Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 44: Nhà vô địch và cây vợt gỗ

25/03/2013 03:50 GMT+7

Xuất thân từ vùng đất Bạc Liêu nhiều khó khăn, chỉ sau 4 năm tập luyện môn quần vợt, Lâm Thiện Thanh đã 2 lần trở thành nhà vô địch Việt Nam.

Xuất thân từ vùng đất Bạc Liêu nhiều khó khăn, chỉ sau 4 năm tập luyện môn quần vợt, Lâm Thiện Thanh đã 2 lần trở thành nhà vô địch Việt Nam.  

>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 43: Đếm ngày được làm mẹ

Học lóm

Lâm Thiện Thanh đến với quần vợt khá muộn, sau khi chơi bóng bàn và bóng đá từ nhỏ. Phải đến năm 15 tuổi, anh mới chơi quần vợt và bắt đầu bằng cây vợt gỗ do mình tự chế. Chỉ 3 tháng sau, “Cu đen” (biệt danh của Lâm Thiện Thanh) đã lên ngôi vô địch ở giải trẻ toàn quốc. Năm 19 tuổi (1989), anh có được chức vô địch Việt Nam đầu tiên giữa rất nhiều anh tài thời đó. Năm 1991, Lâm Thiện Thanh lần nữa lên ngôi vô địch sau khi thắng đàn anh Nguyễn Phú Khương trong trận chung kết.

Thời đó quần vợt Việt Nam có nhiều tài năng như Nguyễn Anh Dũng, Phạm Văn Bảy, Nguyễn Hữu Hòa, Văn Giỏi, Trà Tấn Kiệt, Trương Quốc Hùng, Vũ Thanh Tùng… nên việc một tay vợt chưa đầy 20 tuổi như Thanh bất ngờ chiến thắng được coi là kỳ tích. Thanh kể: “Hồi đó tôi đâu có tiền để đăng ký học thầy và sắm sửa dụng cụ thi đấu. Tôi cũng không được tập cơ bản từ nhỏ, nên khi đến với bộ môn này chỉ xem và học “lóm” những cái hay của các tay vợt đàn anh khác để tập luyện cho riêng mình. Tôi tự mày mò chế cây vợt chủ yếu đánh giải trẻ cho vui. Sau lần VĐQG, tôi được gọi vào đội tuyển Việt Nam để tham gia SEA Games 16 và Davis Cup ở thời kỳ đầu tiên môn quần vợt gia nhập trở lại với đấu trường quốc tế”.

Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 44: Nhà vô địch và cây vợt gỗ
 Lâm Thiện Thanh và vợ con trong ngôi nhà của mình - Ảnh: M.T

Nhắc lại chuyện SEA Games 16 trên đất Philippines, Thanh vẫn còn tiếc nuối: “Ban đầu mọi người cứ nghĩ giải sẽ thi đấu trên mặt sân cứng quen thuộc, nào dè sang Manila mới biết Philippines sắp xếp thi đấu trên sân đất nện. Giới quần vợt Việt Nam và bản thân tôi có bao giờ chơi trên sân này đâu nên rất bỡ ngỡ. Dù vậy tôi cũng vượt qua được trận đầu 6/1, 6/0 nhưng sau đó buộc phải thúc thủ ở trận 2 với tỷ số 4/6, 4/6 và bị loại. Giá mà lúc đó đừng có chuyện thay đổi mặt sân thì có lẽ tôi cũng vào đến bán kết”. 

Mua nhà bằng dạy tennis

 

Lâm Thiện Thanh sinh năm 1970, vô địch quốc gia năm 1989 và 1991, vô địch giải trẻ trong 3 năm liền: 1986 - 1987 - 1988, vô địch đội nam vào các năm: 1987 và 1992, vô địch đồng đội 3 năm liên tiếp 1991 - 1992 - 1993. Tay vợt Việt Nam đầu tiên dự SEA Games sau năm 1975.

Với một người đầy máu thể thao như Thanh, Bạc Liêu chưa thể là nơi có thể vùng vẫy được. Năm 1995, Thanh chuyển hẳn lên Sài Gòn, gia nhập phong trào quần vợt đỉnh cao của TP.HCM. Khi bắt đầu cuộc sống ở nơi đây, anh được một người quen là bác sĩ Hưởng cho ở nhờ để vừa tập vừa đi dạy quần vợt kiếm sống. Đến năm 1998, anh lập gia đình và được người cô vợ cho mượn tiền mua ngôi nhà trong hẻm tại đường Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM). Hằng tháng anh phải trả cho người cô này 1 cây vàng. Chỉ sau vài năm anh đã trả hết được món nợ bằng mồ hôi và công sức trên sân quần vợt - điều mà không phải ai cũng có thể làm được. Anh cho biết: “Do phong trào quần vợt thời đó bắt đầu phát triển khá mạnh, nên mình đi dạy banh cũng có thể kiếm được thu nhập để trả nợ tiền mua nhà. Nhưng nhờ mình dạy đàng hoàng và giá cũng khá rẻ nên được mọi người đến học khá nhiều”. Tuy chưa là huấn luyện viên của một đội tuyển nào, nhưng Lâm Thiện Thanh từng được các tay vợt chuyên nghiệp như Đặng Hồng Anh, Ngô Quang Huy hay Thùy Dung mời huấn luyện riêng cho mình.

Hiện tại, bên cạnh thầu một sân ở 85 Thăng Long (Q.Tân Bình, TP.HCM) làm nơi “đóng đô” dạy banh, Lâm Thiện Thanh còn đi dạy khoảng 8 tiếng mỗi ngày ở các sân tại TP.HCM. Với thu nhập khá ổn định hiện nay, Thanh đang có ý định mở lớp đào tạo dành cho các em nhỏ vào mùa hè này tại CLB của mình với giá rất rẻ. “Đây là điều mình mơ ước đã lâu. Giờ đây khi có được sân riêng của mình, tôi đang bắt đầu thực hiện ước mơ đó”.

Với những thành công hiện tại, anh tâm sự đó chính nhờ vào hậu phương vững chắc của mình. Vợ anh trước đây là kế toán của một công ty. Sau khi sinh em bé thứ hai, chị hy sinh công việc để ở nhà chăm sóc gia đình, đưa đón con cái đi học cho anh an tâm đi dạy. Thanh hiện có 2 con đều học rất giỏi. Con gái lớn của anh đang học lớp 7 Trường Lê Quý Đôn, 7 năm đều là học sinh giỏi. Con trai út mới vào lớp 1 nhưng đã có “gien” thể thao của ba, nên những lúc rảnh rỗi anh thường đưa cu cậu ra sân để tập chơi quần vợt.

Nói về các đàn em quần vợt chuyên nghiệp của Việt Nam hiện nay, Thanh cho biết: “Các giải quần vợt đỉnh cao hiện tổ chức khá nhàm chán. Hệ thống thi đấu giải không kích thích được tài năng, tiền thưởng cũng thấp và chưa có sự quan tâm đúng mức đến phong trào, vì vậy chưa bật lên được. Bao năm qua quanh đi quẩn lại chỉ có vài tay vợt. Những Nguyễn Hoàng Thiên hay Lý Hoàng Nam nếu chỉ loay hoay ở Việt Nam mà không có bệ phóng hữu hiệu thì chắc chắn cũng đi vào vết xe đổ của những đàn anh trước đây”.

Minh Tân

>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 43: Đếm ngày được làm mẹ
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 42: Người thay đổi số phận cả gia đình
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 41: Hoa hồng giữa đồng cỏ dại
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 40: Khi lực sĩ cử tạ làm trang trại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.