Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 77: Đứng lên từ nỗi đau

27/04/2013 00:40 GMT+7

Khi nhắc đến những chân sút hàng đầu của bóng đá VN, giới hâm mộ thường nhắc nhiều đến Trần Minh Chiến, dù năm 21 tuổi anh đã phải giã từ sân cỏ.

Khi nhắc đến những chân sút hàng đầu của bóng đá VN, giới hâm mộ thường nhắc nhiều đến Trần Minh Chiến, dù năm 21 tuổi anh đã phải giã từ sân cỏ. 

>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 76: Tình yêu qua mạng
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 75: Tiền đạo cảnh sát giao thông
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 74: Chuyện tình duyên khó nói lắm

Bàn thắng để đời

SEA Games 18 năm 1995, Trần Minh Chiến khiến hàng triệu người hâm mộ bóng đá VN vỡ òa niềm vui chiến thắng với bàn thắng vàng tung lưới Myanmar ở hiệp phụ đưa tuyển VN vào chung kết. Điều đáng nói hơn, thời điểm đó Chiến bị thương rất nặng ở đầu gối phải. Anh kể lại: “Lúc đó tuyển VN đang bế tắc, HLV trưởng Weigang quay sang tôi hỏi: “Đá được không?”. Cả ông và tôi đều biết tôi khó có thể vào sân thi đấu tốt khi cái đầu gối đang băng kín. Nhưng khi thầy hỏi, tôi cảm thấy có lòng tin từ thầy cũng như khao khát làm điều gì đó để vượt qua bệnh tật nên tôi gật đầu. Không ngờ vừa vào sân đón bóng từ bên phải của Hồng Sơn, tôi hãm ngực và sút căng giúp VN chiến thắng trong trận đấu nghẹt thở”. Với bàn thắng để đời này, báo chí hồi đó ca ngợi Chiến là người hùng đưa bóng đá VN vươn lên tầm cao khu vực. Tuyệt phẩm đó của anh sau này còn được dùng làm hình hiệu cho các chương trình thể thao trên sóng truyền hình cũng như đi vào lòng khán giả cả nước.

 Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 77: Đứng lên từ nỗi đau
Minh Chiến hiện là HLV đào tạo tuyến trẻ - Ảnh: Khả Hòa

Người hâm mộ kỳ vọng Chiến sẽ hồi phục chấn thương bởi ai cũng muốn được tiếp tục xem những cú ra chân thần tốc và điệu nghệ từ chàng trai lãng tử này. Ấy vậy mà Chiến phải nói lời giã từ sân cỏ khi anh mới 21 tuổi. Chấn thương đầu gối phải và bể xương mắt cá chân khiến anh không thể tiếp tục thi đấu. Chiến nói: “Hồi đó còn trẻ nên tôi rất tự tin và cũng có phần phung phí sức khỏe với những cuộc vui bên ngoài, nên khi chấn thương do va chạm bị đứt dây chằng ở trận Công an TP.HCM gặp Sông Bé (cũ), tôi nghĩ không nghiêm trọng nên cứ bó gối rồi ra sân. Nào dè càng thi đấu thì vết thương càng nặng. Lúc đó các đội bóng không có bác sĩ giỏi chuyên môn như bây giờ nên cũng chẳng biết mình bị chấn thương thế nào và phải tập làm sao để hồi phục”.

Không may mắn như đồng đội Lê Huỳnh Đức còn thi đấu đến năm 2004 mới chia tay sân cỏ, Minh Chiến đã không thể góp mặt tiếp tục cho đội tuyển từ sau SEA Games Chiang Mai duy nhất mà anh tham dự này. Đúng ra nếu được chữa trị kịp thời thì Chiến đã có thể cống hiến cho bóng đá VN nhiều hơn. Anh nói: “Khi bị chấn thương trở lại trong một buổi tập cùng đội tuyển để chuẩn bị cho Tiger Cup 1996, tôi đã bật khóc ngon lành vì biết rằng mình sẽ không thể tiếp tục. Nhưng nỗi buồn cũng qua nhanh, bởi trong hoàn cảnh nào mình cũng phải đứng lên để tiếp tục”. 

Sức hút của thầy Chiến

 

Trần Minh Chiến sinh ngày 20.7.1974, giành á quân giải vô địch quốc gia năm 1993 và chức vô địch quốc gia năm 1994 cùng đội Công an TP.HCM, giành danh hiệu vua phá lưới và cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải vô địch quốc gia năm 1994, đoạt HCB SEA Games 18 trong màu áo tuyển VN.

Giã từ sân cỏ năm 1996, đến năm 1997 Trần Minh Chiến trở thành HLV đào tạo các tuyển trẻ cho CLB Công an TP.HCM. Làm thầy khi mới 23 tuổi, Chiến cũng tạo nên kỷ lục HLV trẻ nhất của bóng đá VN thời đó cho đến bây giờ. Nhờ tính tình vui vẻ và có chuyên môn tốt, Chiến được các học trò quý mến. Chính anh đã góp công đào tạo nên những tên tuổi cho bóng đá VN sau này như Nguyễn Việt Thắng, Huỳnh Quang Thanh, Nguyễn Ngọc Thanh...

Nhưng có lẽ thành công nhất với Chiến khi anh trở thành HLV đào tạo trẻ ở lò quỹ đầu tư phát triển bóng đá trẻ VN (gọi tắt là PVF). Cơ duyên này cũng tình cờ khi Chiến lúc đó đã chia tay với Trung tâm thể thao Thành Long và đang tìm việc thì thông qua sự giới thiệu của một người bạn làm phóng viên thể thao, Chiến “bén duyên” với PVF, lúc đó cũng đang bắt đầu tìm thầy để chuẩn bị tuyển sinh rầm rộ và đầu tư có định hướng cho bóng đá trẻ.

Chính nhờ cái tên của Chiến nên mỗi lần nghe anh đi tuyển quân, hầu như các phụ huynh đều muốn gửi gắm con mình cho thầy Chiến đào tạo, bởi phần lớn trong số họ đều xem Chiến như thần tượng. Khác với Học viện Bóng đá HAGL hay Scavi Rocheteau, lò đào tạo PVF ít được biết đến hơn, nhưng lứa cầu thủ mà Minh Chiến cùng các đồng nghiệp như Hữu Đang, Hứa Hiền Vinh, Hà Vương Ngầu Nại, Nguyên Chương, Châu Trí Cường... huấn luyện luôn đạt thành tích tốt ở các giải trẻ VN. Năm 2012, PVF làm mưa làm gió với chức vô địch các lứa tuổi U.10, U.13, U.15. Hiện nay lò đào tạo VPF có 157 học viên, hứa hẹn tạo nên lứa cầu thủ chất lượng tốt cho bóng đá Việt.

Lúc xem đội tuyển U.17 ĐTLA đá giao hữu với U.15 PVF, chuyên gia Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe thốt lên: “Tôi không nghĩ bóng đá VN lại có xuất phát điểm tốt như thế này, bởi vài cầu thủ trẻ PVF có chất lượng tốt hơn các cầu thủ đội tuyển U.17 Thái Lan mà tôi từng được xem ở giải U.17 châu Á”. Nhận xét này quả là sự động viên và khích lệ kịp thời, đồng thời cũng là niềm hạnh phúc giúp Minh Chiến và các cộng sự của anh tiếp tục công việc đào tạo trẻ đã gắn bó suốt thời gian qua.

Hiện nay, ngoài thời gian huấn luyện, Chiến dành thời gian cho gia đình nhỏ của mình với người vợ xinh đẹp và hai nhóc Trần Minh Nguyên Hồng (10 tuổi) và Trần Minh Hạ Vy (6 tuổi) đều rất ngoan và học giỏi.

Quang Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.