung vào việc huấn luyện vì “ôm nhiều việc quá, sợ không làm gì cho ra hồn”.

 Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 38: Người đào tạo ra “nữ hoàng”
Thầy trò Nguyễn Đình Minh - Vũ Thị Hương - Ảnh: Lan Chi

Sự nghiệp làm HLV của Nguyễn Đình Minh “ngon lành” không kém thời còn thi đấu. Ai cũng biết, Vũ Thị Hương là “học trò ruột” của anh. Tại ASIAD 2010, Hương làm nức lòng giới hâm mộ thể thao VN khi cùng lúc giành HCĐ cự ly 100 m và HCB cự ly 200 m. Vừa nghe tôi nhắc đến kỳ tích này, Minh lắc đầu nguầy nguậy, nói ngay: “Tôi may mắn gặp được học trò như Hương, vừa có năng khiếu thể thao, độ “lì” lúc tập luyện và tâm lý vững khi thi đấu. Nói cho đúng, HLV giỏi, một phần cũng nhờ VĐV giỏi. Chừng nào chính tay tôi đào tạo được một Vũ Thị Hương thứ hai hẵng nói”. Vốn thẳng tính, anh không ngại “va chạm” khi bày tỏ quan điểm với cấp trên và cũng không chịu để ai “ca” mình quá lời. Lần Vũ Thị Hương bị chấn thương nặng trong đợt tập huấn, thi đấu ở Đức vào tháng 6.2011 để chuẩn bị cho Olympic London, Minh ngay lập tức nhận trách nhiệm về mình.

 

Nguyễn Đình Minh sinh năm 1966, liên tục vô địch VN từ năm 1986-1994 và giữ kỷ lục quốc gia cự ly 100 m nam với thành tích 10”5 trong nhiều năm liền. Về huấn luyện, học trò của anh là Vũ Thị Hương đã lập kỳ tích HCĐ 100 m và HCB 200 m tại ASIAD 2010.

Theo sát việc tập luyện của học trò, Nguyễn Đình Minh nhận định: “Một số người nói ở tuổi 27, sự nghiệp thi đấu của Hương bắt đầu đi xuống. Nhưng cá nhân tôi cho rằng Hương vẫn còn có thể phát triển về thành tích khi được học với thầy giỏi hơn. Nếu được chuyên gia nước ngoài kèm, Hương hoàn toàn có thể chạy dưới 11”3. Trên thế giới, độ tuổi 23-28 mới là giai đoạn VĐV thi đấu tốt nhất vì hoàn thiện thể lực và dày dạn kinh nghiệm”. Để dễ so sánh, tại ASIAD 2010, Vũ Thị Hương đoạt HCĐ với 11”43, còn VĐV người Nhật giành ngôi vô địch với thành tích 11”33. 

Tầm sư học đạo

Vừa mong Hương được học với thầy giỏi hơn, Minh vừa nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn. Về những gì đạt được khi làm HLV, anh vẫn cho rằng mình “rất may mắn” khi được thọ giáo nhiều “danh sư”. Thời còn là VĐV, để giao tiếp trong những chuyến thi đấu ở xứ người, Minh dành nhiều thời gian để học ngoại ngữ. Nhờ đó, anh thường được chọn làm trợ lý cho chuyên gia nước ngoài hoặc phiên dịch trong những khóa tập huấn HLV do Ủy ban Olympic quốc tế tổ chức tại VN. Anh cần mẫn tích cóp, chắt lọc lại những kiến thức đã được học để áp dụng vào huấn luyện. Hiện Minh có 3 thầy ngoại quốc để thường xuyên trao đổi qua thư điện tử, trong đó 2 người về điền kinh và 1 người là chuyên gia vật lý trị liệu.

Minh chia sẻ: “Hễ có dịp đưa học trò đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài là thấy ngay, người ta có cả “công nghệ” về thể thao, còn mình chỉ làm một cách “thủ công”. Khoa học kỹ thuật được họ áp dụng tối đa trong huấn luyện, thi đấu, từ chuyện dinh dưỡng đến phục hồi thể lực... Tất cả đều rất bài bản, chuyên nghiệp. Sự tiến bộ, “điểm rơi phong độ” của VĐV được tính toán rõ ràng qua những thông số cụ thể trong lúc tập luyện, chứ không “hên xui”. Trong khi đó, điền kinh VN cũng được quan tâm đầu tư trong những năm qua, nhưng vì hay “đốt giai đoạn” nên VĐV nhanh chóng tới ngưỡng và không thể tiến bộ hơn được”. Theo anh, việc đào tạo VĐV là chuyện đường dài, thời gian đầu nên tập trung xây dựng nền tảng căn bản cho thật vững. Trong ngày một ngày hai, có thể các em chưa đoạt huy chương nhưng đảm bảo sẽ tiến bộ không ngừng để phát huy tối đa khả năng trong một thời gian dài.

Bên cạnh đó, Minh còn chú ý rèn tính chuyên nghiệp cho học trò vì “nhiều VĐV khoác áo đội tuyển quốc gia, giành thành tích quốc tế mà rất nghiệp dư về mặt nhận thức”. Với anh, chuyên nghiệp là “ăn gì cũng phải nghĩ xem có tốt cho sức khỏe hay không, đi chơi vui đến mấy cũng nhớ về ngủ sớm để phục hồi thể lực” mà không cần HLV kè kè theo dõi. Chính vì vậy, với Vũ Thị Hương, anh khá thoải mái trong việc huấn luyện, miễn sao cô học trò đảm bảo “chơi tới nơi, tập luyện tới chốn”.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Vũ Thị Hương trở lại
>> Không dễ cho Vũ Thị Hương
>> Vũ Thị Hương: đường đua, cuộc đời...
>> VĐV điền kinh Vũ Thị Hương: Đi bằng cửa chính
>> Vũ Thị Hương: Nỗi lo trước Grand Prix

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.