Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 91: “Thể thao đem lại nhiều thứ, nhưng...”

12/05/2013 00:00 GMT+7

Nghỉ thi đấu đã gần 7 năm, Trần Thị Ngọc Bích vẫn đang trăn trở kiếm việc làm phù hợp với mình.

Nghỉ thi đấu đã gần 7 năm, Trần Thị Ngọc Bích vẫn đang trăn trở kiếm việc làm phù hợp với mình.

Vui nhờ thể thao

Có thể trạng rất tốt nên năm 12 tuổi, Ngọc Bích được các thầy ở Trung tâm TDTT Q.4 gợi ý “làm quen” với taekwondo. Chỉ sau một thời gian ngắn, Bích được chuyển qua học với “danh sư” Trần Quang Hạ và nhanh chóng khẳng định được vị trí của mình ở đội tuyển TP.HCM và đội tuyển quốc gia suốt nhiều năm liền. Với chiều cao lý tưởng 1 m 78, chị “chuyên trị” hạng cân nặng nhất (trên 72 kg). Trong 10 năm tập luyện, thi đấu, Ngọc Bích đã sưu tập được đủ loại huy chương, từ trong nước đến quốc tế. Có lẽ niềm đam mê võ thuật của chị đã ảnh hưởng nhiều đến em gái Trần Thị Ngọc Trâm. Cô em Ngọc Trâm cũng là một gương mặt sáng giá của taekwondo hiện nay với hàng loạt thành tích như HCĐ Giải vô địch taekwondo trẻ thế giới, HCB Giải vô địch taekwondo trẻ châu Á, HCĐ SEA Games…

Đã nhiều năm rời xa thể thao đỉnh cao nhưng những kỷ niệm về taekwondo vẫn còn rõ mồn một trong ký ức của Bích. Chị kể: “Trong số các VĐV taekwondo của đội tuyển TP.HCM, có nhiều người hoàn cảnh khó khăn lắm. Bích cũng vậy. Thầy Hạ rất tốt, thấy bạn nhỏ nào thích thể thao là tạo điều kiện cho tập luyện thi đấu. Nhờ đó, ai có năng khiếu, siêng năng tập luyện sẽ được chọn vào đội tuyển, nhận lương để trang trải việc học hoặc giúp đỡ gia đình. Bích mê taekwondo và cũng xác định phải có thành tích để được tăng chế độ, được tiền thưởng, đỡ đần phần nào cho mẹ. Vì vậy mà khi tập và đấu, mình luôn nỗ lực tối đa. Có thể nói, chính nhờ taekwondo mà gia đình Bích đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất để dần ổn định cuộc sống”.

Năm 2002, Ngọc Bích bị chấn thương đầu gối. Nghĩ rằng không đến nỗi nghiêm trọng, vả lại cũng sắp đến SEA Games trên sân nhà nên chị vẫn tập luyện, thi đấu bình thường. Huy chương vẫn gặt hái đều đều nhưng việc băng bó trước mỗi lần bước lên sàn đấu càng lúc càng mất hiệu quả. Đến đầu năm 2006, khi “gối muốn sút ra luôn” và dự định nghỉ thi đấu, Bích mới chịu lên bàn mổ. Bác sĩ chẩn đoán chị bị đứt dây chằng chéo trước, khi phẫu thuật thì phát hiện thêm tổn thương ở sụn chêm.

Chạnh lòng khi giải nghệ

Từ giã thể thao, Bích quyết định kiếm việc làm ngay, vì: “Lúc trước, mình đã dành toàn bộ thời gian cho taekwondo nên việc học rất vất vả. Những đợt tập nặng, cả người đầy vết bầm, tay thì run, Bích sợ nhất là tới giờ đi học gặp những môn phải ghi chép nhiều như văn, sử. Không kịp nên lần nào cũng phải mượn tập của bạn về nhà chép lại. Rồi năm cuối phổ thông cũng phải cày cục mãi mới học xong vì thời điểm thi tốt nghiệp hay trùng với đợt đấu giải. Bởi vậy, những VĐV đỉnh cao mà học hành đến nơi đến chốn đều rất đáng trân trọng, họ phải nỗ lực lắm mới được như thế. Còn Bích, khi ấy vì điều kiện gia đình vẫn chưa thật sự ổn định nên mình không theo học ĐH TDTT”.

Thấy khó mưu sinh bằng võ thuật, chị chuyển sang làm bảo vệ, rồi làm HLV tại phòng thể dục thẩm mỹ ở Phú Mỹ Hưng được vài năm. Năm 2011, được người quen giới thiệu, Ngọc Bích trở thành vệ sĩ cho gia đình Chủ tịch HĐQT Công ty Kymdan. Công việc mới có thu nhập khá tốt, nhưng hồi đầu năm nay, chị xin nghỉ việc. Bích cho biết: “Gia đình chủ rất tử tế, đồng nghiệp cùng cấp cũng nhiệt tình giúp đỡ Bích. Nhưng đi làm trong một tập thể lớn, có người này, người khác, mình lại hơi thẳng tính theo kiểu “con nhà võ” nên khó có thể làm hài lòng tất cả được. Ngoài ra, công việc vệ sĩ cũng vất vả với nữ giới. Để đảm bảo mức thu nhập, Bích phải tranh thủ làm ngoài giờ nên đi sớm, về khuya là chuyện bình thường. Thời gian đó hầu như không biết ngày nghỉ là gì, riết rồi có dịp họp mặt, bạn bè cũng ngại rủ mình”.

Cũng may là vốn liếng tích lũy được từ thời còn là VĐV và hơn 5 năm trời nỗ lực làm việc đã giúp gia đình Bích có một sạp bán tạp hóa nho nhỏ ở chợ, đủ để trang trải cuộc sống. Chị dự định không xin việc ngay, tạm thời phụ mẹ bán hàng và tranh thủ học Anh văn, tin học để ít nhất có vài chứng chỉ “lận lưng”, ngoài tấm bằng phổ thông trung học.

Bích chia sẻ: “Thể thao mang lại cho mình nhiều thứ nên Bích không bao giờ hối hận vì sự lựa chọn của mình. Nhưng từ khi nghỉ thi đấu, chật vật kiếm việc, đôi lúc cũng thấy chạnh lòng. Đâu phải ai cũng có thành tích nổi bật để trở thành HLV các tỉnh thành hoặc đội tuyển quốc gia… Chưa từng có chương trình hướng nghiệp giúp các VĐV lựa chọn nghề phù hợp sau khi nghỉ đấu. Một hình thức khác là vận động các nhà tài trợ để VĐV có thể học khóa ngắn hạn về tin học, ngoại ngữ cũng đâu phải chuyện bất khả thi?”. Không ngoài tầm tay, nhưng chẳng thấy ai làm để rồi nhìn vào những tài năng từng tỏa sáng một thời như Ngọc Bích, phụ huynh luôn ngại ngần khi được đề nghị cho con đi theo thể thao chuyên nghiệp.

Trần Thị Ngọc Bích sinh năm 1985, từng đạt nhiều thành tích cho taekwondo VN: HCĐ Cúp thế giới (2001), HCĐ Giải vô địch châu Á (2002, 2003),  HCB Giải vô địch trẻ châu Á (2000), HCV SEA Games (2003), HCĐ SEA Games (2001, 2005).

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.