Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 64: Món quà vô giá của nhà vô địch

14/04/2013 03:17 GMT+7

VĐV-HLV bộ môn kumite-karatedo Lê Tùng Dương luôn hạnh phúc ra mặt khi nhắc đến hai cậu con trai, món quà mà thể thao ban tặng cho cuộc đời anh.

VĐV-HLV bộ môn kumite-karatedo Lê Tùng Dương luôn hạnh phúc ra mặt khi nhắc đến hai cậu con trai, món quà mà thể thao ban tặng cho cuộc đời anh.

Tên con gắn với SEA Games

Đó là Toàn Thắng, 10 tuổi và Trung Hiếu 6 tuổi. Thắng sinh trước SEA Games 22 tại VN đúng 3 tháng, cả nhà “bất phân thắng bại” trong việc tranh nhau đặt tên cho quý tử. Dương nghĩ ngay đến SEA Games trước mặt khi anh và các thành viên trong ban huấn luyện đang sốt sắng tập luyện cho các VĐV bộ môn kumite. Anh quyết định tên con là Toàn Thắng - ước mơ về một kỳ thi đấu đầy vàng. Và đúng là đội tuyển toàn thắng thật, karatedo VN dẫn đầu bảng thành tích toàn đoàn, vượt chỉ tiêu tại SEA Games 22 (dự tính sẽ có 5 HCV kumite và 1 HCV kata, nhưng đã giành 8 HCV kumite và 4 HCV kata).

Cậu út Trung Hiếu lại là món quà cho gia đình Dương trước SEA Games 24 tại Thái Lan (năm 2007). Dương bảo các VĐV thành tích đầy mình rồi, nhưng phải giữ đúng bổn phận và trách nhiệm với gia đình, Tổ quốc. Cái tên... đậm chất cách mạng ấy ra đời, hiển nhiên không ai trong nhà ghen tỵ vì Dương cả 2 lần đều được đặt tên cho con. Trùng hợp là 3 bố con Dương sinh cùng tháng 9, cách nhau đều đặn 3 ngày, sinh nhật nào cả nhà cũng thổi nến chung vào một buổi. Vợ Dương là giáo viên, hai con trai Dương may mắn lớn lên trong môi trường gia đình “văn võ song toàn”. Cả hai rất ngoan, đặc biệt cậu cả. Cháu mê say bóng đá, bơi lội, đang học lớp 5 nhưng rất xuất sắc ở lớp karatedo của bố. Cậu út mới vào lớp 1, chưa bộc lộ thiên hướng thể thao, nhưng nhìn ngoại hình và tính cách cả nhà trêu “lại có duyên với nghề của bố”.

Dương xem các con như những người bạn. Anh trò chuyện, ôm ấp, vỗ về khi các con muốn sẻ chia nỗi buồn, niềm vui. Dương dạy các con bằng những bài học anh đang dạy cho học trò bộ môn kumite trong karatedo, phải tự lập, kiên trì bền bỉ với mục tiêu đề ra. Cũng như các VĐV của các bộ môn thể thao đối kháng khác, khi lên sàn đấu, ngoài kỹ chiến thuật, quan trọng nhất cái tâm cần trong sáng để vượt qua chính mình chứ không phải vượt qua đối thủ!

Đừng quá lo lắng về huy chương       

Có một kỷ niệm không bao giờ quên diễn ra trước kỳ SEA Games 23 tại Philippines năm 2005. Lễ kết nạp Đảng tổ chức tại chính hội trường khách sạn giữa thủ đô Manila. Hơn 10 HLV và VĐV vinh dự được xướng tên trong danh sách những đảng viên mới ngày hôm đó, trong đó có Lê Tùng Dương. Đó là sự động viên tinh thần cho Dương cùng các HLV, không bao giờ được nhụt chí trên con đường chinh phục đỉnh cao. Dù lắm lúc, con đường ấy tưởng chừng bị cắt đứt.

Dương đến với kumite-karatedo từ năm 1986, năm anh vừa tròn 15 tuổi. Cậu học trò nhà nghèo tạm quên đi những bữa cơm đói, những đợt rét thiếu thốn áo quần thời bao cấp, tìm thấy niềm mê say trong karatedo. Trong suốt 4 năm từ 1986-1990, Dương tham gia các giải phong trào của Hà Nội và lọt vào mắt xanh của HLV Phạm Quốc Trọng, hiện vẫn là một người thầy - một đồng nghiệp đáng kính của Dương. Năm 1992, Dương vào đội tuyển nhưng cũng bất ngờ năm ấy bố Dương mất. Đến năm 1993, ngay trước SEA Games, em trai Dương cũng qua đời vì bạo bệnh. Những mất mát lớn lao liên tiếp đổ ập xuống Dương. Nghĩ đến mẹ và chị gái, những người ngày đêm ủng hộ Dương và mong con trai sẽ làm rạng danh dòng họ, Dương nuốt nước mắt vào trong, quyết tâm theo đuổi karatedo đến cùng. Hết SEA Games, Dương mang về cho mẹ tấm HCĐ, lúc ấy bao nhiêu nước mắt mới tuôn trào...

Năm 1999, Dương tạm biệt cuộc đời VĐV bằng một cái kết ngọt ngào, HCB giải vô địch karatedo châu Á. 29 tuổi, anh bắt đầu một sự nghiệp khác, làm HLV cho đội tuyển quốc gia, song song đó anh làm HLV tại Sở TDTT Hà Nội. “Làm HLV phức tạp hơn VĐV nhiều”, Dương bảo. Nhưng anh được học trò quý từ chính những câu chuyện trong quãng thời gian Dương là học trò, nửa ngày đi học văn hóa, nửa ngày đạp xe đến các trung tâm thể thao tự học karatedo được Dương kể lại. Nhiều học trò vuột mất HCV, chạy đến ôm thầy Dương khóc nức nở. Dương kể ASIAD 1998 tại Thái Lan, anh cũng khóc khi chỉ mang về tấm HCĐ, cảm giác mình thất bại thực sự. Sau này anh nhận ra, khi tập luyện cũng như khi lên sàn đấu, hãy bỏ đi cảm giác lo lắng về huy chương, thay vào đó hãy đấu hết mình. Thua thắng còn là cơ duyên, nhưng tinh thần chiến đấu lúc nào cũng phải là số 1.

Võ sĩ kumite ở hạng cân 55 kg sở trường ngày nào bây giờ đã phát tướng thành một ông thầy gần 70 kg, nhưng với Dương, hạnh phúc của anh “vẫn vẹn nguyên”. Điều đó là hiển nhiên khi anh có 1 vợ đảm, 2 con trai ngoan, hàng trăm học trò yêu, những món quà vô giá mà không phải ai cũng may mắn có.

Lê Tùng Dương sinh năm 1971 tại Hà Nội, HCV vô địch karatedo toàn quốc năm 1991, HCĐ SEA Games 17 (năm 1993), HCĐ ASIAD 1998, HCB vô địch karatedo châu Á 1999, được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba năm 2007.

Thúy Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.