Myanmar tạp lục - Kỳ 7: Muôn kiểu tâm linh

20/12/2013 03:35 GMT+7

Tin vào yadaya nên dời đô về Nay Pyi Taw; vì yadaya mà in tiền với bội số 9 (được coi là số tốt lành); xe tay lái nghịch nhưng phải lái về bên phải, một luật kỳ quặc ở Myanmar cũng được giải thích là yadaya chống lại việc xâm lược từ nước ngoài... Yadaya là gì mà quyền năng đến thế?

Tin vào yadaya nên dời đô về Nay Pyi Taw; vì yadaya mà in tiền với bội số 9 (được coi là số tốt lành); xe tay lái nghịch nhưng phải lái về bên phải, một luật kỳ quặc ở Myanmar cũng được giải thích là yadaya chống lại việc xâm lược từ nước ngoài... Yadaya là gì mà quyền năng đến thế?

>> Myanmar tạp lục - Kỳ 6: Biểu tượng quyền lực Myanmar
>> Myanmar tạp lục - Kỳ 5: Hai mặt của Yangon
>> Myanmar tạp lục - Kỳ 4: Những nghề sắp tuyệt chủng  

 Myanmar tạp lục - Kỳ 7: Muôn kiểu tâm linh
Dùng cốc bạc đổ nước lên đầu tượng Phật cũng do chiêm tinh gia quyết định - Ảnh: N.T

“Giải hạn” kiểu Myanmar

Bạn có biết vì sao trong chuyến thăm chùa Shwedagon năm 2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama và bà Hillary Clinton dùng chiếc cốc bạc để rửa đầu một tượng Phật ở đây không? Hành động này là một kiểu yadaya, cách mà người Myanmar cầu xin may mắn và xua đuổi điều khó khăn, xui xẻo đấy.

Ở Myanmar, chiêm tinh, bói toán là một ngành kinh doanh kiếm ra tiền vì người dân gần như phải hỏi “thầy” về tất cả mọi thứ. Từ việc lớn như kết hôn, làm ăn cho đến việc nhỏ như cắt tóc. Nếu như ở VN, coi bói phải dựa vào ngày tháng năm sinh, thì ở đây thứ trong tuần mới quan trọng. Mỗi thứ sẽ được phù hộ bởi một vị thần (là con vật). Trong chùa Myanmar lúc nào cũng có tám vị thần đại diện cho 8 ngày trong tuần (thứ tư được chia ra hai thần vào buổi sáng và tối).

Tại chùa Shwedagon, những ngày đầu tiên tôi ngạc nhiên khi thấy rất đông người dân cúng nào hoa, trái cây, nhang... dưới chân tượng các linh vật. Trước mặt lúc nào cũng là một hàng dài chờ để múc nước. Lần lượt từng người cầm những chiếc cốc bạc đựng đầy nước (nước là điều tốt lành để giải hạn) vừa đổ lên đầu tượng Phật và đầu linh vật vừa thì thầm khấn nguyện. Đổ bao nhiêu cốc nước, đặt bao nhiêu bông hoa, trái cây gì... là do chiêm tinh gia quyết định. Cả ngàn năm nay người Myanmar vẫn tin và làm như thế.

Không chỉ dân thường, nhà cầm quyền Myanmar cũng bị ảnh hưởng bởi ý kiến của chiêm tinh gia và thầy bói. Ngày độc lập của đất nước khi người Anh rút lui (4.1.1948) đã được chính thức tuyên bố vào 4 giờ 20 sáng cũng do ý kiến của các chiêm tinh gia. Năm 1970, tướng Ne Win quyết định thay đổi luật giao thông bằng cách buộc xe tay lái nghịch (bên phải) phải lái ở phần đường bên phải, thay vì bên trái theo kiểu Anh, vì “thầy” phán bên phải mới tốt cho đường lối chính trị của ông. Tôi còn nghe câu chuyện rằng tháng 2.2011, thay vì mặc longyi, ông tướng chấp nhận mặc váy (shayi) của phụ nữ trong dịp tiếp thủ tướng Lào, được truyền hình trực tiếp trên ti vi, cũng là do “thầy” bảo mặc như thế mới khống chế được bà Aung San Kyi (?!). 

Không cắt tóc vào sinh nhật

Ở Myanmar, hầu hết người dân làm việc 6 ngày/tuần, tuy nhiên các bác thợ cắt tóc lại “được nghỉ” vào thứ hai và thứ sáu. Thật ra không ai cấm cả, nhưng người Myanmar không cắt tóc vào những ngày đó. “Đối với người Myanmar, thứ hai là ngày làm việc đầu tiên, và thứ sáu là ngày sinh của Đức Phật nên chúng tôi kiêng. Ngoài ra, tuyệt đối không được cắt tóc vào ngày sinh của mình (nếu sinh vào thứ hai sẽ không cắt tóc vào ngày đó - PV) vì theo truyền thống, làm như vậy bạn sẽ gặp bất hạnh”, Ko Ko Naing, sinh viên ĐH Dagon giải thích.

 

Người Myanmar thích màu vàng vì đó là màu của vàng (gold) và những ngôi chùa. Màu đỏ chỉ dành cho những gì rất quan trọng hoặc những dịp đặc biệt khi bạn cần thể hiện sức mạnh.

Chưa đâu, người Myanmar có nhiều “niềm tin” lạ hơn nữa. Như hôm tôi đến khu xóm nghèo bên kia sông, thấy Aung Ley, người xe ôm dẫn đường, cũng nghèo, nên kêu anh dừng lại chợ định mua chút thịt tươi tặng thì bị cản ngay: “Chiều rồi, đừng mang thịt sống về nhà”. Thì ra nhiều người Myanmar vẫn tin rằng, vào buổi chiều hồn ma có thể “trốn” vào thịt sống còn dính máu để vào nhà, đặc biệt là thịt heo và thịt bò (vì hồn ma rất thích... thịt bò). Chưa hết, vừa vào nhà Aung Ley, vợ anh đã nói ngay: “Hồi nãy nghe quạ kêu quá chừng (ở Myanmar quạ rất nhiều - PV), biết ngay thế nào cũng có khách”.

Dọc khu chùa Sule ở trung tâm Yangon, hàng loạt cửa hiệu coi bói mọc san sát nhau với giá 5.000 kyat (khoảng 100.000 đồng)/lần. Tò mò, tôi cũng ghé thử vào một tiệm. Tiệm nhỏ chừng 3 - 4 m2 chỉ đủ kê bộ bàn ghế. Rất chuyên nghiệp, bà thầy hỏi ngày, tháng, năm sinh của tôi rồi nhập vào máy tính gõ rất nhanh. À, tưởng gì, cũng là một dạng phần mềm lấy số tử vi ở VN đây, tôi nhủ thầm. “Cậu sinh vào thứ hai, ngày con cọp...”, rồi bà thầy xem chỉ tay và bắt đầu huyên thuyên... Sau đó bà dặn đi dặn lại: “Nếu không muốn đổ vỡ, cậu không được lấy người sinh vào thứ sáu đâu đấy, nhớ nhé!”.

Thấy vụ bói toán ở Myanmar cũng “hay hay”, tôi về “hỏi cụ Google” thì thấy nguyên cả “bài” nói về tương lai, số phận của tôi hồi nãy của bà thầy đều có đầy đủ... trên internet.

Nguyễn Tập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.