Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 82: Từ cầm vợt chuyển qua cầm kéo

02/05/2013 03:50 GMT+7

Làm quen với banh nỉ từ năm 10 tuổi, Trần Thị Kim Lợi đã có đủ các danh hiệu cá nhân và đồng đội. Giờ đây, chị đang chuyển dần qua nghề làm tóc để thỏa niềm đam mê từ nhỏ của mình.

Làm quen với banh nỉ từ năm 10 tuổi, Trần Thị Kim Lợi đã có đủ các danh hiệu cá nhân và đồng đội. Giờ đây, chị đang chuyển dần qua nghề làm tóc để thỏa niềm đam mê từ nhỏ của mình.   

>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 81: Bỏ du học để theo cầu mây
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 80: Chất thép trong đóa hồng
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 79: Xạ thủ có nhiều tài lẻ

Song Kim hợp bích

Trần Thị Kim Lợi là cái tên khá quen thuộc của quần vợt nữ VN. Có giai đoạn cô và Nguyễn Thị Kim Trang tạo nên thế cực mạnh cho quần vợt nữ Khánh Hòa, khiến không địa phương nào bì kịp. Bấy giờ bộ đôi này dưới sự hỗ trợ của HLV Lê Cảnh Thân đã thi đấu rất ăn ý, càng đánh càng hay. Tuy nhỏ tuổi hơn đàn chị Kim Trang nhưng Kim Lợi có những tố chất phát triển tốt và rất chịu khó học hỏi nên được Kim Trang giúp đỡ tạo thành bộ đôi ăn ý. Giới chuyên môn khi đó đã gọi Kim Trang và Kim Lợi là “song Kim hợp bích” . Năm 1996, sau khi đoạt chức vô địch lứa tuổi U.14 nữ toàn quốc, Kim Lợi rời Khánh Hòa vào TP.HCM tham gia đội tuyển rồi có giai đoạn tập luyện và sinh sống ở đây. Cũng trong giai đoạn này, Kim Lợi đứng cặp nhiều lần với Kim Trang giành nhiều chiến tích ở các giải đồng đội và đôi nữ.

 Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 82: Từ cầm vợt chuyển qua cầm kéo
Kim Lợi cắt tóc thành thạo cho khách - Ảnh: Nhựt Quang

Năm 2002, khi đàn chị Kim Trang sang Mỹ du học bằng huấn luyện viên quốc tế, gánh nặng giành thành tích về cho địa phương đặt hết lên vai Kim Lợi. Chị tâm sự: “Khi còn chị Trang tôi không có gì phải lo. Nhưng khi chị ấy đi rồi thì áp lực vô cùng. Không phải tôi ngại những tay vợt nữ còn lại, nhưng thú thật tôi không quen trở thành người nhận trách nhiệm chính. Tính tôi hay làm việc âm thầm, chỉ muốn mình là vai phụ chứ không muốn xông lên làm kép chính. Khi đó tôi vừa đánh vừa run. Thật may mắn là năm đó tại Vũng Tàu, tôi đã cùng đồng đội thực hiện được mục tiêu giành HCV đồng đội Đại hội TDTT toàn quốc giúp Khánh Hòa 3 lần đoạt cúp vĩnh viễn. Ngoài ra tôi còn giành HCV đơn nữ toàn quốc đầu tiên và HCV đôi nữ (đứng cặp với Phương Hạnh)”.  

Hài hòa độ “cứng - mềm”

 

Trần Thị Kim Lợi sinh năm 1983 tại Khánh Hòa, tham gia đội tuyển quốc gia năm 2000, HCV đơn nữ quần vợt VN năm 2002 và 2005, nhiều năm đoạt HCV đôi nữ và đồng đội trong màu áo Khánh Hòa, giành 3 HCĐ đồng đội nữ tại SEA Games 2001, 2003 và 2005.

Sau năm 2005, do bị chấn thương cột sống, Kim Lợi phải giảm dần thi đấu, chuyển qua việc dạy các lớp quần vợt tại một số trung tâm như Câu lạc bộ Lan Anh, Trường đại học RMIT, Nhà văn hóa Thanh niên ở TP.HCM. Hiện chị đang dạy 4 - 5 lớp vào mỗi buổi sáng và  tối.

Dù vẫn yêu quần vợt và xem đó là một trong những phương tiện kiếm sống, nhưng Kim Lợi đã chuyển sang học nghề cắt tóc để thỏa đam mê trước đây của mình. Chị kể: “Khi còn nhỏ tôi đã mê làm đẹp, cắt tóc. Mỗi lần cứ để dành được bao nhiêu tiền là tôi tìm cách “dụ” đứa em họ và bạn bè cùng lứa đi cắt tóc với chỉ một mục đích: được nhìn các anh chị lớn cắt tóc như thế nào. Tôi thấy mái tóc rất có ý nghĩa trong cuộc sống, giống như ông bà đã nói “cái răng cái tóc là gốc con người” nên tôi luôn chú tâm học hỏi cắt tóc sao cho đẹp, phù hợp với vóc dáng và khuôn mặt. Trong suốt thời gian tham gia đội tuyển, nhiều lúc tôi đã năn nỉ được làm tóc cho bạn bè, theo cách riêng mà mình đã được “nhìn, ngắm” trước đây. Dĩ nhiên là không lấy một đồng thù lao nào”.

Bước vào học nghề tóc, mới đầu Kim Lợi tưởng dễ, nhưng sau đó thấy khó thật. Chị nhớ lại: “Suốt 6 tháng học việc đầu tiên, thầy không nói gì nhiều mà chỉ yêu cầu tôi tập trung đứng nhìn. Thầy bảo, ở đây ai cũng rất bận rộn nên cứ đứng nhìn chăm chú thì trước sau cũng “ăn vô đầu”. Là một VĐV, trước đây suốt ngày chạy nhảy trên sân mà bây giờ cứ đứng một chỗ nhìn bằng mắt, chứ đâu được làm bằng tay nên tôi cảm thấy ngứa ngáy rất khó chịu. Mà tay của VĐV (nhất là tay thuận) thì cứng ngơ cứng ngắc, trong lúc làm tóc lại đòi hỏi tay mềm mại, có độ dẻo để luồn vào tóc “như múa” nên tôi cứ phải suốt ngày uốn éo đôi tay để phù hợp với nghề mới”. Lâu lâu, Lợi lại hỏi bạn cùng học: “Nhìn tay tui, bạn thấy đã được chưa” để tự kiểm tra độ “mềm hóa” của mình. Dần dần Kim Lợi cũng tìm ra được lợi thế của mình để phối hợp cho hài hòa, nhờ còn có “độ cứng” nên Lợi lại được biểu dương nhờ biết dùng tông đơ không bị run để cắt tóc cho nam (thợ cắt tóc nữ hay bị run khi cầm tông đơ).

Giờ đây Kim Lợi đã có thể cắt tóc một cách gọn gàng, khéo léo cho cả khách nam lẫn nữ. Chị thổ lộ: “Với nghề cắt tóc, tôi cảm thấy thú vị vì các công việc như cắt, uốn, nhuộm, làm tóc thời trang… tôi đều làm có nét lắm. Nhưng tôi vẫn dành thời gian thích hợp cho quần vợt với hy vọng sẽ có sự bổ sung hài hòa cho nhau”. Ở tuổi 30, Kim Lợi chỉ cười khi đề cập đến chuyện tìm một nửa của mình: “Tôi chưa nhắm gì hết, số mình cứ để trời tính. Với lại tôi định cuối năm nay mở tiệm riêng, nếu “tổ độ” thì biết đâu vừa làm ăn được vừa có duyên mới”. 

 Nhựt Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.