Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 70: Vượt lên nghịch cảnh

20/04/2013 03:50 GMT+7

Ở tuổi 32, gần như không còn VĐV nào cùng lứa với Nguyễn Thị Thu Cúc (Cần Thơ) còn thi đấu. Vậy mà mỗi ngày, “Nữ hoàng” của 7 môn phối hợp vẫn đang miệt mài tập luyện bất chấp cuộc sống vẫn đầy rẫy khó khăn.

Ở tuổi 32, gần như không còn VĐV nào cùng lứa với Nguyễn Thị Thu Cúc (Cần Thơ) còn thi đấu. Vậy mà mỗi ngày, “Nữ hoàng” của 7 môn phối hợp vẫn đang miệt mài tập luyện bất chấp cuộc sống vẫn đầy rẫy khó khăn. 

>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 69: “Lá chắn thép” mê nuôi chim
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 68: Sống với đam mê
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 66: “Chồng của tôi lười lắm”

Gừng càng già càng cay

Năm 1996, tại giải điền kinh năng khiếu cấp tỉnh, các HLV của Cần Thơ đã hết sức bất ngờ khi chứng kiến một VĐV phong trào, dáng người nhỏ bé vượt qua tất cả VĐV năng khiếu đã tập luyện mấy năm trước đó để giành 2 HCV ở nội dung nhảy cao và chạy 500 m. Cả BTC năm ấy đều mừng rỡ bởi họ biết rằng đó chắc chắn là “viên ngọc quý” của thể thao tỉnh nhà. Và, “viên ngọc quý” ấy chính là cô bé 15 tuổi Nguyễn Thị Thu Cúc. Sau màn ra mắt “gây sốc” đó, Thu Cúc đã được gọi ngay vào đội trẻ rồi đôn lên đội tuyển điền kinh tỉnh Cần Thơ (cũ) và chỉ trong thời gian ngắn sau đó đã lên tuyển QG.

 Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 70: Vượt lên nghịch cảnh
Thu Cúc (giữa) cùng các đàn em trong đội tuyển điền kinh Cần Thơ - Ảnh: Đ.Tuyển

Bước ngoặt đưa Cúc trở thành VĐV 7 môn phối hợp là do cô quá toàn năng. Các HLV nhìn thấy tố chất khỏe khoắn cộng với sự đam mê tập luyện nên hướng cho cô tập luyện 7 môn phối hợp dù ở nội dung này, so với các VĐV trong khu vực, Cúc thua thiệt đủ đường. Biết mình còn nhiều điểm yếu, Cúc đã không nản chí, mỗi ngày, cô dậy sớm và tự tập trước hơn 1 tiếng so với giờ tập quy định để tự hoàn thiện mình. Thu Cúc chia sẻ: “Tập 1 nội dung cá nhân đã vất vả, ở 7 môn phối hợp tập luyện lại càng khổ cực hơn, nó đòi hỏi phải nhanh, mạnh, bền, kỹ thuật và ý chí nghị lực. Mỗi ngày phải tập 3 - 4 nội dung, còn khi thi đấu lại đều mất 2 ngày liền”. Những cố gắng của Thu Cúc đã được đền đáp xứng đáng khi cô đem nhiều thành tích về cho đất nước, nổi bật là 2 chiếc HCV SEA Games liên tiếp năm 2003 và 2005.

Lẽ ra Cúc đã có thể lùi về phía sau để huấn luyện đàn em như ước mơ cô từng ấp ủ, nhưng đến năm 2009 cô lại được động viên tham dự Indoor Games và mới năm ngoái Cúc lại phải xuất trận tại giải điền kinh VĐQG. Cúc tâm sự: “Thật tình tôi đã muốn dừng lại vì không ai có thể đi ngược thời gian, nhất là khi tuổi thọ của VĐV thể thao chỉ trong vòng trên dưới chục năm. Nhưng khổ nỗi tìm ra một VĐV đủ điều kiện và động viên chơi 7 môn phối hợp không phải dễ dàng. Thế là ở tuổi 32 tôi lại phải cày ải để giành HCV một lần nữa”. 

 

Nguyễn Thị Thu Cúc sinh năm 1981, 9 lần đoạt HCV tại giải điền kinh vô địch quốc gia ở nội dung 7 môn phối hợp (chạy, nhảy cao, đẩy tạ, ném lao...), 2 HCV SEA Games 2001, 2003, 1 HCĐ Asian Indoor Games 2009.

Hạnh phúc từ gian khó

Nhìn bộ sưu tập thành tích của Thu Cúc, ai cũng thán phục tài năng và ý chí của cô. Thế nhưng sau những thành công ấy, ít ai biết rằng Cúc đã phải cố gắng rất nhiều để đứng vững trước một cuộc sống đầy khó khăn. Thậm chí để giữ cho mình ngọn lửa đam mê với nghề, cô đã phải hy sinh, đánh đổi bằng chính hạnh phúc của mình.

Lập gia đình năm 2007 nhưng đến 2009 vợ chồng Thu Cúc chia tay, một phần của sự đổ vỡ xuất phát từ chính công việc của cô. “Tôi thì tập trung đội tuyển ở Hà Nội, chồng lại làm tận Phú Quốc nên cả năm có khi chỉ gặp nhau 1-2 lần. Mà bên chồng lúc ấy muốn tôi phải sinh con. Trong khi tôi vẫn muốn tập trung cho thi đấu. Dần dần mâu thuẫn xảy ra, không giải quyết được nên đành chia tay” - Thu Cúc tâm sự.

Hạnh phúc vừa đổ vỡ, gia đình cô lại lâm cảnh khốn khó khi người em gái làm ăn thua lỗ hàng trăm triệu đồng rồi lại đột ngột qua đời bỏ lại con gái mới 2 tuổi và khoản nợ cho gia đình. “Bỗng nhiên lâm cảnh nợ nần. Mẹ thì bệnh nặng, cha lái sà lan làm ở xa cả tháng mới về một lần nên bao gánh nặng dồn hết lên vai mình. Tôi đã từng muốn buông tay nhưng rồi lại nuốt nước mắt đứng dậy” - Cúc kể.

Để gồng gánh gia đình, sáng nào Cúc cũng phải thức sớm từ 4 giờ sáng pha cà phê cho mẹ bán ở nhà. 7 giờ chạy đi tập đến trưa lại tranh thủ đi làm thêm ở công ty quảng cáo, đầu giờ chiều làm xong lại chạy xuống sân tự tập một mình. Xoay xở đủ kiểu như vậy nên những khó khăn của gia đình Cúc dần được tháo gỡ. Mới đây, sau 17 năm cống hiến, cô cũng được đặc cách vào biên chế của Trung tâm TDTT TP.Cần Thơ.

Thu Cúc cho biết: “Hiện tại, lãnh đạo ngành cũng đang giúp đỡ để tôi hoàn thành nốt chương trình học trước đây sau đó liên thông lên đại học. Dù không ai gây áp lực nhưng tôi đã hứa sẽ cố gắng trau dồi rồi chuyển sang làm công tác huấn luyện để tiếp tục đóng góp cho thể thao Cần Thơ”.

Khi chúng tôi hỏi đến chuyện lập gia đình, Cúc cho biết hiện tại chưa nghĩ tới.

Cô vui vẻ khoe: “Niềm vui của tôi bây giờ là tập luyện, tối thì về với mẹ và đứa cháu gái bé bỏng mẹ nó mất bỏ lại. Mình đang làm thủ tục để xin làm mẹ của cháu. Bé 4 tuổi đang học ở nhà văn hóa, nó rất ngoan và dễ thương”. 

Đình Tuyển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.