Dọc đường SEA Games - Kỳ 3: Floorball, cũ người mới... ta

07/12/2013 09:00 GMT+7

Nếu như Ban tổ chức Myanmar đưa Chinlone vào danh sách các nội dung thi đấu ở SEA Games 27, thì chủ nhà SEA Games 28 cũng tranh thủ giới thiệu trước Floorball, một môn thi đấu lạ với người hâm mộ VN.

Nếu như Ban tổ chức Myanmar đưa Chinlone vào danh sách các nội dung thi đấu ở SEA Games 27, thì chủ nhà SEA Games 28 cũng tranh thủ giới thiệu trước Floorball, một môn thi đấu lạ với người hâm mộ VN. 

>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 2: Xem thi đấu phải có thẻ
>> Dọc đường SEA Games: Từ chợ đá quý đến Trung tâm báo chí

 Dọc đường SEA Games - Kỳ 3: Floorball, cũ người mới... ta
Các trận đấu Floorball không đủ sức cạnh tranh khán giả với những màn tranh tài Chinlone diễn ra cùng thời điểm - Ảnh: Khả Hòa

Floorball không chỉ mới lạ đối với VN, mà với cả nhiều nước trong khu vực. Trong số 11 nước ở Đông Nam Á, chỉ Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines là đã quen thuộc với môn khúc côn cầu trên băng phiên bản nhiệt đới này. Floorball tương tự như khúc côn cầu, nhưng được tổ chức trong nhà. Gậy chơi Floorball ngắn hơn và nhẹ hơn gậy chơi khúc côn cầu, thường được làm bằng carbon và vật liệu composite, trọng lượng chỉ vào khoảng 350 gr. Các trận đấu được tổ chức hoặc trên sàn gỗ, hoặc trên mặt sàn tráng nhựa theo quy cách nhất định, hoặc bí quá thì chơi trên sân bóng rổ. Do được tổ chức trong nhà, nên người chơi chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư đều có thể chơi quanh năm, suốt tháng.

Thế nhưng dù được tổ chức rầm rộ như cách để phát triển môn này, nhưng lượng khán giả đến chứng kiến rất thưa thớt. Một phần vì đây là môn không tính huy chương, phần khác nó lại diễn ra ngay thời điểm chủ nhà lại tổ chức môn “ruột” chinlone nên sức hút gần như không có.

Ngay trong lượt trận khai mạc giải hôm 2.12, cả hai đội nữ và nam Singapore đều giành chiến thắng áp đảo. Đội nữ thắng Indonesia 13-0, còn đội nam hạ Malaysia 6-1. Chủ nhà Myanmar ra quân ngày hôm sau, đã thua trắng đội nam Malaysia 0-13. Tuy nhiên, đội nữ Malaysia lại không được may mắn như vậy, khi nữ Singapore tiếp tục làm chủ thế trận để giành chiến thắng 5-1.

Kết quả này không có gì bất ngờ, bởi môn thể thao này rất mới với Myanmar và đội chủ nhà chỉ mới tập luyện có 6 ngày trước khi ra sân thi đấu. Nhưng điều đó chẳng hề gì vì mục đích tổ chức các trận thi đấu biểu diễn Floorball ở kỳ giải SEA Games năm nay là nhằm giới thiệu môn thể thao này đến các nước Đông Nam Á, để các nước có cơ hội làm quen với Floorball. Bởi ít nhất phải có từ 3 quốc gia trở lên đồng ý tham gia thì môn này mới có điều kiện trở thành môn thi đấu chính thức tại SEA Games 28, sẽ tổ chức tại Singapore vào năm 2015.

Chuyện những nước chủ nhà các kỳ giải SEA Games luôn nhắm đến vị trí số 1 trên bảng xếp hạng huy chương cũng là điều bình thường, cho dù đó là một đất nước mới mở cửa ra với thế giới như Myanmar, hay nước có nền kinh tế phát triển cao như Singapore. Và việc Singapore tích cực đưa Floorball vào nội dung thi đấu ở kỳ giải tới cũng nhằm mục đích thâu tóm huy chương.

Khi được hỏi về môn này, Trưởng đoàn thể thao VN Lâm Quang Thành chỉ nhún vai cười trừ: “Thật sự không phải chúng ta không chơi được môn này nhưng rõ ràng muốn có thành tích phải đầu tư lâu dài, từ đào tạo lực lượng đến làm quen với trận mạc như kiểu chúng ta từng tiếp cận với muay Thái, pencak silat hay cầu mây trước đây. Nhưng Floorball không phải là môn nằm trong chiến lược phát triển lâu dài của thể thao VN. Do vậy chúng ta chưa thể đầu tư được...”.

Floorball rất phổ biến ở châu Âu

Theo trang floorballnation.com.au, môn Floorball có xuất xứ từ Gothenburg, Thụy Điển trong những năm 1970. Bắt nguồn từ việc một số học sinh mang bóng và gậy chơi khúc côn cầu vào trường để chơi trong giờ ra chơi.

Chẳng ngờ một thời gian sau đó, Floorball trở nên phổ biến ở một số nước khu vực Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển và Na Uy. Từ đó, Floorball từ một trò chơi của học sinh đã phát triển thành một môn thể thao.Chẳng bao lâu sau, nhiều nước thành lập liên đoàn Floorball, và đến năm 1986, Liên đoàn Floorball thế giới (IFF) ra đời.

Floorball còn được gọi bằng những cái tên khác, ở Phần Lan thì gọi là salibandy, người Thụy Sỹ lại gọi là unihockey, còn ở “quê hương” Thụy Điển thì nó được gọi là innebandy.

Floorball đã tổ chức giải vô địch thế giới mỗi năm từ 1996 và được Ủy ban Olympic Thế giới công nhận từ năm 2008. Hiện nay, CH Czech, Phần Lan, Thụy Điển và Thụy Sỹ là những nước chia nhau huy chương vàng, bạc, đồng ở các kỳ giải vô địch thế giới.

Ông Tomas Eriksson, chủ tịch IFF, khẳng định rằng những trận đấu biểu diễn Floorball ở kỳ giải năm nay sẽ góp phần rất lớn cho sự phát triển của môn thể thao này. IFF cũng đang tích cực vận động để Floorball trở thành môn thi đấu chính thức tại Olympics mùa hè 2020.

Tố Loan
(từ Nay Pyi Taw, Myanmar)

>> Đội tuyển nữ VN: Gian nan giữ Vàng
>> Đội tuyển nữ Việt Nam xếp số 1 Đông Nam Á
>> Đội tuyển nữ đá trận đầu dưới thời HLV mới 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.