Sau Phan Thị Hà Thanh, thể dục dụng cụ còn gọi tên ai?

30/10/2015 10:18 GMT+7

(TNO) Những người trong ngành thể thao và người hâm mộ Phan Thị Hà Thanh đều không khỏi lo lắng cho nữ VĐV sinh năm 1991, khi liên tiếp những ngày qua chứng kiến phong độ của cô giảm sút.

(TNO) Những người trong ngành thể thao và người hâm mộ Phan Thị Hà Thanh đều không khỏi lo lắng cho nữ VĐV sinh năm 1991, khi liên tiếp những ngày qua chứng kiến phong độ của cô giảm sút.

Phan-Thi-ha-Thanh-The-duc-dung-cuPhan Thị Hà Thanh đã 24 tuổi, đòi hỏi một VĐV theo TDDC trong thời gian quá dài và vẫn giữ phong độ tốt là một điều không thể - Ảnh: Ngô Nguyễn
Hà Thanh không bảo vệ được tấm HCĐ ở giải Vô địch thế giới 2015. Những chấn thương ở chân theo Hà Thanh suốt 4 năm nay và ngày càng có vẻ không ủng hộ cô. Từ SEA Games 28, ở Singapore, Hà Thanh đã từng khóc nức nở khi ngay trước ngày tranh huy chương nội dung toàn năng nữ, cô tái phát chấn thương và những tưởng không thi đấu nổi.
May mắn, SEA Games 28 vẫn còn là một kỳ thi đấu thành công với Hà Thanh. Nhưng, không ai cưỡng lại được vòng quay khắc nghiệt của thời gian, những tàn phá của thời gian, sức ép tập luyện và thi đấu lên mỗi VĐV.
Những năm tháng qua, cái tên Phan Thị Hà Thanh đã quá quen thuộc trong lòng người hâm mộ thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam. Nhắc đến niềm hi vọng vàng của SEA Games, ASIAD, rồi thế giới, người ta nhắc đến tên cô như một sự hãnh diện và tin tưởng.
Song, giờ đây, dù rất buồn, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, Hà Thanh không còn nguyên vẹn phong độ nữa, những người trong làng TDDC, Tổng cục thể dục thể thao có đang “ngồi trên đống lửa” hay không?
Sau Phan Thị Hà Thanh, TDDC sẽ gọi tên ai? - Ảnh: Khả Hòa
Nhìn lại toàn cảnh bức tranh TDDC Việt Nam, ở phái nam, Phạm Phước Hưng đã quá lớn tuổi và có thể sẽ giã từ sự nghiệp trong 1, 2 năm nữa. Chỉ còn nổi lên 2 cái tên Nguyễn Thanh Tùng, Đinh Phương Thành.
Nhìn sang TDDC nữ, câu chuyện buồn hơn. Phan Thị Hà Thanh cho thấy cô khó tiếp tục đi những bước dài hơn nữa. Sau cô, chỉ thấy một điểm sáng là Đỗ Thị Vân Anh nhưng cô bé này chưa có dấu ấn nào quá đặc biệt.
Tôi còn nhớ một lần phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Minh, Nguyên Vụ trưởng Vụ thể dục thể thao thành tích cao, Tổng cục thể dục thể thao về thành tích kinh ngạc của Ánh Viên ở SEA Games 28, người đàn ông này luôn nhắc đi nhắc lại, Ánh Viên thần kỳ nhưng sau Ánh Viên sẽ là ai? Ông cũng nhấn mạnh, lãnh đạo ngành thể thao đừng chỉ chăm chăm vào thành tích hiện tại, ngủ say trong chiến thắng mà quên không tìm kiếm, đào tạo nhân sự mới.
Ông Nguyễn Hồng Minh cũng nhắc đến Phan Thị Hà Thanh và trăn trở, ông chưa thấy có những lớp kế cận cô gái vàng này, sau Hà Thanh sẽ là ai làm được như cô, ghi tên Việt Nam vào bảng tổng sắp huy chương của TDDC thế giới?
Búp bê TDDC Đỗ Thị Ngân Thương từng chia sẻ, lý do cô đến với TDDC vì bố mẹ thấy con gái ốm yếu nên cho đi học, cô cứ thế theo bộ môn này. 3 năm trước, Ngân Thương chia tay nghiệp VĐV vì chấn thương.
Phan Thị Hà Thanh sinh ra lớn lên Hải Phòng, cô bé may mắn được tiếp xúc sớm với TDDC và có một cái duyên gắn bó với bộ môn này suốt mười mấy năm qua.
Vậy là, cảm giác như TDDC, một môn thể thao Olympic may mắn có được những ngôi sao sáng, mà chẳng mất công tuyển chọn ở địa phương.
Búp bê TDDC Đỗ Thị Ngân Thương đã chia tay TDDC được 3 năm - Ảnh: Thúy Hằng
Sẽ chẳng thể nào có những VĐV tốt, nếu lãnh đạo ngành thể thao không chịu bước ra khỏi phòng máy lạnh, về tìm kiếm tài năng còn trong trứng nước ở từng trường học, từng tỉnh thành, dù ở nông thôn, miền núi.
Nhìn nhận ở một góc độ khác, chính thể thao học đường cũng là nơi để người ta phát hiện ra các tài năng nhí thể thao. Nhưng, vấn đề này bao năm qua có được quan tâm triệt để hay không, hay chỉ ở những trường tư thục, quốc tế, học sinh mới được học và chơi thể thao đúng nghĩa. Ở các trường công, môn thể dục có khi còn bị cắt xén cho môn Toán, Ngữ văn?
Chia sẻ với Thanh Niên Online, ông Nguyễn Hồng Minh từng nói, thể thao Việt Nam cần chuẩn bị một lực lượng hậu bị, để sau Ánh Viên, sau Phan Thị Hà Thanh, chúng ta có nhiều Ánh Viên, Phan Thị Hà Thanh khác, bơi ra biển lớn của châu lục, thế giới.
Câu nói ấy, đến bây giờ vẫn còn quá đúng. Xem ra đến khi nào hết kiểu “ăn xổi”, có một cái nhìn dài hơi hơn, TDDC nói riêng, thể thao Việt Nam mới mong nở mày nở mặt!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.